Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận
Khi nói đến giáo dục, hai khía cạnh quan trọng thường được được đề cập là giáo dục Đạo đức và giáo dục Tri thức. Trong đó, đạo đức tạo nên nhân cách con người, còn tri thức định hướng và phát huy tiềm năng của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hiền dữ đâu phải do tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Là một Tôn giáo lấy Đạo đức làm nền tảng, Phật giáo từ ngàn đời không những đã góp phần nhiều cho việc xây dựng đạo đức mà còn đóng góp rất lớn cho nền tri thức nhân loại. Ở nước ta, trong những thời kỳ mà Phật giáo được xưng tôn là Quốc giáo – Giáo dục Phật giáo đã góp phần định hình các giá trị Văn hóa thấm sâu vào đời sống chính trị xã hội phong kiến bấy giờ. “Tính lý luận và thực tiễn của Giáo dục Phật giáo đặc biệt dưới các triều đại Lý- Trần có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đổi mới giáo dục, triết lý giáo dục nước nhà. Đối với nước ta hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện thì việc xây dựng con người, giáo dục nhân cách đạo đức, phát triển văn hoá chiếm một vị trí quan trọng.” Lịch sử ghi nhận những vị “thầy” khoác áo nâu sòng mẫu mực như: Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Pháp Thuận, Phật hoàng Trần Nhân Tông, vv… đã đóng góp rất nhiều không chỉ cho sự hưng thịnh của Đạo Pháp mà đã góp phần nhiều vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và phục vụ nhân dân. Qua đây, chúng ta thấy được tầm quan trọng vai trò và sự ảnh hưởng của Giáo dục Phật giáo không những đối với Giáo hội mà cả Quốc gia – Xã hội.
1. Đặc tính của giáo dục Phật giáo.
1.1. Đặc tính phổ quát.
Giáo dục Phật giáo luôn lấy bản hoài của Chư Phật là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, với tâm niệm lấy lợi ích số đông trong tin thần Từ – Bi – Hỷ xả mà phụng sự. Bởi thế nên, không chỉ lấy Tăng Ni làm chủ yếu, mà cả nam nữ cư sĩ Phật tử đều là những đối tượng mà Giáo dục Phật giáo luôn xem trọng và hướng đến. Lịch sử đã ghi nhận những nhà Sư Phật giáo đã từng làm thầy dạy dỗ của nhiều thành phần và tầng lớp trong xã hội, từ Vua chúa như Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, đến hàng công hầu bá quan, cả quần chúng nhân dân mà không phân biệt sang, hèn, cao, thấp. Đến cả ngày nay, với sứ mệnh đưa Đạo Phật vào đời, nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử luôn ngày đêm cống hiến cho nền Giáo dục nước nhà từ những lớp mẫu giáo, đến giáo dục bậc phổ thông, và cả Đại học. Một trong số những ví dụ điển hình có thể kể đến là Viện Đại học Vạn Hạnh, cùng hình ảnh nhà sư phạm Hòa thượng Thích Minh Châu. Ngày nay, có nhiều Tăng Ni hiện diện trên giảng đường Phật học. Ngoài nhiệm vụ chính là truyền trao kiến thức lĩnh vực chuyên môn, chư vị cũng đồng thời là những nhà mô phạm đạo đức thông qua thân – khẩu – và ý giáo trong quá trình giảng dạy. Qua đây, tính phổ quát của giáo dục Phật giáo được thể hiện một cách rõ nét nhất.
1.2. Đặc tính kỷ cương.
Dù có truyền tải nhiều tri thức thuộc các lĩnh vực đời sống, khoa học và xã hội khác nhau, nhưng nền chính của giáo dục Phật giáo là lấy đạo đức Phật giáo làm cốt lõi. Điều này được thể hiện rõ ràng trong tiến trình tu học của một tín đồ Phật giáo, đó là con đường của Tam vô lậu học “Giới- Định – Tuệ”. Căn bản lấy Ngũ giới làm nền tảng để những giới luật mang tính quy phạm được ra đời. Giới luật là thước đo và đồng thời là khuôn mẫu của nền đạo đức Phật giáo. Bởi thế nên dù cho những học giới có khác biệt thấp, cao hay số lượng nhiều hay ít nhưng chúng đều nói lên đặc tính kỷ cương của giáo dục Phật giáo.
1.3. Đặc tính trách nhiệm.
Giáo dục Phật giáo luôn răn dạy người ta tu tập để hướng đến mục tiêu gần nhất là nét đẹp chân, thiện, mỹ, tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Cũng như lời phát biểu của Ngài Vijaya Lakshmi Pandit, cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”. Tín đồ Phật giáo luôn được giáo dục sống lương thiện một cách có thể nhất dựa trên định luật nhân quả, gieo nhân thì ắt gặp quả, con người là chủ thể của tạo tác và cũng là người nhận lại quả báo đến từ những tạo tác của mình. Bởi thế nên từ lâu nay giáo dục Phật giáo luôn hướng con người ta “làm lành, tránh dữ” vì nhận thức rõ ràng rằng con người luôn trách nhiệm đối với mọi sự việc, hiện tượng mà ta là chủ thể hoặc liên quan đến ta.
1.4. Đặc tính đoàn kết.
“Duy – Tuệ – Thị – Nghiệp” được hiểu nôm na là lấy trí tuệ làm sự nghiệp, pháp “lợi hòa đồng quân” trong phép sống “lục hòa” được thể hiện rõ trong tinh thần của Giáo dục Phật giáo. Đó là sự truyền trao, chia sẻ tri thức hiểu biểu, kinh nghiệm tu tập và hành đạo, gieo trồng mầm nhân tuệ giác trong muôn người, lợi người lợi đạo trên nền tảng có tính đạo đức, văn hóa và truyền thống. Ngoài ra, những phép lục hòa khác cũng hướng con người ta đến lối sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Hơn nữa, “Thất diệt tránh pháp” hướng dẫn việc thực hiện tranh luận, bàn cãi phát sinh trong tổ chức thông qua việc lấy “Ba La Đề Mộc Xoa” làm văn bản cơ sở lý luận nhằm giảm thiểu nhất những xung đột và mâu thuẫn không đáng có. Và còn nhiều hơn thế nữa những giáo lý hướng đến việc xây dựng tính đoàn kết trong mọi hội chúng, mọi môi trường tập thể.
1.5. Đặc tính phát triển.
Nếu nói lấy kỷ cương làm nền tảng ổn định, thì giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ lực để phát triển cho mọi tổ chức vì “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Vua Quang Trung lỗi lạc cũng đã từng khẳng định vai trò của giáo dục trong việc phát triển đất nước trong Chiếu Lập học như sau: “Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng người tài”. Hơn nữa, trái đất luôn xoay, vạn vật trong vũ trụ luôn vận động không ngừng để tiến hoá và phát triển, bản thân hệ thống giáo dục Phật giáo cũng vận động và phát triển để thích ứng với sự tiến bộ của xã hội. Vậy bên cạnh việc tự cải thiện và tiến bộ, Giáo dục Phật giáo đã đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo và đất nước. Nhờ ổn định, kỷ cương trên nền móng đạo đức Phật giáo, xã hội và đất nước có nhiều hơn những nguồn lực nhân sự có Đức lẫn tài. Giáo hội có nhiều hơn những Tăng sĩ có đầy đủ kiến thức và đạo hạnh để đảm đương mọi công tác Phật sự. Xã hội có nhiều hơn nguồn tri thức đa lĩnh vực, đa văn hoá và bản sắc, đồng thời xây dựng và bảo vệ đất nước trong khuôn khổ phép tắc, hành xử theo Pháp luật và luật nhân quả của Đạo Phật. Từ đây tạo nên những yếu tố cần thiết để Phát triển cả Phật giáo và Đất nước một cách bền vững và lâu dài.
2. Định hướng Giáo dục Phật giáo thời nay.
Giáo dục là để phục vụ cho mục đích phát triển tiềm năng của con người trong xã hội, vì thế nên ở mỗi giai đoạn phát triển xã hội khác nhau, định hướng giáo dục trong mỗi giai đoạn cũng đòi hỏi có sự khác biệt. Để định hướng một cách chính xác và tối ưu cho Giáo dục Phật giáo thời hiện đại ngày nay, chúng ta phải đánh giá một cách khách quan nhất về thực trạng xã hội hiện nay. Thật sự rất dễ dàng để bắt gặp những vấn đề của thời đại đang diễn ra hằng ngày xung quanh chúng ta. Bạo động, bất ổn chính trị, xung đột và mâu thuẫn trong xã hội luôn là mối de doạ sự an nguy của con người hiện nay. Đói nghèo, dịch bệnh và thiên tai có phải chăng là những gì mà ta nhận lại từ việc phá hoại môi sinh, làm mất cân bằng môi trường sinh thái. Suy đồi đạo đức hiện hữu và khiến nhiều thế hệ đánh mất hạnh phúc và tương lai. Nạn mại dâm, chất kích thích, phá thai, tội phạm xã hội, trộm cắp và nhiều hơn thế nữa những vấn nạn xã hội mà giới trẻ và cả chính chúng ta đang phải đối mặt. Qua đây ta xác định được thiên hướng phát triển của chủ nghĩa vật chất (materism) và chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) đang tỷ lệ nghịch với sự xuống cấp của nền giáo dục đạo đức nhân sinh. Vì vậy, định hướng của giáo dục Phật giáo cần và nên bù đắp lại lỗ hổng đạo đức, thay vì việc truyền thụ kiến thức đa lĩnh vực; cần tập trung vào chiều sâu hơn là chiều rộng của phạm vi ảnh hưởng đến các lĩnh vực đời sống. Để việc định hướng có hiệu quả nhất, cần tập trung vào ba mục tiêu cụ thể của Giáo dục Phật giáo trong đời sống hiện tại, đó là:
1) Trách nhiệm Giáo dục Phật giáo đối với hạnh phúc nhân sinh
2) Trách nhiệm Giáo dục Phật giáo góp phần giảm thiểu các vấn nạn xã hội hiện đại.
3) Trách nhiệm Giáo dục Phật giáo đối hòa bình của Quốc gia và nhân loại.
3. Kiến nghị cho sự phát triển Giáo dục Phật giáo hiện nay
a) Để phát triển Phật giáo và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cũng như thách thức của thời đại, Giáo dục Phật giáo cần những bước chuyển mình hơn nữa không chỉ trong công tác dạy và học, mà còn phát huy những tiềm năng điều kiện sẵn có và cũng như định hướng một cách phù hợp. Tham luận xin trình bày một số kiến nghị như sau:
– Xây dựng và phát triển nguồn lực, nhân sự tập trung hơn về vấn đề đạo đức, oai nghi, kỷ luật và chuyên nghiệp hoá,hiện đại hóa hệ thống Giáo dục Phật giáo phù hợp với định hướng phát triển của xã hội.
– Tập trung giáo dục và đào tạo nhắm đến các mục tiêu an sinh xã hội, hoà bình, thịnh vượng của nhân loại và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
– Giáo hội và xã hội cần nhìn nhận và quan tâm đúng mức hơn nữa về lợi ích của Giáo dục Phật giáo.
– Cải tiến hệ thống giáo dục, khảo sát và nghiên cứu thay đổi chương trình đào tạo theo những giai đoạn nhất định, tập trung ứng dụng thực tiễn thay cho lý thuyết suông.
– Và cuối cùng là tạo môi trường trải nghiệm, cơ hội cống hiến cho Tăng Ni, Phật tử sau khi hoàn thành chương trình Giáo dục Phật giáo.
3.2. Một vài đề xuất đối với công tác Giáo dục Phật giáo tại địa phương
Trong nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), với tầm nhìn của Chư Tôn lãnh đạo Giáo hội và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngoài Tăng Ni, Tu sĩ, còn có hàng ngũ cư sĩ nhiều độ tuổi khác nhau có cơ hội tham gia học tập, nghiên cứu ngày càng nhiều. Trong tương lai, Ban Giáo dục Phật giáo cần phối hợp với Ban Hoằng Pháp, Ban Hướng dẫn Phật, tử mở các lớp học theo hướng chuyên sâu phù hợp nhiều đối tượng, với các tầng lớp cư sĩ và đề xuất với Ban Giáo dục Phật giáo cấp Chứng chỉ theo cấp học.
Đối với người xuất gia nhỏ tuổi và hàng cư sĩ sơ cơ học đạo, vị Trụ trì (nghiệp sư) tự viện phải có trách nhiệm hướng dẫn những nghi thức, khuôn phép, giáo lý căn bản, sau đó có sự liên hệ với Ban Giám hiệu, Giáo thọ Nhà trường, lớp học để giám sát chặt chẽ việc học tập, tiếp thọ giáo lý cũng như đạo hạnh. Khuyến khích việc nội trú chuyên học, chuyên tu đối với người xuất gia, đồng thời nâng cao phương pháp quản lý.
4. Kết luận.
Với tinh thần “hòa quang đồng trần”, “dấn thân phụng sự”, Giáo dục Phật giáo Việt Nam nói riêng, Phật giáo nói chung luôn đi đôi với sự phát triển của đất nước, không xa rời sự thịnh vượng chung của xã hội. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng bởi những đặc tính quý báu của Giáo dục Phật giáo, bằng việc định hướng đúng đắn, Giáo dục Phật giáo sẽ mãi đồng hành cùng công cuộc xây dựng, gìn giữ, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, như những gì các thế hệ Tiền bối hữu công đã làm được.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY