Đó là những mong ước của Đại đức Thích Lệ Ngôn, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng phòng Hành chánh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM gửi đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.
Theo tôi, dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, các công tác Phật sự ở nhiều mặt hoạt động đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, giới trẻ của Phật giáo bao gồm Tăng Ni và Phật tử đã mạnh mẽ dấn thân để phụng sự trên nhiều phương diện, đặc biệt, tinh thần bi, trí và dũng của Phật giáo được thể hiện rõ nét qua chuỗi ngày chống dịch đầy hiểm nguy và gian khó.
Tôi hoan hỷ khi thấy trong cơ cấu của Giáo hội bao gồm các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo các cấp đã có Tăng Ni trẻ lãnh đạo và tham gia với tỷ lệ cao. Điều này chứng tỏ Tăng Ni trẻ đã tạo được niềm tin với chư tôn đức cao niên lãnh đạo nhiều năm, để từ đó có thể góp sức trẻ của mình trong sự phát triển Giáo hội nói chung, Phật giáo các huyện thị thành nói riêng.
Đại đức Thích Lệ Ngôn, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng phòng Hành chánh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM
Tuy nhiên, hiện nay, theo tôi, để phát huy năng lực của Tăng Ni trẻ, Giáo hội cần tạo điều kiện và định hướng nhiều hơn. Tăng Ni trẻ cần tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, không phải chỉ ở trường Phật học mà mở rộng ra nhiều môi trường khác, như: giáo dục thanh thiếu niên, giáo dục người hoàn lương,… từ đó tạo nên nếp sống và nếp nghĩ lương thiện trong đời sống cộng đồng.
Sự hội nhập của Phật giáo vào nhiều mặt của xã hội đã thể hiện tinh thần nhập thế để hóa độ chúng sinh. Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức đối với các Tăng Ni trẻ. Vì vậy, Giáo hội cũng cần chú trọng nhiều hơn đến công tác giáo dục Tăng Ni theo phương châm “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” để trong hoàn cảnh nào, Tăng Ni trẻ cũng giữ được phẩm chất của mình mà không bị “thế tục hóa”.
Nguồn: GNO