Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh
Kính bạch…,
Kính thưa…,
Hơn 2000 năm có mặt trên quê hương đất nước Việt Nam, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình, đem lại hạnh phúc cho toàn dân. Với truyền thống “phụng đạo yêu nước, hộ quốc an dân”, hơn 4 thập niên qua (1982 – 2022), Ban Trị sự Phật giáo Thành phố luôn là một tổ chức tôn giáo năng động, sáng tạo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng lãnh đạo và nhân dân Thành phố thực hiện nhiều mục tiêu, chương trình hành động thiết thực nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Chính quyền đô thị tại Thành phố trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước.
Dưới ánh sáng “Từ bi và Trí tuệ” của Đức Phật, hoạt động Từ thiện xã hội của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước từ Bắc – Trung – Nam, Cao nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,… nơi đâu có những mảnh đời bất hạnh khốn khó, nơi đó đều có bàn tay cứu khổ của những người con Phật nhằm đem lại phần nào niềm an lạc cho mọi người trong cuộc sống. Xa hơn nữa là sự quan tâm tích cực đến các nước bạn bị thiên tai thảm họa, điển hình như động đất, bão lụt, sóng thần, ảnh hưởng dịch Covid-19 tại một số quốc gia, lãnh thổ lân cận như: Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản,… bất cứ nơi đâu, chỗ nào cần, người con Phật đều trải lòng bằng hiện vật, hiện kim sẵn sàng chia sẻ…
Đặc biệt, bằng hạnh nguyện “Tứ vô lượng tâm” của Bồ tát, trong 40 năm qua, công tác nhân đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố được thực hiện từ sự ủng hộ, đóng góp của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và các Ban Từ thiện cơ hữu như: Từ thiện xã hội báo Giác Ngộ, các Ban Chuyên ngành trực thuộc, Phân ban Ni giới Phật giáo Thành phố, quý Ban Trị sự Phật giáo địa phương,… Tất cả đều thực hiện công tác nhân đạo dưới các hình thức, như:
– Hình thành, duy trì và phát triển Tuệ Tĩnh đường,
– Nuôi dạy trẻ mồ côi,
– Các Lớp học tình thương,
– Các Trung tâm nuôi dạy trẻ em bất hạnh, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam,
– Các nhà dưỡng lão,
– Các Trung tâm tư vấn, cai nghiện và nuôi dưỡng người bị nhiễm HIV/AIDS.
– Ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt trong và ngoài nước,
– Ngoài những công tác từ thiện nêu trên, những công trình phúc lợi xã hội khác cũng được hình thành, như: Xây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, đào giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, hỗ trợ học bổng học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh nghèo chăm học, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, giúp mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi và người lớn, phát quà Tết, quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, học bổng Nguyễn Hữu Thọ, các trang thiết bị và phương tiện y tế trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19,… Tất cả đều được các thành viên Ban Từ thiện xã hội, Tăng Ni và Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố cùng với các nhà hảo tâm, quý mạnh thường quân, doanh nhân, doanh nghiệp và đồng bào Phật tử các giới tích cực tham gia hưởng ứng,…
Hàng năm, Ban Từ thiện Phật giáo Thành phố đã vận động các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử, những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân luôn quan tâm ủng hộ và thực hiện có hiệu quả công tác nhân đạo theo tinh thần chỉ đạo của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Thành phố và các chương trình Từ thiện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể Chính quyền phát động.
Trong 40 năm qua, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh đã tích cực hưởng ứng những công tác nhân đạo, Từ thiện Xã hội góp phần xây dựng toàn dân đoàn kết, xã hội ấm no,… Với tổng số hiện kim đạt được là: 5.867.460.798.752 đồng (năm nghìn tám trăm sáu mươi bảy tỷ, bốn trăm sáu mươi triệu, bảy trăm chín mươi tám nghìn, bảy trăm năm mươi hai đồng).
Hướng về hòa bình, sự hòa hợp, an lạc tâm hồn giữa con người và con người, giữa con người và môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và vũ trụ xung quanh chúng ta. Có thể nói, các thông điệp về bảo vệ môi trường được tìm thấy trong giáo lý nhà Phật và các tôn giáo khác là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, đem lại vẻ đẹp tự nhiên của trái đất, bảo vệ hành tinh thân yêu của chúng ta.
– Với lý tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác” và phương châm “Đạo pháp – Dân tộc”, Phật giáo Thành phố, với 40 năm hình thành và phát triển, luôn ý thức trách nhiệm là một tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn sát cánh, đồng hành với Mặt trận Tổ quốc Thành phố; chung tay vận động Nhân dân Thành phố có trách nhiệm để cùng xây dựng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Qua đó, Tăng Ni và Phật tử Thành phố luôn ứng dụng lời Phật dạy, tích cực tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, với các hành động thiết thực như sau:
1. Vận động Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng, tham gia công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Với tinh thần “Từ bi – Trí tuệ”, kế thừa truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đã tổ chức khá nhiều lượt tuyên truyền, giáo hóa Tăng Ni, Phật tử tuân thủ các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường như: Không hút thuốc lá, không sử dụng nhan đèn quá nhiều trong các tự viện, không dùng hóa chất trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, phải biết tôn trọng và bảo hộ sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái. Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi ra môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, mà sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày.
– Đối với môi trường xã hội: Tăng, Ni trụ trì các cơ sở Tự viện đã tích cực lao động sản xuất trên cơ sở đất đai vốn có của chùa nhằm tự cung cấp cho cuộc sống tu tập của bản thân. Trùng tu, xây dựng Tự viện khang trang để ổn định cơ sở vật chất, làm nơi quy ngưỡng cho Phật tử, tín đồ. Thành lập các đạo tràng hướng dẫn Phật tử, tín đồ, thiện hữu tri thức, đồng bào các giới tu tập, nêu cao tinh thần bình đẳng, nghĩa vụ công dân, quyền làm chủ của con người, truyền Tam quy Ngũ giới, Bát quan trai giới cho hàng Phật tử tại gia nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội.
– Tổ chức các khóa tu định kỳ cho tầng lớp thanh, thiếu niên con em các gia đình Phật tử, nhằm giáo dục cho giới trẻ biết tôn trọng giữ gìn đạo đức truyền thống, thực hành nếp sống lành mạnh. Tập huấn và rèn luyện kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường để mọi người biết yêu thương, san sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
– Với mục tiêu “Phật hóa gia đình”, đã giáo dục phật tử, vận động tín đồ, thiện hữu tri thức và đồng bào các giới luôn tích cực hưởng ứng các phong trào như: Bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự; bài trừ các tệ nạn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại các cộng đồng dân cư… Ngoài ra, đã đề nghị đồng bào Phật tử không lạm dụng rượu bia, âm thanh quá lớn, trong việc cưới, việc tang… làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, văn minh, mỹ quan đô thị. Tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; thiết lập các Tuệ tĩnh đường; hình thành các trung tâm nuôi – dạy các trẻ em khuyết tật và khiếm thị; mở các phòng khám chữa bệnh miễn phí, lớp học tình thương, các trại dưỡng lão, trung tâm tư vấn người bị nhiễm HIV/AIDS, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc, cứu trợ đồng bào các vùng bị hạn hán, thiên tai lũ lụt, giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa,… nhằm thiết thực thể hiện tinh thần Từ bi cứu khổ của đạo Phật, góp phần mang lại sự an lạc cho tự thân và cộng đồng với ý thức trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, tạo môi trường an lạc, thân thiện với mọi người.
– Với tinh thần “nhập thế” của đạo Phật, thông qua công văn 031 của Trung ương Giáo hội, Phật giáo Thành phố luôn kêu gọi Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ các tập tục, hủ tục mê tín dị đoan, đốt vàng mã và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam nhằm tăng cường nét đẹp truyền thống tại các cơ sở Tự viện. Tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong lễ hội, đảm bảo nét đẹp văn hóa tâm linh của Phật giáo vốn có từ nghìn xưa và góp phần bảo vệ môi trường sống quanh ta.
– Để chấn chỉnh, khắc phục những phong tục, tập quán đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân từ nghìn xưa, nội dung các các bài giảng được truyền thông từ chư Tôn đức Tăng Ni và các Ban chuyên ngành; qua đó chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và trật tự an toàn xã hội, khuyến khích các cá nhân Phật tử và gia đình Phật tử cần tiết kiệm trong các lễ hội, không phô trương, hình thức, không làm ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.
– Với kết quả bước đầu của công tác vận động chức sắc, đồng bào Phật tử tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ghi nhận đã tạo sự chuyển biến tích cực trong giới Tăng Ni, Phật tử, nhất là trụ trì, người đứng đầu các Tự viện và đã xuất hiện nhiều mô hình cũng như cách làm hay, điển hình như:
+ Chùa Giác Nguyên (Quận 4) thường xuyên tuyên truyền, vận động Phật tử và nhân dân trong từng khu phố không rải, đốt vàng mã khi đưa tang.
+ Chùa Thiên Tôn (Quận 5) đã mạnh dạn kêu gọi chư Tăng, Phật tử và đồng bào có đạo hãy mạnh dạn tiết kiệm nhang, đèn (cầy) trong các lễ hội truyền thống Phật giáo và dân tộc, nhất là cần loại bỏ tập tục sử dụng vàng mã trong các lễ tang cũng như các lễ hội tín ngưỡng văn hóa dân gian,… nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân sinh.
+ Chùa Long Hoa (Quận 8) định kỳ hàng tháng đều tổ chức thả phóng sinh hàng trăm kilogam cá xuống kênh tại Bến Bình Đông.
+ Chùa Liên Hoa (Quận 11) được biết đến là ngôi chùa suốt 20 năm “nói không” với việc đốt vàng mã và vận động không thắp hương trong cơ sở Tự viện, dành những khoản tiền này để giúp đỡ các hộ dân và học sinh nghèo với số tiền tiết kiệm chăm lo đến nay là hơn 20 tỷ đồng. Đích thân Thượng tọa Thích Duy Trấn (trụ trì chùa) cùng Tăng chúng đi đầu vận động đồng bào các khu phố xung quanh Tự viện thực hiện bảo vệ môi trường thông qua chương trình “30 phút vì cộng đồng” dọn vệ sinh, quét rác trên các tuyến đường của khu phố trong khu vực lân cận chùa vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần; hiện nay lực lượng tham gia đã gia tăng hơn 80 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ quét, thu dọn rác, kể cả áo đồng phục; khu vực quét dọn rác đã được mở rộng thêm bán kính.
+ Quan Âm Tu viện (quận Phú Nhuận) kiên quyết “Nói không với túi nilon”, đã mạnh dạn đưa chương trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào giảng dạy các em thanh thiếu niên tại khóa tu “gieo hạt từ tâm”; tặng hơn 600 thùng đựng rác cho các hộ gia đình tại phường 2, quận Phú Nhuận, hưởng ứng việc kêu gọi mọi người cùng phân loại rác tại nguồn nhằm chung tay góp phần bảo vệ môi trường vì sức khỏe của mỗi chúng ta và vì một thành phố văn minh sạch đẹp; tham gia công tác trồng cây xanh, thả cá phóng sinh và thả 07 đóa sen khổng lồ trên kênh Nhiêu Lộc với chủ đề “Sen xanh vì một thế giới sạch và xanh” cũng như kêu gọi chư Ni và Phật tử sử dụng túi tự hủy, không sử dụng túi nilon để góp phần bảo vệ môi trường. Với những việc làm nêu trên, chùa Quan Âm Tu viện đã nhận được giải thưởng do Bộ Tài nguyên môi trường và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng vào năm 2017.
