Đại đức Thích Đạo Thịnh
Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương GHPGVN
Công tác Hướng dẫn Phật tử luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Giáo hội. Như chúng ta đã biết, Ban Hướng dẫn Phật tử là một Ban được hình thành rất sớm kể từ khi Giáo hội được thành lập, cùng với 12 Ban và 01 Viện luôn hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã đề ra. Cơ cấu hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương gồm có 02 văn phòng, 05 phân ban và 05 tiểu ban.
Với nhiệm vụ quản lý và hướng dẫn số lượng Phật tử đông đảo, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương luôn tích cực tham gia các công tác Phật sự “Hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc”. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã từng bước phát triển vững mạnh, dần đáp ứng được tâm nguyện của Tăng, Ni và Phật tử trong cả nước.
Trong bối cảnh thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như sự giao thoa văn hoá và các luồng tư tưởng khác nhau trên thế giới, Giáo hội chúng ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Vì vậy, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tích cực trau dồi các kiến thức, nỗ lực học hỏi để đáp ứng kịp thời các nhu cầu về văn hoá, tín ngưỡng của người dân. Từ đó, đưa ra định hướng trong công tác Hướng dẫn Phật tử ngày càng phù hợp và thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của thời đại, góp phần xây dựng ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
1. Công tác Hướng dẫn Phật tử trong việc xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngay sau Đại hội nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Hướng Dẫn Phật tử Trung ương đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò của mình trong việc điều hành, hướng dẫn các tín đồ Phật tử thực hành theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn bởi Đại dịch Covid 19, song Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã đóng góp không nhỏ vào việc ổn định các hoạt động Phật sự của Giáo hội; nâng cao nhận thức về giáo lý của Đạo Phật, đáp ứng nhu cầu về tìm hiểu tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Thực hiện kế hoạch hoạt động Phật sự của Ban đã đề ra, dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Thanh Hùng – Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự – Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Chư Tôn đức Thường trực Ban Hướng dẫn, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Hoà thượng Thích Thanh Điện – Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đặc trách khu vục phía Bắc, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tổ chức thành công các công tác Phật sự tiêu biểu như:
– Tổ chức thành công “Khóa Bồi dưỡng và khóa tu chuyên ngành Ban Hướng dẫn Phật tử khu vực miền Trung và Tây Nguyên” năm 2018; tổ chức thành công “Khóa Bồi dưỡng và Khóa Tu chuyên ngành Ban Hướng dẫn Phật tử khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ” năm 2019. Tại các khoá bồi dưỡng chuyên ngành trên có hàng nghìn đại biểu và hàng chục nghìn Phật tử tham dự.
– Tổ chức thành công Hội trại “Tuổi trẻ và Phật giáo” với chủ đề “Hào khí Thăng Long” diễn ra từ ngày 25 -27/7/ 2019 tại Chùa Khai Nguyên, Thành phố Hà Nội. Hội trại lần này có hơn 2.000 trại sinh tham dự.
– Tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Hoạt động của tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững của đất nước” diễn ra vào ngày 28/7/2019 tại Chùa Khai Nguyên, Thành phố Hà Nội. Thành phần tham dự gồm trên 300 học giả là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành về Tôn giáo trong cả nước; trong buổi khai mạc có trên 4.000 đại biểu và tín đồ Phật tử tham dự.
– Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Phật giáo với hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế” ngày 21-22/11/2020 tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hoạt động đã thu hút hơn 400 đại biểu là các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học cùng hơn 2.500 Phật tử đến chúc mừng và tham dự.
– Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đồng tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của GHPGVN tỉnh Hòa Bình: Thực trạng và giải pháp”, ngày 17/10/2021. Đây là lần đầu tiên Ban Hướng dẫn Phật tử chủ trì và thực hiện thành công đề tài cấp Bộ (tỉnh) và được nhận bằng khen của lãnh đạo tỉnh Hoà Bình.
– Nghiên cứu, biên tập, xuất bản và ra mắt cuốn sách “40 năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 1981 – 2021” nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội.
– Phân ban Cư sĩ Phật tử đã tổ chức, hướng dẫn sinh hoạt cho các đạo tràng, khóa tu,…tính tới năm 2022 là: 2.510 Đạo tràng, chủ yếu là Đạo tràng Tịnh Độ, tu Thiền, Bát Quan trai, với 294.792 Phật tử thường xuyên tham dự. Ngoài ra, hiện nay còn có 169 lớp Giáo lý, 17.250 Phật tử theo học.
– Phân ban Gia đình Phật tử: Với chức năng tổ chức, hướng dẫn sinh hoạt tu học cho thanh thiếu niên, đồng niên, huynh trưởng, đoàn sinh. Theo thống kê hiện có 1.035 đơn vị, với 9.241 Huynh trưởng và 53.717 Đoàn sinh đang tham gia sinh hoạt tại các cơ sở tự viện và tư gia khắp trong cả nước.
– Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử: Đã hướng dẫn, tổ chức được 1.135 khoá tu, trại hè, hội trại,… với 469.000 bạn trẻ tham dự.
– Phân ban Phật tử dân tộc: Nhiệm kỳ qua, thường xuyên tổ chức các khoá quy y Tam Bảo, các khoá tu mùa hè, khoá tu một ngày an lạc cho bà con Phật tử đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, các khu vực miền Trung và Tây Nguyên,…
– Phân ban Phật tử Hải ngoại: Trong nhiệm kỳ qua, đã tổ chức các chuyến công du hướng dẫn đạo tràng tu học cho các Phật tử tại các Quốc gia như: Hungary, Pháp, Đức, Ý,… tại Châu Âu; các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ,… tại Châu Á và một số các Quốc gia khác như Úc, Mỹ, Angola,… Ngoài ra, do tình hình Đại dịch Covid 19, Chư tôn đức Tăng, Ni trong Phân ban Phật tử Hải ngoại đã tổ chức thuyết giảng Online, thông qua các lớp học Zoom đã thu hút hàng chục nghìn Phật tử thường xuyên tu học.
Với những thành tựu đạt được như trên, công tác Hướng dẫn Phật tử đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm cho Phật pháp ngày càng xương minh, quốc gia ngày càng hưng thịnh.
2. Thành tựu và một số hạn chế trong công tác Hướng dẫn Phật tử góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giao phó, phát huy tinh thần đoàn kết, cùng với các Ban của Giáo hội xây dựng chương trình tu học cho tín đồ Phật tử, nêu cao tinh thần “Hộ Quốc An Dân”, xây dựng nếp sống văn hoá gắn liền với nền tảng giáo lý từ bi, trí tuệ của Đạo Phật.
Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tích cực tham các cuộc vận động do Chính phủ và Uỷ Ban mặt trận Tổ quốc các cấp phát động như: Cuộc vận động “Ngày thế giới chống đói nghèo” do Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2019 và “Quỹ Vaccine phòng chống Covid 19” năm 2021; may và tặng khẩu trang miễn phí, nấu cơm đến các khu cách ly, chuyến xe rau 0 đồng, “Vùng xanh tiếp tế vùng vàng”; mở cây ATM gạo tại Mỹ Đình – quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để cung cấp hàng trăm tấn gạo tới người dân có hoàn cảnh khó khăn trong lúc Đại dịch; tích cực tham gia các công tác từ thiện xã hội, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc màu da cam, quỹ cùng em đến trường, trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, chương trình “Nồi cháo tình thương”, “Chăn ấm mùa Đông”, “Áo ấm vùng cao”,… tham gia hiến máu tình nguyện, phòng – chống ma túy, vệ sinh đường làng, ngõ phố, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn các tỉnh thành trong cả nước đã tổ chức thăm hỏi những người có công, gia đình chính sách, chia sẻ, tặng quà cho đồng bào nghèo, hỗ trợ sinh viên, học sinh nghèo vượt khó,… theo Báo cáo của Ban với tổng số tiền là: 663.192.846.000đ.
Tuy không phải là công tác trọng yếu của Ban, nhưng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành vẫn nỗ lực hoàn thành các công tác từ thiện xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ phần nào những khó khăn cho người dân, đặc biệt là một số đồng bào ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo của Tổ quốc. Với tinh thần “Từ bi cứu khổ”, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hay “một miếng khi đói bằng một gói khi no” Chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương không quản ngại khó khăn, gian khổ hay sự nguy hiểm của đại dịch Covid và lũ lụt đã phát tâm tới tận nơi để chia sẻ, trao những phần quà đầy ý nghĩa nhằm động viên người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong thời gian qua, mặc dù Chư tôn đức Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã rất cố gắng, nỗ lực nhưng vì yếu tố khách quan do ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid 19, vậy nên một số chỉ tiêu, công tác Phật sự của Ban vẫn còn tồn tại cần được nêu lên để khắc phục:
Một là, các hoạt động Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn các tỉnh thành chưa thực sự được thống nhất, đặc biệt là ở ba miền, giữa các tỉnh thành và giữa các cơ sở thờ tự.
Hai là, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn các tỉnh thành chưa kịp thời nắm bắt một số sự việc phát sinh để giải quyết một cách hiệu quả.
Ba là, hoạt động đảm bảo an sinh xã hội phần lớn còn mang tính tự phát, đội ngũ thực hiện chưa được đào tạo bài bản, tập huấn thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ.
Bốn là, một số Ban Hướng dẫn Phật tử khu vực phía Bắc hoạt động chưa được đồng đều, mọi liên lạc, kết nối còn gặp nhiều khó khăn.
Năm là, vì ảnh hưởng của Đại dịch nên chưa tổ chức được khoá Khoá bồi dưỡng và Khoá Tu chuyên ngành hướng dẫn Phật tử cho các tỉnh thành khu vực phía Bắc.
3. Một số giải pháp và đề xuất
Đứng trước những khó khăn, thử thách cũng như các cơ hội đang ở phía trước, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xin nêu lên một số giải pháp và đề xuất để phát triển ngành Hướng dẫn Phật tử nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện: Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Nội quy, Quy chế, Phương hướng hoạt động Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nhiệm kỳ IX (2022-2027); Ban hành các văn bản, chương trình tổ chức các khoá tu, các tài liệu liên quan tới ngành HDPT được thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, lên kế hoạch tổ chức Khoá bồi dưỡng và Khoá Tu chuyên ngành hướng dẫn Phật tử cho các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, tổ chức Khóa tập huấn để bồi dưỡng kiến thức kỹ năng: lãnh đạo, tổ chức, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng về chuyên ngành cho các Phân ban và Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành.
Thứ ba, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất các chương trình hoạt động Phật sự của Ban; thống nhất các nghi thức, nghi lễ khi tổ chức các sự kiện lớn trong lĩnh vực Hướng dẫn Phật tử như: lễ Vu lan, lễ Phật đản, lễ Hằng thuận,… Đẩy mạnh công tác giao lưu, học tập kinh nghiệm với các tổ chức Phật giáo Quốc tế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, tăng cường tiện ích, ứng dụng công nghệ để làm công cụ hữu ích truyền tải giáo pháp; chỉ đạo và hướng dẫn thiết lập Facebook của Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành, kết nối trang web Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương gắn liền với cộng đồng mạng, để thông tin Phật sự tại địa phương được thông suốt. Tiến tới thành lập tạp chí “Hướng dẫn Phật tử” có chỉ số khoa học để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban và chuyên môn của đội ngũ Tăng Ni, Phật tử.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội có tổ chức, có định hướng cụ thể tới các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa của đất nước; trong công tác từ thiện xã hội, nên phối hợp chặt chẽ giữa các Ban như Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội… kếp hợp với TWMTTQ cũng như các cơ quan chức năng tại địa phương để cùng chung tay đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ sáu, khuyến khích Chư tôn đức Tăng, Ni trụ trì các chùa khi tổ chức các sự kiện lớn như Lễ hội, Lạc thành, huý kỵ Tổ sư,… nên kết hợp với việc tu học Phật Pháp nhằm đem Phật pháp đến gần hơn tới đời sống của nhân dân.
Thứ bảy, hiện nay, nhiều khu đô thị trong cả nước, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Vì vậy, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo vệ môi trường, thường xuyên tổ chức cho các đạo tràng Phật tử, các Câu lạc bộ tham gia chương trình bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại những nơi mình đang sinh sống.
Thứ tám, Ban Hướng dẫn Phật Trung ương sát sao chỉ đạo các Phân ban, Tiểu ban và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành trong cả nước hướng dẫn các Đạo tràng, Gia đình Phật tử, các Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, kết nối với doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức tài trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo, người thất nghiệp.
Nói tóm lại, với tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, yêu chuộng hòa bình, hướng đến sự giác ngộ, giải thoát, Ban đã tích cực tham gia các công tác Phật sự mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giao phó, luôn tuân thủ và thực hành theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” với tinh thần “Phụng Đạo yêu nước”, “Hộ Quốc an dân”, tham gia các phong trào thiết thực đảm bảo an sinh xã hội. Chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ vững truyền thống yêu nước “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY