Phân ban Đặc trách Ni giới TWGHPGVN
Khu vực phía Bắc
Kính bạch Chư Tôn giáo phẩm Chứng minh!
Kính bạch Chư Tôn giáo phẩm đoàn Chủ tọa!
Kính thưa Đại hội!
Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử, những đóng góp thiết thực của Phật giáo cho đất nước từ ngày đầu có mặt đến nay, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nữ giới Việt Nam luôn được xã hội trân trọng.
Sử liệu cho biết, kể từ thời Hai Bà Trưng, nữ giới đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Nhiều nữ tướng như công chúa Bát Nàn (quê huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) sau tu ở chùa Tiên La, tỉnh Thái Bình; Nữ tướng Thiều Hoa đã dẫn 500 quân tham gia Hội thề xuất quân của Hai Bà Trưng. Khởi nghĩa thành công, bà trở về quê hương tu ở chùa Phúc Khánh, tỉnh Phú Thọ. Khi sư cụ trụ trì viên tịch, bà kế đăng, tiếp tục hoằng dương Phật pháp, vừa trùng tu ngôi chùa vừa cùng dân chúng xây dựng, mở mang trang ấp thành một nơi trù phú, tươi đẹp. Khi bà mất, Trưng Vương truy phong bà làm “Phù Vương Công chúa” và cho lập đền thờ bà. Các triều đại trước kia đều có sắc phong cho bà. Thời Hậu Lê gia phong thêm hai chữ Đại Vương. Bà Phương Dung 16 tuổi đến tu ở chùa Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bà và hai người con nuôi theo Hai Bà Trưng đứng lên đánh đuổi quân nhà Hán… Năm 40, Hai Bà Trưng giành được độc lập cho dân tộc, lên ngôi vua, Trưng Vương phong cho bà làm Công chúa, hai con làm Tả, Hữu Tướng quân. Khi Mã Viện đem quân sang xâm lăng nước ta, Hai Bà Trưng thua trận và tuẫn tiết, bà Phương Dung về ẩn tu ở chùa Yên Phú (Hà Nội). Sau khi mất, dân làng thờ bà ở chùa này.
Vào thế kỷ thứ II, III, người phụ nữ trong Phật giáo Việt Nam đã có những vai trò quan trọng trong nền văn minh lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Khi tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ đã xuất hiện hình tượng Phật Mẫu Man Nương và hệ thống thờ Tứ Pháp: Pháp Vân (chùa Dâu, chùa Thiền Định), Pháp Vũ (chùa Thành Đạo hay chùa Đậu), Pháp Lôi (chùa Phi Tướng), Pháp Điện (chùa Thương Quan hay chùa Dàn), ở vùng Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sau lan xuống huyện Văn Lâm, Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Bước vào thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước, thời Lý có công chúa Lý Ngọc Kiều, khi đắc pháp được tôn xưng là Tổ sư thiền – Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1113) ; thời Trần có Ni sư Phạm Từ Quán, xuất gia và tu hành theo lối tu khổ hạnh tại núi Thanh Lương, là bậc trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt, được tôn xưng là bậc Tông sư của Ni chúng, được vua Trần Nghệ Tông (1370 – 1372) ban hiệu là Tuệ Thông Đại sư. Tên tuổi ngang hàng với các bậc Cao tăng.
Thời Lê Trịnh có Ni sư Diệu Viên (Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc) con gái chúa Trịnh Tráng, Ni sư Diệu Tuệ (con bà Trúc), có công giúp Chuyết Chuyết Tổ sư truyền bá dòng thiền Lâm Tế Trí Bản Đột Không trụ lại tại chùa Phật Tích (Tiên Du) và Bút Tháp (Bắc Ninh), và phát triển ở Đàng Ngoài Đại Việt. Danh Ni thời Nguyễn ở xứ Bắc có sư bà Đàm Thái (1842-1917), Đàm Uyên (1856-1958)…
Nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ từ 1934 – 1945, không thể không nhắc đến bà Cả Mọc (Hoàng Thị Uyên), sinh năm 1870 tại Hà Nội, chuyên buôn bán tơ lụa ở 25 Hàng Đào. Bà đã cúng góp 117$ vào việc xây dựng chùa Hội quán Trung ương, 50$ vào Trường Phật học Quán Sứ. Năm 1940 bà cúng cho Hội Phật giáo một ngôi chùa (chùa Phú Ninh, tức chùa Cao Phong), diện tích 70 mẫu . Hội thành lập Trường Tăng học ở đây do HT. Tuệ Tạng (Tổ Cồn) phụ trách. Tháng 5/1945, bà được bầu làm Trưởng ban Phụ nữ Hội Phật giáo[1]. Bà luôn tâm niệm thực hành giáo lý từ bi của Đức Phật trong cuộc sống bằng những hành động cụ thể: Năm 1945, nạn đói khủng khiếp, cứ chiều chiều các bà lại nắm 300 – 400 nắm cơm nhờ anh em Hướng đạo (quân của ông Hoàng Đạo Thúy – em ruột bà) đi các ngả đường, dúi vào bọc cho từng người. Tối thì đốt củi ở hội quán Hội Tế Sinh cho đồng bào sưởi. Chính vì những hành động cứu tế đồng bào trong nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 mà ngay sau khi đất nước giành độc lập, tháng 01/1946 bà Cả Mọc được Hồ Chủ tịch mời dự tiệc trà ở vườn ngoài Bắc Bộ Phủ. Trong cuộc gặp gỡ này, cụ Hồ đã khen ngợi tấm lòng nhân ái, giúp đỡ người nghèo của bà Cả Mọc. Báo Cứu quốc số 410, ngày 19/01/1946 có đăng ảnh cụ Hồ chụp ảnh cùng bà Cả Mọc[2]. Bà mất năm 1947.
Đến nay Tăng Ni, Phật tử tỉnh Nam Định còn nhớ mãi hình ảnh 2 vị sư Ni là Đàm Nhung và Đàm Lân khoác túi cứu thương trong đoàn 27 nhà sư chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh đã cởi cà sa mặc chiến bào, lên đường đánh Pháp đầu năm 1947.
Liệt sĩ Ni sư Thích Đàm Niệm, thế danh Nguyễn Thị Chanh, sinh năm 1892, quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, xuất gia theo Phật từ năm 19 tuổi. Năm 1935 về trụ tại chùa Chàng (An Tân), xã Gia Tân, huyện Gia Lộc. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ni sư tham gia Uỷ ban Liên Việt huyện Gia Lộc, chùa trở thành cơ sở cách mạng đáng tin cậy của nhân dân và chính quyền địa phương. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chùa lại trở thành trung tâm tập kết của nhiều cơ quan và đồng bào gần thành phố đến sơ tán. Là nơi ăn nghỉ của bộ đội C29 thuộc Tỉnh đội Hải Dương.
Ngày 20 tháng 10 năm 1947, giặc Pháp càn quét khắp vùng Gia Lộc, đánh phá ác liệt vào xã Gia Tân (Kiên Trung), vây bắt, bắn chết hơn 30 người. Chúng đốt phá chùa An Tân, chém đầu Ni sư Thích Đàm Niệm. Hiện nay, hài cốt của Ni sư đã được nhập tháp tại chùa Sượt, phường Thanh Bình, TP Hải Dương – nơi quê hương bà.
Ni trưởng Thích Đàm Xuân (1913 – 2000), quê xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Xuất gia năm 20 tuổi, thụ giới ở chùa Mật Đa, thành phố Thanh Hóa.
Tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Khu vực Hàm Rồng-Nam Ngạn là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt con đường huyết mạch từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bấy giờ, chùa Mật Đa là nơi đặt hầm chỉ huy của dân quân tự vệ Nam Ngạn, chùa trở thành kho chứa đạn và khí tài quân sự của bộ đội cao xạ. Chùa cũng được chọn làm trung tâm sơ cứu thương binh của mặt trận Hàm Rồng – Nam Ngạn. Trong những ngày bom rơi đạn nổ ác liệt đó, sư thầy Đàm Xuân đã tham gia nấu nước sẵn cho bộ đội uống, thường xuyên hái dừa trong vườn chùa đem cho bộ đội ngoài trận địa. Xe, súng cao xạ thiếu lá nguỵ trang, sư chặt lá dừa, lá chuối, lá cây trong chùa mang cho bộ đội nguỵ trang. Có lần thương binh về nhiều, sư đã xé cả màn của mình để băng bó vết thương cho bộ đội. Nuôi được con gà nào, sư cũng đều để dành cho bộ đội, thương binh. Nhà thơ Huy Cận đã ca ngợi Ni trưởng là nhà sư: mở tung cửa chùa đi cứu nước.
Cuộc đời phụng đạo yêu nước với tinh thần đạo pháp và dân tộc của Ni trưởng Đàm Xuân là tấm gương sáng để các thế hệ Tăng Ni tiếp nối noi theo.
Kể từ ngày thành lập GHPGVN vào tháng 11 năm 1981, nhất là sau ngày thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương trực thuộc Ban Tăng sự GHPGVN vào ngày 01 tháng 1 năm 2009, chư Tôn đức Ni đã kế thừa và phát huy truyền thống tu hành mà đức Thánh Tổ Ni Kiều Đàm Di đã soi sáng con đường giác ngộ giải thoát cho Ni giới nói riêng và Nữ giới nói chung. Trong quá trình phát triển từ đó đến nay, nữ giới trong tổ chức Giáo hội ngày càng phát huy truyền thống tu tập, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên các lĩnh vực Giáo dục, Hoằng pháp và Từ thiện xã hội. Trong hàng ngũ nữa Phật tử tại gia đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển Giáo hội. Tham luận này chúng con xin trình bày về các hoạt động của Ni giới phía Bắc mà Phân ban Ni giới chúng con đã theo dõi hướng dẫn trong nhiệm kỳ vừa qua.
1. Một số thành tựu đạt được của Ni giới phía Bắc.
Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ni giới phía Bắc đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện Phật sự và hoạt động kinh tế – xã hội.
1.1. Tham gia công tác Giáo hội các cấp.
Từ bảng thống kê Ni giới Phía Bắc, chúng ta thấy số sư Ni chiếm tỷ lệ khá cao ở GHPGVN các tỉnh, thành phố (tử số) như: Hải Phòng (77,77%/25,7%), Hà Nội (75,34%/29,3%), Ninh Bình (74,66%/24,2%), Thái Bình (73,83%/)…. nhưng tỷ lệ Ni giới là ủy viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh lại không tương xứng (mẫu số). Thành phố Hà Nội, có Phân ban Ni giới với nhiều sư Ni mà không có vị Ni nào được suy cử làm Phó Ban Trị sự phụ trách phân ban Ni giới; Thành phố Hải Phòng đến nay không hiểu vì lý do gì mà vẫn chưa có Phân ban Ni giới. Trong lúc tỉnh Thanh Hóa, sư Ni chiếm tỷ lệ 54,42% tổng số Tăng Ni nhưng lại có 2 sư Ni làm phó Ban Trị sự tỉnh. Bảng Thống kê Ni giới phía Bắc.
1.2. Tham gia công tác xã hội.
Phát huy truyền thống gắn bó với dân tộc, theo lời Phật dạy: “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật” Ni giới phía Bắc đã hoàn thành tốt Phật sự “Ích đời, lợi đạo” xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư nơi mình cư trú, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền tham gia các công tác xã hội như MTTQVN, HĐND, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Trung ương và các cấp các hội đoàn như Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học, Hội Bảo vệ trẻ em… nhiều vị đã được nhà nước và các Ban, Ngành tặng thưởng Huân, Huy chương…. Điều đó thể hiện truyền thống “Hộ quốc, an dân” của Ni giới, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.
Trên tinh thần từ bi cứu khổ và đạo lý nhân bản của người Việt Nam, Ni giới phía Bắc đã tích cực tham gia các chương trình từ thiện: Ủng hộ trẻ em nghèo vượt khó hiếu học, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn, tham gia chương trình quỹ Vì người nghèo. Nhiều chư Ni trực tiếp đi thăm, tặng quà ở những vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền núi phía Bắc hay cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai ở một số tỉnh miền Trung với tổng số quà trị giá hàng chục tỷ đồng. Một số chùa duy trì nấu cháo từ thiện cho các bệnh viện trong các tỉnh thành.
Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, chư Ni khắc phục mọi khó khăn, gương mẫu chấp hành, đồng thời chủ động dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, không quản ngại khó khăn, trực tiếp vận động các tín đồ, Phật tử và nhân dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch… xin đơn cử một số gương sáng: Ni trưởng Đàm Cẩn và sư thầy Đàm Thanh ở chùa Mía, thị xã Sơn Tây nuôi dạy 8 em; sư thầy Đàm Thảo ở chùa Thái Ân, xã Tam Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội nuôi dưỡng hàng chục trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; Ni trưởng Thích Đàm Lan chùa Bồ Đề, quận Long Biên nuôi hàng chục em mồ côi và hàng chục người già cô đơn không nơi nương tựa; Ni sư Đàm Huề chùa Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nuôi dạy 8 em…
1.3. Công tác đào tạo Tăng tài.
Ni giới phía Bắc đã tích cực tham gia công tác giáo dục đào tạo Phật giáo tu học trong hệ thống các trường Trung cấp, Cao đẳng, Học viện Phật giáo.
Một số vị theo học cử nhân và sau đại học ở các trường ngoài Phật giáo hoặc du học nước ngoài. Đến nay Ni giới phía Bắc đã có 12 vị đạt học vị Tiến sĩ. Hà Nội có 7 vị: Ni trưởng Thích Đàm Thành chùa Kim Liên, quận Tây Hồ; Sư cô Thích Đàm Mai chùa Bà Nành, quận Đống Đa; Ni sư Thích Diệu Tâm, chùa Cát Linh, quận Đống Đa; Ni trưởng Thích Đàm Lan chùa Bồ Đề, quận Long Biên; Ni sư Thích Đàm Thanh, chùa Mía thị xã Sơn Tây; Ni sư Thích Nữ Đồng Hòa, chùa Tăng Phúc, quận Long Biên; Sư cô Thích Đàm Thái ở Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế Vĩnh Nghiêm Tùng thư, huyện Đông Anh; Ni sư Thích Đàm Luyện – Chánh văn phòng Phân Ban đặc trách Ni giới khu vực phía Bắc; Ni sư Thích Minh Thịnh chùa Phúc Diên, Đông Anh. Các tỉnh khác 5 vị: Thích Đàm Quy tỉnh Ninh Bình; Thích Đàm Hảo, Ni sư Thích Đàm Hân tỉnh Nam Định; Ni sư Thích Đàm Kiên Tp. Hải Phòng…
Nhờ được học tập có bài bản, nhiều sư Ni đã tự tin thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng, sinh hoạt đạo tràng vào những ngày mồng 1, ngày 15, ngày giỗ Tổ và các ngày lễ lớn trong năm tại các cơ sở tự viện.
Tỷ lệ Ni giới tham gia an cư kết Hạ trên 95%. Phân ban Ni giới tại hai tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh đã tổ chức cho Ni giới an cư kiết hạ riêng biệt. Trong đó, các vị giảng sư Ni đã trực tiếp thuyết giảng giới luật cho hàng Ni chúng, không phải thỉnh mời các vị giảng sư Tăng. Điều này cho thấy sự chủ động trong công tác giáo dục của chư Ni, giúp giảm bớt gánh nặng cho các vị Hoà thượng (Thượng tọa) vốn bận bịu nhiều công tác Phật sự.
1.4. Xây dựng chùa cảnh, bảo tồn di tích.
Qua thời gian, do sự phong hóa của thiên nhiên bào mòn, tàn tích chiến tranh để lại, nhiều cơ sở, tự viện ở phía Bắc bị xuống cấp. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan hữu trách, chư Tôn đức Ni đã cùng nhân dân Phật tử kiến tạo, trùng tu nhiều chùa chiền. Việc xây dựng chùa cảnh, tô tượng, đúc chuông có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đó , góp phần bảo vệ di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh di tích lịch sử của dân tộc, xây dựng bền vững trụ xứ làm nơi tu tập, ươm mầm trí tuệ, đào tạo Ni tài cho Giáo hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân, Phật tử. Ai cũng biết xây mới một ngôi chùa đã khó, thường mất từ 3-6 năm, thế mà trong Ni giới phía Bắc có sư thầy Thích Đàm Lợi trụ trì chùa Lê Dương, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai từ năm 2008 đến 2020 đã trùng tu xây mới 4 ngôi chùa (3 ở Tam Hưng, 1 ở xã Tam An); Ni sư Tiến sĩ Thích Nữ Đồng Hòa trụ trì, trùng tu 3 chùa (chùa Tăng Phúc, quận Long Biên, chùa Khô thôn Vị Nhuế, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì; chùa Linh Quang, thôn Lộc Hải, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội; Ni trưởng Thích Đàm Hiếu trụ trì chùa Bảo Hoa, huyện Giao Thủy, tỉnh N+ Tác động của xã hội, của nền kinh tế Thị trường.
Nam Định từ năm 1984 đến năm 2018 đã xây mới và trùng tu 4 ngôi chùa tại huyện Giao Thủy. Ni sư Thích Đàm Huề xây dựng 2 chùa (chùa Hòa Mạc. huyện Duy Tiên, chùa Bầu ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
2. Tồn tại trong hoạt động của Ni giới phía Bắc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong hoạt động của Ni giới phía Bắc còn một số tồn tại cơ bản sau:
– Hiện nay Ni giới phía Bắc mạnh về số lượng nhưng chất lượng tu học vẫn còn hạn chế (còn yếu), nhất là trong số các Ni trẻ. Do bản lĩnh tu tập chưa vững, ý thức học tập chưa cao nên họ dễ bị ngoại cảnh tác động, chi phối. Đây là một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống hiện nay. Ví dụ, đa số chùa do sư Ni trụ trì ở vùng nông thôn chỉ làm nông nghiệp nên thời khóa lễ tụng hàng ngày thường chỉ theo được 2-3 thời và phải chênh với quy định vì thế không có thời gian tự học.
– Sinh hoạt Ni giới phía Bắc hiện nay hoạt động chưa đạt hiệu quả cao. Các hoạt động thiếu ổn định, mang tính tự phát và chưa có tổ chức thống nhất trong toàn thể Ni đoàn Phật giáo.
– Sinh hoạt Ni giới phía Bắc hiện chưa có chủ trương, chính sách cụ thể, các hoạt động mang tính chất nhất thời, thất thường không có kế hoạch và ít có điều kiện tổ chức sinh hoạt tập thể, thường mạnh ai người ấy làm.
– Giáo hội chưa có sự điều chỉnh và bổ sung kịp thời những chính sách cho Ni chúng đáp ứng và phù hợp với những thay đổi của xã hội hiện đại. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Ni chúng tại các địa phương còn hạn chế, chậm chạp, chưa đạt hiệu quả cao.
– Đây đó trong Ni giới phía Bắc vẫn tồn tại ít nhiều tư tưởng cục bộ sơn môn và địa phương, chính vì những lý do trên nên đã phần nào hạn chế khả năng tập trung nhân lực và trí tuệ tập thể trong các Phật sự có tính quy mô rộng lớn.
3. Nguyên nhân của tồn tại.
3.1. Nguyên nhân khách quan.
+ Sự lãnh đạo chưa được sâu sát của Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương GHPGVN.
+ Ni giới còn kiêm nhiệm nhiều công việc Phật sự và công việc xã hội (vừa lo việc chùa, vừa kiêm nhiệm công tác Phật sự huyện, xã, công tác Ni giới).
3.2. Nguyên nhân chủ quan.
+ Ni giới phía Bắc có sự chênh lệch về trình độ học vấn, độ tuổi và tuổi Hạ gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức sinh hoạt.
+ Tinh thần tu học vươn lên còn hạn chế, thiếu tự tin tự khẳng định mình, tự ti.
+ Hoạt động Ni giới mang tính chất tự phát, chưa có sự liên kết thống nhất, lẻ tẻ ở các chùa. Không có sự phối kết hợp và tổ chức đồng bộ trong mọi hoạt động.
+ Sinh hoạt Ni giới phía Bắc yếu về tổ chức, thiếu về kinh phí hoạt động (không có nguồn kinh phí cố định và chính thức. Mọi hoạt động đều dựa trên kinh phí tự túc, sự đóng góp của Tăng Ni, Phật tử.
4. Giải pháp.
Từ những phân tích trên, Phân ban Đặc trách Ni giới phía Bắc chúng con xin đề xuất một số giải pháp sau đây cho nhiệm kỳ 2022 – 2027 như sau:
1) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Thành hội, Tỉnh hội) cần có những chủ trương, chính sách cụ thể để phát huy hơn nữa vai trò của Tỷ khiêu Ni trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, đạo pháp và dân tộc.
2) Nâng cao nhận thức của Ni giới về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo (Phật giáo).
3) Đa dạng hóa đào tạo, nâng cao trình độ Phật pháp và kiến thức xã hội cho Ni giới phía Bắc (kỹ năng tin học trong thống kê, quản lý tự viện, kỹ năng nấu cỗ chay…). Về phía Ni giới, cần tranh thủ nắm bắt cơ hội, không ngừng học hỏi, tinh tiến trong tu tập, trau dồi tri thức, phẩm hạnh và bản lĩnh, nhập thế tích cực, thích hợp với nhu cầu của thời đại để mang lại ánh sáng trí tuệ, hạnh phúc và an lạc đến với bản thân và mọi người; khẳng định khả năng, cống hiến cho việc xây dựng và phát triển Giáo hội và đất nước.
4) Tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu, hợp tác của các sinh hoạt Ni giới trong công tác Phật sự và xã hội.
5) Tăng cường giao lưu hợp tác giữa Ni giới các tỉnh phía Bắc với nhau và Ni giới các tỉnh thành trong cả nước. Trao đổi học hỏi kinh nghiệm để Ni giới có thể tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực như giáo dục, tổ chức, điều hành Giáo hội.
6) Khuyến khích và tạo điều kiện để Ni giới tham gia vào cơ cấu tổ chức Giáo hội các cấp, các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, quận, huyện, thị. Với các tỉnh, thành có nhiều sư Ni cần thành lập Phân ban Ni giới, và ở nơi có Phân ban Ni giới cần cơ cấu một vị Ni làm Phó Ban Trị sự phụ trách Phân ban. Vấn đề củng cố và hoàn thiện nhân sự PBNG cũng rất quan trọng. Việc bổ nhiệm và lựa chọn nhân sự củ PBNG cần chú trọng với tính thiết thực, có tầm nhìn lâu dài và tăng cường trang nghiêm giới luật, nội quy Ban Tăng sự để việc điều hành hoạt động được quy củ hơn và hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho các sư Ni trẻ tích cực tham gia cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và phục vụ xã hội.
Chúng con xin kính chúc quý vị Đại biểu thân tâm an lạc, vô lượng cát tường, Chúc Đại hội thành công viên mãn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến chương GHPGVN, tu chính lần thứ VI, Nxb Tôn giáo, 2018
2. Nguyễn Đại Đồng, Những người con gái tiêu biểu của Đức Phật, Nxb Tôn giáo, 2013
3. Danh sách nhân sự Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh phía Bắc nhiệm kỳ 2017-2022, Cổng Thông tin điện tử GHPGVN.
4. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb Tôn giáo, 2008.
5. Tài liệu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 900 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị Tổ chư Ni tiền bối hữu công, 2019.
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY