Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc đồng hành cùng dân tộc

Xuất bản

Thích Nữ Giới Tánh
Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính thưa Đoàn Chủ tọa Đại hội.
Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa Quý vị đại biểu.

Năm 2022, năm Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc klần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027, cũng là năm đánh dấu 30 năm hai nước Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, 21 năm quan hệ đối tác toàn diện và 13 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Đến nay, với sự nỗ lực chung, quan hệ Việt – Hàn đã phát triển nhanh, vững chắc, thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế, Hợp tác phát triển, Văn hóa, Giao lưu nhân dân; đặc biệt quan hệ Phật giáo hai nước đã có những bước chuyển tốt đẹp. Hòa chung vào quá trình đó, trong nhiều năm qua cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc trên đất Đại Hàn đã hình thành và ngày càng phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 260.000 người, trong đó có rất nhiều hội viên là thành viên của hội Phật tử và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc. Đặc biệt, trong 5 năm qua (2017 – 2022), Phật giáo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Cộng đồng người Việt Nam nói chung, bà con Phật tử Việt Nam nói riêng tại Hàn Quốc luôn tự hào PGVN tại đây. Trong quá trình phát triển nơi xứ người, vẫn luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc Việt Nam, tuân thủ Hiến chương hoạt động của GHPGVN theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Trong nhiệm kỳ qua (khóa 8), được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương GHPGVN, trực tiếp là Ban Phật giáo Quốc tế, hoạt động Phật sự của Phật giáo Việt Nam tại xứ sở Kim Chi, mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng rất nhiều của hai năm đại dịch Covid -19, nhưng đã đạt được những kết quả tốt đời, đẹp đạo, theo sát tình hình thời sự của đất nước và thực hiện tốt nhiệm vụ đối nội, đối ngoại trên xứ sở Kim Chi. Những thành công đó đã được các cơ quan trong nước, cũng như được Phật giáo và các cơ quan, tổ chức sở tại ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, Phật giáo Hàn Quốc năm 2019 đã trao tặng Giải thưởng cao quý “Giải thưởng Hòa bình Phật giáo thế giới” cho Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc vì những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị Phật giáo giữa hai nước và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Dưới đây, xin điểm lại một số nét chính về hoạt động Phật sự đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc trong thời gian qua (2017 – 2022).

Hoạt động Phật sự luôn bám sát chương trình, kế hoạch, quyết nghị của Đại hội đại biểu toàn quốc GHPGVN khóa 8 và của Ban Phật giáo Quốc tế, tăng cường củng cố Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc thông qua tổ chức nòng cốt là Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc. Mặt khác đẩy mạnh hoạt động Phật sự, đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân 2 nước Việt-Hàn và thúc đẩy quan hệ ngoại giao Phật giáo hai nước. Thực hiện vai trò cầu nối, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị cùng phát triển giữa Phật giáo Việt Nam với các Tông phái Phật giáo Đại Hàn. Mở rộng các hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng Ngoại giao văn hóa, Ngoại giao nhân dân; tôn giáo, chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới; kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở các nước. Tạo mối quan hệ thân hữu, thường xuyên với các Tông phái Phật giáo Đại Hàn (đặc biệt với Tông phái lớn Tào Khê, Tông phái Thái Cổ,…), các tổ chức Giáo hội, Tăng già, các truyền thống Phật giáo trên thế giới, phấn đấu để đạt những thành quả nhất định.

Mỗi năm đều tổ chức gặp gỡ, trao đổi với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng về việc kết nối tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu văn hoá song phương giữa hai đất nước Việt – Hàn. Mở rộng các hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng Ngoại giao văn hóa, Ngoại giao nhân dân; tôn giáo, chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới; kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở các nước; tạo mối quan hệ thân hữu, thường xuyên với các Tông phái Phật giáo Đại Hàn, các tổ chức Giáo hội, tăng – già, các truyền thống Phật giáo trên thế giới, phấn đấu để đạt những thành quả nhất định.

Có thể nói quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc đến nay đã phát triển vững chắc và ổn định. Đây là thành quả của sự nỗ lực chung vì hợp tác hữu nghị và phát triển của 2 dân tộc Việt- Hàn. Hòa vào dòng chảy hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa 2 nước, trong những năm qua, Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc cũng rất tự hào đã có những đóng góp tích cực vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt- Hàn, mở rộng kênh Ngoại giao nhân dân 2 nước. Các hoạt động phổ biến, tuyên truyền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa phật giáo Việt Nam nói riêng tại xứ sở Kim Chi, cùng các hoạt động giao lưu trao đổi các Đoàn Phật giáo và văn hóa 2 nước đã được Hội Phật tử và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc nỗ lực triển khai, không chỉ đáp ứng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở 2 nước, mà còn giúp bà con nâng cao nhận thức và hiểu biết bản sắc văn hóa của mỗi nước, qua đó tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Đẩy mạnh truyền bá Phật giáo Việt Nam ở nước sở tại, xúc tiến hoằng pháp trong cộng đồng, xã hội Việt-Hàn nơi cư trú. Phối hợp với Đại sứ Lý Xương Căn tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá Việt – Hàn tại Việt Nam và Hàn Quốc,…Tổ chức Tết ba miền cho cộng đồng người Việt, thúc đẩy giao lưu trao đổi đoàn: Phật giáo Hàn Quốc vào dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 8 – tháng 11/2017, thăm TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc – tháng 5/2019, tham dự Toạ đàm Khoa học Truyền thống Văn hoá Phật giáo Việt Nam – Hàn Quốc tại Chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn (Tp. Đà Nẵng) năm 2018. Đưa đoàn chính quyền Seoul (Hàn Quốc) về kết nghĩa với Chính quyền huyện Đông Anh (Hà Nội), Tp. Đà Nẵng và các tỉnh để hợp tác phát triển kinh tế. Giúp đỡ người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam: Bình Dương, Phú Mỹ Hưng (Tp. HCM), Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Bắc Ninh, Hà Nội, Hạ Long..

Thị Trưởng Park Nam Chun chia sẻ dịp lễ đón Tết Việt (Tết Ba Miền) năm 2019 tại Trung tâm văn hoá Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Incheon rằng Việt Nam và Hàn Quốc đều là những người bạn rất đặc biệt với nhau, trên hết là sự tương đồng trong lịch sử, văn hóa, xã hội giữa hai nước. Những mối giao lưu từ trong lịch sử xa xưa lâu đời đến những mối nhân duyên giữa con người với con người đã kéo mối quan hệ của hai nước lại gần với nhau hơn. Riêng tại Thành Phố Incheon, người Việt Nam sinh sống và học tập tại đây rất đông, đã góp phần vào việc vun đắp giàu mạnh cho đất nước chúng tôi, đặc biệt những phụ nữ đến đây làm dâu đã hướng dẫn cả gia đình bên chồng làm kinh tế rất giỏi… Bên cạnh đó Trung tâm văn hoá và Hội Phật tử sẽ nỗ lực việc bảo tồn và phát triển những di tích lịch sử liên quan đến dòng họ Lý của Việt Nam cũng như thực hiện các dự án nhằm quảng bá về lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Được Chính phủ Hàn Quốc cấp phép thành lập Hội phật tử và Trung tâm Văn hoá, đây là một pháp nhân để hoạt động PGVN và để khẳng định vị thế lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam trên đất Đại Hàn Dân Quốc. Nắm bắt thông tin truyền thông từ PGVN, mang sứ mệnh hoà bình Phật giáo, đó là từ bi hỉ xả đi muôn nơi để độ đời, để mọi người thực tập sự an bình trong cuộc sống. Hội Phật tử và Trung tâm Văn hoá thường xuyên tổ chức các khóa tu bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) và các buổi thuyết giảng giáo lý Phật giáo cho cộng đồng, giúp bà con hiểu thêm về đạo Phật, đưa Văn hoá Phật giáo đi vào cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, tổ chức cho cộng đồng Phật tử tham gia các hoạt động văn hóa Việt Nam và văn hoá Phật giáo Việt Nam, nâng cao hiểu biết về văn hóa giữa hai nước, điển hình là lễ hội rước đèn vào tháng 4 hàng năm ở Seoul (Hàn Quốc), thu hút sự tham gia của nhiều nền văn hóa các nước khác nhau.

Tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn hàng năm, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng bà con Phật tử: Đại lễ Phật Đản sanh, Lễ Thành đạo, Lễ Hoa đăng Vía Phật A Di Đà, Lễ Tri ân Vu lan Báo hiếu, Lễ cầu siêu Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ,… cũng như các hoạt động Phật sự khác phục vụ đời sống văn hóa tâm linh cho cộng đồng và xã hội nơi cư trú. Gia đình đa văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc chính là tài sản quan trọng, giúp kết nối gần gũi hơn quan hệ giữa hai nước. Ngoài việc chăm lo đời sống tinh thần cho những người con xa xứ, Trung tâm Văn hoá mở các lớp dạy Tiếng Việt trên toàn vùng miền Hàn Quốc cho các con em gia đình đa văn hoá học tập, rèn luyện để gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam. Và còn là cầu nối cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đăng ký và xin trợ giúp về Việt Nam để đầu tư phát triển cho nền kinh tế giữa hai đất nước Việt – Hàn.

Tổ chức và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hưởng ứng tham gia đóng góp nhiều vào các cuộc vận động hướng về đất nước, như: “Ngày vì người nghèo”; chia sẻ khó khăn với đồng bào bị lũ lụt thiên tai; ủng hộ các chiến sỹ cảnh sát biển, ủng hộ “Quỹ vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”, Vận động ủng hộ Trường Sa (làm bia ghi công 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma và nhà bia thờ tại chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, ủng hộ gia đình cựu binh Gạc Ma; ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống dịch Covid-19, phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ khó khăn với đồng bào trong nước tại các địa bàn, khu cách ly ở ba miền Sơn Tây (Hà Nội), Củ Chi (Tp. HCM), Đà Nẵng,…). Lịch sử nhân loại khẳng định, giao lưu kinh tế và văn hóa có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với vận mệnh của một đất nước. Việc thịnh hay suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng như khai thác tối ưu thế mạnh của mình về mặt chính trị và văn hóa. “Văn hoá còn là dân tộc còn, Giới luật còn là Phật pháp còn”.

Bài học kinh nghiệm rút ra qua các hoạt động Phật sự đó là: Luôn lấy tiêu chí “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động; chương trình hoạt động bám sát sự hướng dẫn của TWGHPGVN và Ban Phật giáo Quốc tế, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại Hàn Quốc; xây dựng và giữ gìn bản sắc Văn hóa Việt Nam và PGVN ở nước sở tại phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo pháp dân tộc. Trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, PGVN cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ càng tăng cường giao lưu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa Phật giáo Thế giới để phát triển Văn hóa Phật giáo tiên tiến, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Định hướng và kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất như ngôi chùa Việt Nam trên đất bạn để làm Trung tâm Văn hoá PGVN, tuy rất khó khăn nhưng từ những kết quả hoạt động chính đạt được nêu trên, thực tế tại xứ sở Kim Chi cho thấy PGVN đã và đang là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng Việt-Hàn. Là điểm tựa tinh thần, là trung tâm tập hợp, đoàn kết bà con nơi xa xứ, đưa cộng đồng gắn bó với đạo Phật, đất nước và dân tộc.

30 năm đã trôi qua kể từ khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 – 2022, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước đã được cũng cố. Mở ra trang sử mới trong quan hệ 2 nước vì hòa bình, hợp tác, phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Song song với đó, mối quan hệ sự giao lưu giữa Phật giáo hai quốc gia cũng nên tốt đẹp. Đây cũng chính là tiền đề để cho sự hợp tác bền vững lâu dài giữa hai PGVN và Hàn Quốc lan tỏa hơn nữa truyền thống văn hóa Phật giáo và kết nối cộng đồng Phật tử Việt Hàn. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả hoạt động Phật sự đã thu được, PGVN tại Hàn Quốc xin hứa với TWGH sẽ tiếp tục nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn khi hành đạo nơi xứ người, để phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ của GHPGVN do Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc khóa 9 đề ra, đồng thời thể hiện ý nguyện chung của cộng đồng người Việt trên xứ sở Kim Chi là PGVN tại Hàn Quốc luôn đồng hành cùng dân tộc.

Xin phép bài tham luận được dừng tại đây, xin chân thành cám ơn quý Ngài đã lắng nghe và xin kính chúc toàn thể chư Tôn đức, Quý vị đại biểu luôn được an lạc- Chúc cho quan hệ Hữu nghị hợp tác và phát triển giữa Phật giáo hai nước Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp. Kính chúc Đại hội thành công rực rỡ.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...