Đôi điều về giáo dục Ni giới trẻ thời hội nhập

Xuất bản

Tỳ khiêu Ni Thích Nhật Khương
Trưởng tiểu Ban Giáo Dục
Phân Ban Đặc trách Ni giới TƯGHPGVN

Đất nước nào cũng có nền giáo dục của riêng mình, nhưng để hội nhập thế giới, chúng ta phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại. Nhưng điều quan trọng là không đánh mất đi cái bản sắc dân tộc của đất nước mình.

Thiền sư Chân Nguyên trong Nam Hải Quan Âm đã nói:” Chân như đạo Phật rất mầu; Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân..”. Còn nhà quân sự thiên tài Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” thì: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Đem chí nhân thay cường bạo”. Đọc hai luồng tư tưởng, một của thiền sư và một của nhà quân sự, nhìn lại bối cảnh lịch sử của đất nước ta qua các thời đại, có thể nói Hiếu và Nhân chính là bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Dưới góc nhìn của người con Phật, chúng ta thử tìm hiểu xem Phật giáo đã giáo dục như thế nào để trở thành một con người hiếu nghĩa và nhân từ?

1. Gia giáo xưa.

Kể từ lúc bước chân vào cửa đạo, vị thầy Bổn sư chân chính đã khai tâm cho đệ tử mình bằng bốn bộ Luật tiểu. Đó là: Tì ni, Uy nghi, Sa di Ni và Cảnh sách. Nếu được tưới tẩm, xông ướp bằng những dưỡng chất này, có thể nói, nền móng ban đầu của một tu sĩ sơ cơ đã được thiết lập vững chắc. Vì bốn uy nghi là đi, đứng, nằm ngồi đã được kiềm thúc bởi chính niệm của Tì ni. Lại nữa, mười giới luật căn bản của Sa di Ni nếu giữ gìn chỉn chu sẽ nhiếp phục được ba nghiệp thân, khẩu, ý thoát khỏi sự buông lung bởi vọng tình, ngũ dục. Khi thân, khẩu, ý đã thanh tịnh, sớm tối lại được răn nhắc, cảnh tỉnh thiết tha để khỏi trôi lăn trong sắc thọ, hành động theo tập khí dung thường. Có thể nói, 80% các hành giả sơ tâm này sẽ đi tiếp con đường còn lại để hoàn thành sứ mạng tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự của mình, vì “nhất niên thì Phật hiện tiền”.
Ai cũng biết, khi “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục” là chúng ta đã bắt đầu chèo thuyền ngược sóng, mọi thách thức hiểm nguy của bát phong còn ở phía trước. Nhưng nếu được giáo đạo như vậy, ít nhất chúng ta cũng tích tụ được chút ít tư lương để vững tay chèo giữa cuồng phong bạo vũ. Phần tự lực vượt khó đã thiên nan vạn nan. Nhưng nếu ai may mắn gặp được minh sư là một đại diễm phúc. Người thầy xưa thường thì không độ hai người đệ tử trong một năm vì còn phải uốn nắn, dạy răn, gọi là “cho ra trò”, bởi theo kinh nghiệm của các bậc chân sư thì lượng không quan trọng bằng chất. Thế mới gọi là nghiệp sư, là người thầy kiến tạo cho mình một nền tảng vững chắc, hướng đạo cho mình những bước đầu kiên định và truyền trao cho mình một đạo nghiệp chân phương.

2. Về Ngũ Minh.

Không phải bây giờ, mà ngày xưa Ấn Độ cổ đã huấn luyện một tu sĩ phải rành rẽ Ngũ Minh để việc hoằng pháp được bao quát hơn, uy tín hơn và vững chãi hơn. Trong Ngũ Minh thì Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh và Nhân minh được xem là phương tiện thiện xảo trong việc hoằng pháp lợi tha. Còn Nội minh là môn học về tôn chỉ của tông phái. Thật vậy, đối với tu sĩ thì học ngôn ngữ, kỹ thuật, lịch toán, công nghệ, y dược hay luân lý chỉ để làm giàu thêm tri thức mà thôi. Còn khi nào hiểu rõ Tứ đế, thực hành theo con đường Thánh đạo Tám ngành, tin sâu nhân quả và lý duyên sinh thì đó mới thực sự là đã đặt chân lên con đường giải thoát khổ đau của sinh tử.

Ngoài việc học Kinh, Luật, Luận ra còn một việc không thể thiếu, đó là chấp tác, vì “Phước Huệ song tu”. Mà theo Tổ Bá Trượng thì “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. (một ngày không làm là một ngày không ăn) Thế nên, việc hành đường công quả, vận thủy ban sài và sự Sư đều phải cần lao phục dịch. Không có việc đại chúng làm việc cực nhọc còn mình trốn việc ngồi yên, vì làm là để cho chính mình, và việc chấp tác là để điều thân, còn hạ thủ công phu trong thiền, tịnh, mật đạt đến trạng thái “nhất tâm bất loạn” là để điều tâm. Khi thân tâm đã thanh tịnh thì tịnh độ hiện tiền.

3. Đạo phong của người thầy.

Cổ Đức dạy: “Sơ nhập Tam Bảo hải dĩ tín vi bản, trụ tại Phật gia, dĩ giới vi bản” (mới vào biển Tam Bảo, lấy niềm tin làm căn bản, ở trong nhà Phật, lấy giới luật làm gốc)”. Thế nên, người đệ tử trước hết phải đặt trọn niềm tin nơi người thầy, vâng theo giáo huấn và thực hành rốt ráo những giới điều Thầy dạy. Còn người Thầy, phải kiện toàn hai pháp nhiếp thủ, đó là dạy và nuôi, phải đủ lòng từ bi, bình đẳng cho đệ tử. Khổng Tử dạy: “tu, tề, trị, bình“. Vâng, người quân tử trước hết phải tu sửa chính bản thân mình, sắp xếp việc nhà đâu vào đấy, rồi mới ra làm chính trị và bình định thiên hạ. Giáo dục tốt không phải thao thao trên bục giảng, mà thân,khẩu,ý giáo phải nhất quán. Thế nên Đức Phật dạy: “Nếu như muốn dạy bảo người, phải làm cho được những lời nói ra.Sửa mình, rồi sửa người ta, Tự mình điều phục, thật là khó thay” (Kinh Pháp Cú 159, Nhật Khương dịch).

4. Giáo dục chư Ni thời hội nhập.

Kể từ sau Phong trào chấn Hưng Phật giáo do Hoà Thượng Khánh Hoà khởi xướng khoảng năm 1929 – 1930, thì chư Ni không còn bị xem như bà vãi ở nhà trù nữa. Từ đây, ai vào chùa tu cũng được Thầy Tổ tạo điều kiện thuận lợi cho đi học tại các trường sơ trung và Đại học Phật giáo. Nếu chưa tốt nghiệp Phổ Thông cũng phải học cho xong, hoặc lớn tuổi, cũng học cho có bằng bổ túc.Tuy là bằng Bổ túc, nhưng có nhiều vị đã phấn đấu hết sức mình, đạt thành tích tốt, du học nước ngoài để khi trở về nước, ít nhất cũng tốt nghiệp Thạc sĩ, hay Tiến sĩ, phục vụ cho Giáo hội nhiệt tình và hiệu quả. Nhưng cũng có một số vị hăng say văn bằng thế học mà quên rằng mình đã bỏ mất cái Bằng tu sĩ, thậm chí đến nỗi thất lạc chữ tu. Chữ mà ban đầu khi mới bước chân vào cửa đạo, chúng ta thường thưa rằng: “xin Thầy cho con đi tu”.