+ Chùa Hưng Long (quận Tân Bình) đã vận động hơn 100 Phật tử, sinh viên và thanh niên tổ chức hoạt động nhặt rác và làm sạch đường phố tại khu vực xung quanh chùa Long Hưng, đồng thời tuyên truyền Thông điệp giữ gìn cuộc sống xanh và kêu gọi mọi người cùng chung tay làm sạch những khu vực gần nơi mình sinh sống. Đây cũng là cơ hội để tầng lớp thanh niên, sinh viên trẻ có những hành động và đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
+ Chùa Kim Cang (huyện Bình Chánh), chùa Hạnh Nguyện (quận Tân Phú) đã tổ chức phát trên 1.500 cây xanh đến các gia đình Phật tử nhằm hưởng ứng việc trồng cây xanh trên một số tuyến đường do Mặt trận Tổ quốc quận, huyện phát động.
– Nhiều vị chức sắc, tu sĩ Phật giáo đã vận động đồng bào Phật tử hưởng ứng tham gia các mô hình tự quản tại khu dân cư; qua đó hình thành các “Khu phố thân thiện môi trường, Khu phố không rác”, “Tuyến đường, tuyến phố, tuyến hẻm văn minh”, “Điểm sáng văn hóa”… Bên cạnh đó, hầu hết, các cơ sở Phật giáo đều quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hưởng ứng các hoạt động trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên cơ sở và xung quanh các tự viện. Tham gia các hoạt động “Mỗi tuần 15 phút vì Thành phố văn minh, sạch đẹp” do hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.
2. Kết hợp các cơ quan chức năng, tăng cường công tác chỉ đạo và vận động việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
– Chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Thủ Đức và 21 quận, huyện nghiêm túc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã ký kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Tài nguyên và Môi trường. Tích cực phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường trong cộng đồng Phật giáo và khu dân cư, trong đó các cơ sở thờ tự làm nòng cốt và vận động đồng bào Phật tử tham gia nhằm bảo vệ, giữ gìn môi trường tại nơi công cộng và tại các cơ sở Tự viện trên địa bàn Thành phố. Tích cực đề xuất, kiến nghị và phối hợp để giám sát các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cán bộ, công chức thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang do MTTQVN các cấp vận động.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho Phật tử, tín đồ hiểu rõ và ứng dụng Giới luật Phật giáo vào trong đời sống hàng ngày, thực hiện các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU năm 2018 của Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh về việc thực hiện cuộc vận động “người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước.”.
– Vận động Tăng Ni, Phật tử tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cá nhân, nhằm góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
– Tổ chức các hoạt động nhân đạo như xây nhà tình nghĩa, tặng xe lăn cho người khuyết tật, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai lũ lụt, thiết lập lớp học tình thương cho trẻ em không đủ điều kiện đến trường công lập, xây dựng trung tâm tư vấn người bị nhiễm HIV/AIDS, giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa,… nhằm san sẻ tình thương, trách nhiệm với xã hội theo tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật…
Kính thưa Đại hội.
Nhân Đại hội hôm nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xin có một số đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phối hợp kiến nghị đến các ngành chức năng như sau:
– Cần xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xả thải, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, kể cả các xe đưa tang rải vàng mã trên đường phố.
– Sớm có qui trình, quy định và thực hiện thực chất việc thu gom, vận chuyển rác có phân loại khi các hộ dân đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.
– Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động sâu rộng trong nhân dân về việc khuyến khích hỏa táng thay vì chôn cất người đã mất, tạo môi trường sống tốt cho sức khỏe của người dân. Đây là hình thức văn minh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm.
– Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về vốn, tín dụng nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là tín đồ tôn giáo tham gia vào hoạt động thu gom, xử lý rác thải…/.
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY