Cần nhận thức sâu sắc về chủ đề: Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển

Xuất bản

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn

Kính bạch Chư Tôn đức!

Kính thưa Đại hội!

Nhiệm kỳ 05 năm (2027 – 2022) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đi qua. Các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành công tác tổ chức Đại hội. Tăng Ni, Phật tử đang hân hoan hướng về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022 – 2027) diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào những ngày cuối tháng 11 năm 2022 với niềm tin vào sự lãnh đạo, điều hành của Trung ương Giáo hội cho các Phật sự “Tốt đạo – Đẹp đời; Hộ quốc – An dân” trong nhiệm kỳ mới.

Chủ đề Đại hội lần thứ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: Kỷ Cương – Trách Nhiệm – Đoàn Kết – Phát Triển được kỳ vọng sẽ đưa các hoạt động Phật sự trên tất cả các lĩnh vực trong nhiệm kỳ IX gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, chấn chỉnh khắc phục một số những tồn tại, nêu cao tinh thần đoàn kết hòa hợp, tiếp tục phát huy những giá trị nhân bản của triết lý Phật giáo trong đời sống của hàng chục triệu tín đồ Phật tử, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Để chủ đề của Đại hội trở thành mục tiêu xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của Giáo hội các cấp của cả nhiệm kỳ IX, chúng ta cùng nhìn nhận về bốn tiêu chí của chủ đề Đại hội. Từ đó, chúng ta sẽ có nhận thức sâu sắc để rồi có những hành động cụ thể, đưa chủ đề của Đại hội thành phương châm hoạt động của cả nhiệm kỳ. Có như vậy thì chủ đề: ” Kỷ Cương – Trách Nhiệm – Đoàn Kết – Phát Triển” của Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa và có sức sống mạnh mẽ, lan tỏa đến từng thành viên của Giáo hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội đề ra.

1. Tiêu chí thứ nhất: Kỷ cương 

Chúng ta có thể khẳng định là: Bất cứ một tập thể nào cũng cần phải có kỷ cương. Nhỏ là một gia đình, lớn như là Liên Hiệp quốc. Sẽ là hiểm họa khôn lường nếu như không có kỷ cương, phi pháp, phi luật.

Ngay từ khi có Tăng đoàn, Đức Phật đã chế ra giới luật và những quy định cụ thể để Tăng đoàn hoạt động.

Tại Đại hội này, chúng ta cần nhìn thẳng vào một số vấn đề còn tồn tại để có những quyết sách, giải pháp vì kỷ cương của Giáo hội.

Giáo hội Phật giáo với bề dày truyền thống hơn 2000 năm Hộ quốc – An dân, đồng hành cùng dân tộc thì ngoài những giới luật mà Phật Tổ đã chế ra thì kỷ cương của Giáo hội sẽ là yếu tố tiên quyết cho tất cả những thành tựu Phật sự.

Chúng ta đều biết, trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy về sự tối quan trọng của Giới luật; Giới luật còn thì Phật Pháp còn. Và bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ ràng rằng: Kỷ cương còn thì Giáo hội còn.

Theo thống kê của Ban Tăng sự Trung ương, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trên 55.000 Tăng, Ni và tất cả những việc làm, lời nói của hơn năm vạn các Quý vị Tăng Ni cũng như các Ban, Viện các cấp trong hệ thống hành chính của Giáo hội sẽ là hình ảnh của Giáo hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển như thế nào chính là ở nhận thức và kỷ cương của mỗi tập thể, cá nhân thành viên của Giáo hội.

Chắc chắn không thể tránh được đâu đó có một vài tập thể, cá nhân đã làm tổn thương thanh danh Giáo hội. Sẽ thật buồn khi chỉ cần có một vài vị Tăng, Ni trẻ thiếu đi sự “Kỷ cương” vi phạm giới luật, giữa thời đại công nghệ 4.0, chỉ sau ít phút đã tràn ngập trên các trang mạng xã hội và người ta thi nhau vơ đũa cả nắm, ném gạch đá… Trong khi hàng triệu việc tốt; hàng nghìn tỷ đồng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các Tăng Ni, Phật tử đã làm cho đời thì chẳng mấy được nhắc đến.

Đâu đó vẫn còn có một số ít tập thể, cá nhân, tự viện còn thiếu kỷ cương qua một số sự vụ trong thời gian qua cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của Giáo hội, ít nhiều làm tổn hại đến uy tín của GHPGVN

Đại hội IX này, kỷ cương đã được đưa lên hàng đầu là một tín hiệu đáng mừng khi các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội đã tiên lượng được sự quan trọng của kỷ cương và rằng: phát triển thịnh vượng nhưng thiếu đi kỷ cương, chắc chắn sẽ là mối họa lớn.

2. Tiêu chí thứ hai: Trách nhiệm 

Ở Việt Nam qua bao đời nay, Lịch đại Tổ sư luôn vì sứ mệnh hoằng truyền chính pháp để ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử được kế thừa những thành tựu và những trang vàng lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ được lưu lại mãi muôn đời.

Khi xưa, chắc hẳn Chư Tổ tiền bối luôn gắn trách nhiệm của mình với sứ mệnh “tác Như Lai sứ; hành Như Lai sự”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay và mỗi thành viên Tăng, Ni, Phật tử hẳn sẽ nhận thức rõ hơn nữa về trách nhiệm của mình với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, xây dựng quê hương đất nước ngày càng văn minh giàu đẹp.

Những hình ảnh đầy xúc động khi giữa tâm dịch chết chóc có những Tăng, Ni Phật tử dấn thân cởi áo cà sa khoác áo blouse.

Thật ấm lòng khi giữa bão bùng mưa lũ có những bóng áo nâu sồng vác hàng cứu trợ đến với đồng bào.

Rồi hình ảnh những nhà sư làm cha làm mẹ của hàng trăm mảnh đời bất hạnh dưới những mái ấm tình thương.

Rồi thấp thoáng bóng áo cà sa của những vị sư trên những ngôi chùa vùng biên giới điệp trùng và hải đảo xa xôi… đâu chỉ giản đơn là hai từ “trách nhiệm”.

Và còn rất nhiều những “trách nhiệm” như thế khi hàng vạn các vị Tăng Ni đang âm thầm cống hiến cho đời vì tình yêu quê hương, lý tưởng cao cả của những người con Phật, một lòng vì tâm nguyện “thượng cầu, hạ hóa”.

Cũng khó tránh đâu đó vẫn còn có một vài cá nhân chưa thực sự nêu gương trách nhiệm. Mong sao mỗi chúng ta luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước Phật Tổ, trước lịch sử và quê hương, đất nước. Vì sự phát triển xương minh của Giáo hội thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần nêu cao trách nhiệm của mình để mọi hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ này ngày càng nhiều thành tựu.

3. Tiêu chí thứ ba: Đoàn kết 

Đức Phật là người xây dựng Giáo đoàn bằng tinh thần lục hòa cộng trụ. Ngài từng dạy: Này chư Tỳ kheo, ngày nào các vị còn giữ đoàn kết và thường xuyên hội họp để học hỏi với nhau, ngày ấy Tăng Đoàn còn tiếp tục phát triển và hưng thịnh.

Ngày nào các vị còn giữ sự thống nhất và hòa thuận khi tụ hội với nhau hay khi cùng thảo luận những quyết định quan trọng, ngày nào các vị còn triệt để tôn trọng và tuân thủ những giới luật mà Như Lai đã ban hành để giúp đỡ và bảo vệ các vị, không bày thêm những giới luật mới khó khăn và áp đặt, ngày ấy Tăng Đoàn không bị suy thoái và hủy diệt.

Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Có thể khẳng định rằng: Sự đoàn kết có ý nghĩa quyết định cho mọi thành tựu Phật sự.

Thực trạng vẫn còn đâu đó sự thiếu đoàn kết trong một bộ phận Tăng Ni  dẫn đến một số hoạt động Phật sự bị đình trệ. Chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Thời gian qua, một số vấn đề về mất đoàn kết đã được Trung ương Giáo hội và các cấp giải quyết kịp thời, khẳng định sự lãnh đạo hiệu quả của các cấp Giáo hội.

Trong nhiệm kỳ này, chúng ta cần nêu cao giá trị tuyệt đối về sự đoàn kết trong tất cả các cấp Giáo hội và mỗi thành viên của Giáo hội để cho tất cả các hoạt động Phật sự nhất là công tác tổ chức, lãnh đạo của Giáo hội được thông suốt. Giáo hội các cấp cũng cần kịp thời nắm bắt, điều chỉnh, giải quyết những vấn đề mất đoàn kết ngay từ khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, cần có các chế tài phù hợp nhằm chấn chỉnh các cá nhân, tập thể để xảy ra việc mất đoàn kết. Đặc biệt là có biện pháp kiểm soát các phát ngôn (nhất là phát ngôn trên các trang mạng xã hội) để tránh tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, giúp cho GHPGVN ngày càng đoàn kết hơn nữa trước những thách thức của thời đại.

4. Tiêu chí thứ tư: Phát triển 

Phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước những thời cơ thuận duyên và nghịch duyên là một thách thức không hề nhỏ. Nó đòi hỏi sự đồng lòng, trí tuệ, sáng tạo và không thể thiếu kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết của tất cả các cấp Giáo hội và mỗi thành viên.

Tiền nhân từng dạy: Đạo tại nhân hoằng. Trong bối cảnh đất nước hội nhập, phát triển, thế giới có nhiều biến chuyển, nền tảng đạo đức gia đình, xã hội có phần lung lay trước nhu cầu vật chất và một bộ phận giới trẻ đang bị cuốn vào văn hóa ngoại lai, bị cám dỗ bởi những vật chất tầm thường… thì hơn bao giờ hết giá trị đạo đức Phật giáo cần được đề cao và cần có người xiển dương những giá trị tốt đẹp đó.

Muốn phát triển được Phật giáo thì trước hết toàn bộ hệ thống lãnh đạo các cấp của Giáo hội cần phải có những sáng tạo để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động Phật sự phù hợp với thời đại, pháp luật và giáo luật.

Cần đổi mới tư duy trong công tác điều hành các Phật sự. Khuyến khích, trọng dụng những nhân tài, quản lý tốt công tác Tăng sự. Đặc biệt là cần xem xét kỹ các trường hợp trước khi bổ nhiệm trụ trì các tự, viện vì Tăng Ni trụ trì các tự viện, là cánh tay nối dài của Giáo hội, là hình ảnh tốt hay xấu trong con mắt của xã hội. Nếu xét thấy cần thiết thì phải khảo hạch kỹ năng, trình độ, giới đức trước khi bổ nhiệm trụ trì. Đẩy mạnh các hoạt động Phật sự; đưa công tác quản lý điều hành các Phật sự ở các cấp Giáo hội và công tác hoằng pháp bằng công nghệ số. Giao lưu, liên kết, liên tôn với các tổ chức Phật giáo và tôn giáo bạn trên thế giới. Tiếp tục phát triển các Hội Phật tử Việt kiều…

Các cơ sở đào tạo của Giáo hội cũng cần có những phương pháp đổi mới trong công tác đào tạo tăng tài vì đây chính là những nhân tố quyết định cho tương lai của Giáo hội.

Phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập trước những thành tựu của khoa học, công nghệ và sự biến chuyển không ngừng của xã hội là một thách thức to lớn, bao trùm tất cả các hoạt động của cả hệ thống cho đến từng thành viên của Giáo hội.

Kỷ Cương – Trách Nhiệm – Đoàn Kết – Phát Triển là chủ đề mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp và những định hướng quan trọng của Giáo hội cho các hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ IX.

Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Giáo hội trong nhiệm kỳ IX, sự gia hộ của Tam Bảo và sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, sự đồng tâm hiệp lực của các thành viên của các cấp GHPGVN thì nhất định mọi Phật sự sẽ được thành tựu tốt đẹp. Kính chúc Đại hội thành tựu viên mãn!

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...