Mỗi vị tu sĩ cần phải xác định rằng, người xuất gia giữ gìn giới luật nghiêm cẩn là tấm gương sáng cho Phật tử noi theo, đó là nền tảng vô cùng vững chắc cho đạo pháp trường tồn.
Châm ngôn “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” của Giáo hội đã được áp dụng rất hiệu quả trong các đại hội địa phương thời gian vừa qua. Trong kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tới đây, tôi mong sao các vị Tăng Ni cần phải quán triệt được những điều này để việc học, tu và hoằng pháp hiệu quả hơn.
Trước tiên, mỗi người cần phải hiểu được kỷ cương là điều luật vô cùng cơ bản cho đời sống tập thể. Đối với đời, kỷ cương là pháp luật mà mọi người phải tuân theo, đối với đạo, kỷ cương vừa là luật pháp, vừa là Hiến chương, Quy chế hoạt động của Giáo hội. Người tu sĩ khi hành đạo có thể có những ý kiến, đường lối hay nhưng chưa chắc áp dụng được thông suốt. Do vậy, khi làm việc, không thể tự chuyên làm điều mình suy nghĩ mà cần phải bàn bạc với tập thể, khi ý kiến được tập thể thống nhất mới thực hiện để có trách nhiệm chung.
Điều thứ hai là trách nhiệm. Người xuất gia không vì Phật sự khó khăn mà đùn đẩy trách nhiệm cho người khác hay lơ là với công việc được giao phó. Vô trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm là đánh mất sự tinh tấn, một nét đẹp vô cùng quý giá trong Lục độ. Phải siêng năng, bất từ gian khổ để thực hiện cho kì được nhiệm vụ mà mình được ủy thác.
Thứ ba là đoàn kết. Trong đạo gọi là hòa hợp, đây là một sức mạnh cực kỳ quan trọng để Giáo hội không bị phân rẽ. Mất sự thống nhất chung sẽ dẫn đến sự suy yếu, tan rã cho tổ chức.
Hòa thượng Thích Đồng Tiến, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên
Cuối cùng, phát triển đang là xu hướng toàn cầu ngày nay, đó là sự phát triển đi lên, từ yếu đến mạnh, từ suy đến thịnh, từ xấu đến tốt. Có được như thế, GHPGVN chúng ta ngày càng rạng rỡ hơn, Phật tử tu học nhiều, niềm tin được kiên cố, đạo tràng trang nghiêm quy mô hơn trước. Từ đó Giáo hội có thể có được một sức mạnh tổng thể, vừa hữu hình vừa vô hình để vượt qua những cản trở trong xu thế phát triển của mình.
Để đạt được nhưng điều đó thì vai trò của tu sĩ trẻ ngày nay là vô cùng quan trọng, nhân tố để củng cố niềm tin nơi các tín đồ Phật tử, góp phần phát huy đạo nghiệp của tổ thầy và giúp Giáo hội trang nghiêm. Mỗi người cần phải xác định rằng, người xuất gia giữ gìn giới luật nghiêm cẩn là tấm gương sáng cho Phật tử noi theo, đó là nền tảng vô cùng vững chắc cho đạo pháp trường tồn. Nếu không được như thế thì tín đồ sẽ quay lưng, chỉ trích, chê bai, lôi kéo thêm nhiều kẻ khác cùng chống báng, không những gây mất uy tín mà đạo theo đó cũng suy vong.
Bên cạnh đó, Tăng Ni trẻ ngày nay phải trau dồi 2 kiến thức là thế học và Phật học. Học đời để có kiến thức. Học đạo để am tường và ứng dụng lời Phật, Tổ dạy trong kinh sách, chia sẻ kiến thức mình học hỏi được đến với người Phật tử có nhu cầu tìm hiểu Phật pháp. Tuy nhiên, Tăng Ni cần phải tránh phí quá nhiều thời gian để luận đàm thế sự, giải trí trên truyền hình, dán mắt vào điện thoại di động mà quên đi bổn phận của mình để rồi đánh mất đi đạo hạnh – giá trị cao quý của đời sống tu sĩ.
Nguồn: GNO