Hòa thượng Thích Minh Nhật (Bình Thuận): “Quan tâm hơn đến công tác Tăng sự và giáo dục Phật giáo”

Xuất bản

Hòa thượng Thích Minh Nhật, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận với ưu tư của vị giáo phẩm có nhiều năm điều hành công tác Phật sự tại địa phương đã gửi nhiều hiến kế đóng góp xây dựng về lĩnh vực Tăng sự, giáo dục Phật giáo…

GHPGVN trong hơn 40 năm qua là dấu ấn rõ nét nhất của tinh thần Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Mỗi nhiệm kỳ của Giáo hội luôn ghi nhận những thành tựu nổi bật không chỉ giới hạn ở một hoặc hai lĩnh vực chuyên môn mà luôn đồng bộ trong mọi ban ngành. Nhiệm kỳ 2017-2022 kiện toàn cơ chế tổ chức hành chánh Giáo hội, công tác đối nội, đối ngoại, an sinh xã hội, đã khẳng định vai trò của Giáo hội trong khối Đại đoàn kết toàn dân cũng như vị thế trên bản đồ Phật giáo Thế giới.

Đối với nhiệm kỳ mới 2022-2027, chúng tôi mong lãnh đạo Giáo hội sẽ tiếp tục thực hiện và phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn đọng để công tác Phật sự luôn đem lại lợi lạc thiết thực trong đời sống. Để thực hiện được mọi mục tiêu của Giáo hội đề ra, thì việc chấp trì giới luật nền tảng kỷ cương cũng chính là điều căn bản của sự tuân thủ Hiến chương, Nội quy Giáo hội, pháp luật Nhà nước và những quy chuẩn nhằm tạo nên nề nếp sinh hoạt có tính quy phạm phổ biến và thống nhất.

Hòa thượng Thích Minh Nhật (Bình Thuận)
Hòa thượng Thích Minh Nhật, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận

Nhiệm kỳ mới, chúng tôi mong Giáo hội quan tâm sâu sắc hơn nữa về hai lĩnh vực tiêu biểu là công tác Tăng sự và giáo dục Phật giáo.

Đối với Tăng sự chúng ta luôn tâm niệm “Đạo Pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa”, nhưng Tăng đoàn có đoàn kết, hòa hợp và vững mạnh mới đem những gì Tăng-già có để hoằng pháp lợi sanh. Vì thế, tính ổn định của Tăng Ni tự viện cần phải được ưu tiên.

Chúng tôi nhất trí với sự chỉ dạy của Đức Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ là cần cân nhắc kỹ đến đạo hạnh, công đức của chư vị Tăng Ni được đề trình tấn phong Giáo phẩm. Bên cạnh đó, Trung ương Giáo hội cần có điều khoản hướng dẫn quy định quản lý chứng điệp, chứng nhận Tăng Ni, sổ hạ đối với Tăng Ni đã hoàn tục, và quy định rõ về vấn đề thủ tục cho Tăng Ni đã hoàn tục có nhu cầu tái xuất gia.

Giáo hội cần tổ chức nhiều hơn nữa những hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt, tập huấn trao đổi kỹ năng đến chư vị thành viên Ban Tăng sự các tỉnh, thành; Ban Tăng sự cần có một kênh liên lạc chính thức để tiếp nhận, thụ lý, hướng dẫn và xử lý các vấn đề liên quan đến công tác ngành đặc thù và quan trọng của Giáo hội.

Đối với vấn đề giáo dục Phật giáo, đây là nền tảng của sự kế thừa trong tương lai. Do vậy, cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực, đội ngũ công tác giáo dục không chỉ ở tri thức, hiểu biết mà còn phải có đủ đạo đức, oai nghi, kỷ luật.

Cần cải tiến hệ thống giáo dục bằng cách khảo sát, nghiên cứu để cập nhật, thay đổi chương trình nội dung đào tạo theo từng giai đoạn nhất định; tập trung vào việc ứng dụng tinh hoa giáo lý – lời dạy của Đức Phật vào thực tiễn nhằm mục đích phụng sự chúng sanh.

Nguồn: GNO

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...