Buồn hơn nữa là người thầy ở chùa đã tự nguyện hy sinh tất cả, trên từ chánh điện dưới đến nhà trù, bao sái lo toan mọi mặt, đám sám trong ngoài chỉn chu, lại còn chắt chiu dành dụm, giảm bớt những nhu cầu của bản thân để cho đệ tử được bằng huynh bằng đệ. Đến khi tốt nghiệp, cũng là lúc tuổi Thầy đã về chiều, thì một số đệ tử thất niệm lại không muốn về chùa. Vì quá ham học nên đối với công phu tu tập đã chểnh mảng buông lung. Còn học vị bây giờ lại là khoảng cách khiến Thầy trò khó truyền thông được với nhau. Thế là có lý do để ở lại phố thị, kiếm một chức vụ gì xứng tầm với văn bằng mà mình sở hữu. Khi đạt được yêu cầu rồi lại muốn có thất, có am, để có không gian riêng tư mà nghiên cứu, không bị buộc ràng bởi quy luật thiền môn. Nhiều và nhiều thứ lắm không sao kể hết, mọi nhu cầu cứ thế tăng dần đến chóng mặt. Đó cũng chính là kết quả của việc ham học mà quên tu.

Chúng ta thấy, bây giờ ở các trường học đời, đều treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” còn trong trường học đạo, nơi được xem là “Tuyển Phật trường” thì lẽ nào các vị Phật tương lai này lại quên học lễ, quên tinh thần tôn sư trọng đạo? Đâu rồi là “ân sư dị báo, pháp nhủ nan thù”? Đâu rồi là những lời hứa hẹn trước lúc ra đi là sẽ trở về trụ xứ mình để phục vụ cho Giáo hội tỉnh nhà, làm Phật sự ở ngôi chùa hẻo lánh, nơi mà thầy bổn sư cùng các sư em, sư chị ngày đêm trông ngóng đợi chờ? Chúng ta ai cũng nằm lòng câu “Tu mà không học thì tu mù, nhưng học mà không tu thì chỉ là cái đãy đựng sách”, còn Hoà thượng Viên Thông thì dạy: “Phàm người ở chốn Tùng lâm, tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm, lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài, một mai thế lực đó mất đi, đều không tránh khỏi cái họa khuynh đảo” (Thiền lâm bảo huấn , tr.31, HT. Thích Thanh Kiểm dịch).

5. Trách nhiệm liên đới.

Chúng ta nên biết rằng vị thầy khai đạo buổi sơ tâm là vô cùng quan trọng. Người đệ tử đã có đạo tâm xuất gia thì người thầy phải có đạo phong, đạo lực và đạo hạnh để giáo huấn cho học trò không đi lệch quĩ đạo thiền gia. Ở thế gian thường nói “phi oan trái bất thành phụ tử”,còn người xuất gia thì “phi nhân duyên bất thành sư đệ”. Thật vậy, không hẳn đạo cao đức trọng là có nhiều đệ tử, mà phải đủ duyên với nhau. Thường thì trò tìm thầy, thế nên có câu”Đệ tử tầm sư dị, Sư tầm đệ tử nan”. Người đệ tử tìm thầy học đạo thì dễ, vì họ có chọn lựa, còn người thầy thì không có quyền lựa chọn mà chỉ với tâm nguyện “thả bè từ vớt hết trầm luân” để độ sinh. Thế nên dù đệ tử có trái tính, trái nết hay cang cường thế nào thì thầy vẫn từ bi tiếp độ. Nếu chúng ta hiểu rằng “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” và Tổ Huệ Năng cũng đã nói: “Khi mê thì thầy độ, khi ngộ thì đệ tử tự độ” chứ không phải khi ngộ rồi thì đệ tử bỏ thầy mà đi. Bởi “không thầy đố mày làm nên”. Nếu hiểu được như thế thì tinh thần tôn sư trọng đạo sẽ cao đẹp biết bao! Ngày xưa, sách Quốc Văn lớp ba có câu: “Học thầy phải kính trọng thầy, những phường bội bạc sau này ra chi”. Sự tình là như thế, nhưng chúng ta nhớ rằng Đức Phật và chư Tổ dạy sự tương quan giữa thầy trò chứ không dạy ta một vế. Thế nên, tình thầy, nghĩa đệ phải liên đới quan hệ mật thiết với nhau. Hơn thế nữa, thầy vừa làm cha, làm mẹ lại làm thầy, nên “pháp nhũ nan thù” là vậy.

6. Giải pháp cho việc phát huy tiềm năng trẻ tiếp bước tiền nhân.

Như đã nói, chư Ni trẻ thế kỷ 21 có rất nhiều lợi thế trong tay, như vật chất sung mãn, trình độ thế học và Phật học đều được trang bị đầy đủ. Nhưng để vượt qua được sức cám dỗ của ngũ dục, chắc chắn phải có đạo lực kiên định. Vậy đạo lực ấy từ đâu mà có? Đó là do thầy dạy đạo và tự lực tiến tu. Nói như Edward Gibbon thì: “mọi người đều hấp thụ được hai thứ giáo dục. Một thứ là do người khác tạo ra, còn một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình”. (Từ điển danh ngôn Đông Tây Tr.208). Rõ ràng, ngoài sự dạy dỗ của Thầy Tổ, còn một thứ quan trọng hơn là Văn, Tư và Tu do chính mình phải thực hành.
Thật vậy, hai pháp nhiếp thủ của Thầy là nuôi và dạy, còn đệ tử có lắng nghe, có suy nghĩ chín chắn và có hạ thủ công phu tu tập hay không mới là điều quan trọng. Thế nên, quán xét được tiềm năng của đệ tử ở tầng bậc nào để rèn buộc và phát huy, làm lợi đạo ích đời là nghệ thuật dùng người của Thầy. Còn chọn lựa và tin tưởng tuyệt đối nơi thầy để được khổ luyện, rèn dũa cho trở thành pháp khí là phước duyên của đệ tử. Có hiểu biết mới có kính thương. Chính niềm thương kính giữa thầy và trò này, sẽ chắp cánh cho lý tưởng, cho ước mơ trở thành hiện thực. Từ đó, mọi thách thức sẽ được hoá giải, và quan điểm giáo dục không còn hạn cuộc trong hai từ xưa và nay. Vì theo Ch. Rivet thì: “Giáo dục một người là đào luyện họ để có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh”. (Từ điển danh ngôn Đông Tây tr.206). Thế thì dù xưa hay nay, nếu một người đã được giáo dục chuẩn mực thì đặt ở vị trí nào cũng tỏa sáng, cũng thành công.

Xin khép lại bài tham luận bằng câu nói của John F. Kennedy, vị Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ là: “Đừng hỏi rằng Tổ quốc đã làm gì cho tôi mà hãy tự hỏi rằng tôi đã làm được gì cho Tổ quốc”. Cũng vậy, chúng ta là những tu sĩ Phật giáo, đã chọn cho mình cuộc sống “an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp” thì đừng hỏi rằng Thầy Tổ và Giáo hội đã làm được gì cho mình, mà nên tự hỏi rằng mình đã làm được gì cho Thầy Tổ và Giáo hội. Khi tự hỏi được câu này thì chúng ta đã tự tìm ra một giải pháp cho riêng mình để tiếp bước tiền nhân trên lộ trình “Hoằng pháp vi gia vụ lợi sinh vi bản hoài”.

Và muốn thành tựu đạo nghiệp huy quang này thì như Tổ Phù Dung tự cảnh tỉnh rằng: “Ngộ thanh, ngộ sắc như thạch thượng tài hoa. Kiến lợi, kiến danh, như nhãn trung trước tiết”. Tạm dịch: Nghe tiếng khen, gặp sắc đẹp ,như hoa trồng trên đá. Thấy lợi, thấy danh như trong mắt vướng bụi. Để làm một hoằng nô Tam Bảo chân chính, chúng ta hãy cùng nhau hạ thủ công phu.

Vì như cổ Đức có dạy: “Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh, hoa mai đâu dễ ngát mùi hương”.

Kính chúc Đại hội thành công viên mãn./.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...