Thượng tọa Thích Giác Duyên
Giám đốc Trung tâm NCTG thuộc Viện NCPHVN;
Phó trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai
Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đều có mục đích đem lại sự hạnh phúc an vui cho mọi người. Trong các tôn giáo, Phật giáo truyền vào Việt Nam sớm nhất (từ hơn 2000 năm), nhưng Phật giáo chủ yếu đến với dân tộc Kinh, còn đạo Tin Lành và Công giáo truyền vào Việt Nam chỉ mấy trăm năm lại đây nhưng truyền đến các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam quá mạnh. Tuy thế, khoảng 10 năm lại đây, tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), qua sự hướng dẫn của chúng tôi (Thượng tọa Thích Giác Duyên), số lượng Phật tử người dân tộc Ba Na, JRai đến nay đã được 3845 người. Điều này đã làm cho nhiều người phải suy tư đến việc truyền bá Phật pháp cho người dân tộc thiểu số thế nào cho được hiệu quả, nhằm góp phần cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phổ biến ánh sáng Phật pháp đến với mọi người.
1. Hoạt động Phật giáo của người dân tộc thiểu số với Thượng tọa Thích Giác Duyên.
Đối với vùng Tây nguyên của Tổ quốc Việt Nam thân yêu mà nói, số lượng tín đồ theo Phật giáo đại đa số đều người Kinh, còn các dân tộc thiểu số khác theo Phật rất ít. Theo số liệu năm 2008 của Ban Tôn giáo Chính phủ, cộng đồng dân tộc thiểu số Tây nguyên theo đạo Công giáo, đạo Tin lành. Năm 2005, ở khu vực Tây nguyên có gần 300 ngàn người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và trên dưới 400 ngàn người theo đạo Tin lành (Gia Lai: 70.946 người. Kon Tum 8950 người. Đăk Lăk và Đăk Nông: 130.515 người, Lâm Đồng: 68.500 người).
5 năm sau, theo Thượng tọa Thích Viên Thanh (Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng), Tây nguyên “là vùng đất có từ lâu đời với các dân tộc bản địa, tôn giáo gốc của các đồng bào ở đây là tín ngưỡng Bái vật giáo, Đa thần giáo với các tập tục bản địa tạo nên một sắc thái đặc sắc của vùng này. Từ chính sách Thực dân kết hợp với truyền giáo của người Pháp cách đây gần một thế kỷ, đạo Thiên Chúa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong các buôn người dân tộc. Sau đó, sự di dân ồ ạt trong những năm 1954, đạo Thiên Chúa đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng thêm. Người Mỹ cũng đưa đạo Tin Lành vào các vùng dân tộc khá mạnh. Thế nhưng, sau những năm 1975, sự phân bổ lại cư trú với phong trào đi kinh tế mới, làm cho tỷ lệ phân bổ giữa các dân tộc, tôn giáo cũng thay đổi nhiều. Tỷ lệ Phật giáo tăng theo số lượng người Kinh đi kinh tế mới cũng gia tăng từ đó. Một số vùng đồng bào dân tộc vẫn chưa có tôn giáo, và các vùng sâu vùng xa. Gần đây, vào thời điểm mới mở cửa, một số tu sĩ Phật giáo đi vào vùng sâu, sinh hoạt, chia sẻ những khó khăn với người dân, nên một số buôn đã đi theo Phật giáo, nhưng vẫn còn ít quá so với đà tăng trưởng của các tôn giáo như Tin Lành, Thiên Chúa. Đến nay, có thể nhận định về tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên như sau:
– Dân tộc Kinh, Phật giáo vẫn chiếm đa số hoặc số đông ở vùng sâu chưa có tôn giáo nhưng vẫn nghiêng về Phật giáo.
– Đồng bào dân tộc thiểu số đa số theo Tin Lành hoặc Thiên Chúa và tăng nhanh trong thời điểm hiện nay.
– Có một số vùng trắng về tôn giáo nhưng phần lớn nằm tại vùng sâu, vùng xa”.
Từ 2 thông tin trên cho thấy, đến khoảng năm 2010 người đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên theo Phật giáo chưa có bao nhiêu.
Tại tịnh xá Phú Cường (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có Phật tử dân tộc thiểu số Jrai, Ba Na sinh hoạt tu học, bắt đầu cuối năm 2009. Lúc đó, thời tiết bất thường đến với đồng bào Tây nguyên điển hình là cơn bão số 9 đã gây ra lụt lội làm thiệt hại rất lớn cho nhân dân vùng này, nơi bị nặng nhất là xã Ia Broái, huyện Ia Pal, tỉnh Gia Lai. Đồng bào xã này hầu hết là dân tộc thiểu số Jrai. Nhân chuyến đi cứu trợ đến xã này chúng tôi có duyên quen biết với gia đình tên RCom Nah. Qua trao đổi về Phật pháp gia đình anh vốn có túc duyên với Phật giáo nên cho 1 người con tên Kpă Yăo (pháp danh Tâm Pháp) và 1 người cháu tên K’Sor Khư (pháp danh Huệ Hiền) theo chúng tôi xuất gia tu học được hai năm rồi trở về lại nhà.
Ngày 14/03/2011, Tịnh xá Phú Cường (tại thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được thành lập. Ngày 15/12/2011, Rmah Blưnh người đồng bào ở làng Tà Ròn xã Ia Pal xin quy y theo Phật (pháp danh Thiện Đạo). Ngày 15/11/2012 vợ chồng Rơh Lan Hồng (người đồng bào ở làng Kueng Thoa xã Ia Pal) xin quy y theo Phật. Tháng 3/2013, khoảng 15 người làng Ia Sor xã H Bông; ngày 26 tháng 8 khoảng 30 người đồng bào ở làng Blo (xã Blang, huyện Chư Sê) xin quy y. Ngày 9/9/2013, 350 người ở 2 làng Hlú và Mung (thuộc xã Ia Blang) xin quy y theo Phật giáo. Ngày 30/10/2014, 50 người làng Koái xin quy y và tháng 1/2015 thêm 15 người ở làng Koái tiếp tục xin quy y. Rồi tiếp tục một số Phật tử các làng: Tor (17/7/2015), Làng O Brưng (xã Ia Ko, 2016), Grang, Á (xã Ia Lốp, 14/01/2017), làng Kueng Thoa, Kueng O, làng Kueng Đơn (xã H Bông, 05/01/2017), Tà Kuk (xã Ia Pal, 01/10/2017) lần lượt về quy y tu học. Tính đến gần cuối năm 2017, khi diễn ra Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Gia Lai lần thứ V, đã có khoảng trên 700 Phật tử người dân tộc thiểu số JRai, Ba Na ở 14 làng thuộc 5 xã (Ia Pal, H Bông, Ia Blang, Ia Hlốp và Ia Ko) của huyện Chư Sê đã quy y và sinh hoạt tu học tại Tịnh xá Phú Cường.
Ngày 01/11/2017, một số người làng Nhá , làng Kueng O, Chư Ruồi (xã Kông HTok); ngày 12/12/2017, làng Teng Nong; ngày 30/4/2018, 3 người làng Sơr (xã Ia H lốp) quy y Tam bảo.
Ngày 16/5/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai cho thành lập Tịnh xá Ngọc Đồng (tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) dành cho khoảng 750 Phật tử dân tộc thiểu số JRai và Ba Na sinh hoạt. Người đồng bào thiểu số tiếp tục về tịnh xá Phú Cường quy y tu học: KJai (29/7/2018), Ia Sâm (20/11/2018), DLâm (1/1/2019), Tào Kó (05/01/2019), Dơ nông (5/1/ 2019), Tung Ke (05/01/2019), Diếp (29/01/2019), Ring Răng (7/7/2019), Grang (21/7/2019), Rung Rang (21/7/2019), Kueng Mép (23/6/2019), HVăt (28/9/2019). Tính đến ngày 31/11/2019, đã có 2260 người đồng bào 2 dân tộc JRai và Ba Na là Phật tử theo Thượng tọa Thích Giác Duyên. Sau đó tiếp tục một số Phật tử các làng: Ia Doa (19/1/2020), Peng Roh (10/5/2020), Trưng (23/6/2020), Keo (12/7/2020), Ó (1/9/2020), Kpaih (11/9/2020), U (26/9/2020), Roh Lớn (26/9/2020), Tăng (15/01/2021), Dun Bêu (19/5/2021), Dơ Mó (15/8/2021), Greo Séc (18/8/2021), Kênh Siêu (27/7/2022), Vương (10/8/2022), A Chông (15/8/2022), Roh (22/8/2022), Phăm Kleo (24/8/2022), 43 hộ làng Toa (xã Ayun 02/9/2022), làng Greo Pết (02/9/2022), làng ser (05/9/2022).
Ngày 01/11/2020 Tịnh xá Ngọc Chư (ngay trong làng Chư Ruồi – Sul, xã Kông HTok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được thành lập, cho hơn 500 Phật tử đồng bào dân tộc JRai và Ba Na của 2 xã Kông HTok, Ayun sinh hoạt. Tính đến ngày 15 tháng 11 năm 2020 số lượng đồng bào dân tộc thiểu số JRai và Ba Na đã quy y Phật 2946 người (bao gồm 39 làng) thuộc 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh trở thành Phật tử. Tính đến ngày 01 tháng 10 năm 2022, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số JRai và Ba Na đã quy y Phật là 3845 người (bao gồm 49 làng) thuộc 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh. Có những làng họ đi theo Phật giáo gần hết, như Hlú, Koái, Teng Nong, Kueng Đơn.
Hiện nay có 3845 đồng bào Phật tử các dân tộc Jrai và Ba Na đang sinh hoạt tu học theo Thượng tọa Thích Giác Duyên. Trong đó, tại Tịnh xá Phú Cường có 933 Phật tử là đồng bào dân tộc JRai và Ba Na của 4 xã Ia Pal, Dun, H Bông và Ia Ròng (huyện Chư Pưh); tại Tịnh xá Ngọc Đồng có 874 Phật tử là người đồng bào dân tộc JRai và Ba Na của 3 xã Ia Blang, Ia HLốp, Ia Ko; tại Tịnh xá Ngọc Chư có 2038 Phật tử đồng bào dân tộc JRai và Ba Na của 4 xã Kông HTok, AlBa, Bar Maih và Ayun sinh hoạt. Mỗi khóa Tu Mùa Hè tổ chức 5 ngày đêm tại Tịnh xá Phú Cường, có từ 120 đến 150 em thanh thiếu niên Phật tử dân tộc cùng tham gia với các bạn người Kinh.
Qua 10 năm sinh hoạt hướng dẫn Phật pháp đến người đân tộc thiểu số, chúng tôi càng hiểu về họ, lo cho họ, để họ có được cuộc sống an vui và hướng thiện.
2. Những suy tư đến việc truyền bá Phật pháp với người dân tộc thiểu số.
Trải qua thời gian hướng dẫn trực tiếp tu học trực tiếp, chúng tôi nhận thấy những thuận lợi:
1. Đa số những tín đồ Phật tử người dân tộc được chúng tôi trực tiếp hướng dẫn hiện nay đều biết tiếng Kinh nên, những vị tu hành chưa biết tiếng dân tộc vẫn có thể tiếp xúc, trao đổi, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tu học với ngôn ngữ tiếng Kinh.
2. Kinh điển đã được dịch nghĩa sang tiếng Việt nên dễ đọc tụng, dễ hiểu nghĩa hơn. Điều đó giúp họ dễ tiếp thu Phật pháp.
3. Những người theo đạo Phật, giảm trộm cắp, giảm uống rượu, chăm lo làm ăn, học hành, tác phong đạo đức tốt v.v…
4. Vận dụng kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa bản địa với văn hóa Phật giáo, như mô hình chính điện xây dựng như nhà sàn; sử dụng cồng chiêng, đàn tơ rưng và các điệu múa dân tộc trong lễ nhạc Phật giáo trồng cây kơ nia, cây pơ lang trong tự viện để có nét và văn hóa dân tộc Tây Nguyên hòa cùng văn hóa Phật giáo…
5. Đưa Phật tử người đồng bào tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai, cụ thể là Nhiệm kỳ V (2017 – 2022) có Phật tử Kpuik H Soa (pháp danh Ngọc Dung) làm Ủy viên, Nhiệm kỳ VI (2022 – 2027) có Phật tử Đinh Nay Huỳnh (pháp danh Ngọc Liên) làm Ủy viên; Phật tử Siu Biếp làm Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Sê nhiệm kỳ III (2021 – 2026). Lại nữa, dù việc truyền bá Phật giáo đến với người đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên còn quá ít, nhưng cũng có người hướng đến sự xuất gia tu học như các em Kpă Yăo (Huệ Pháp) và K’Sor Khư (Huệ Hiền) trước đây và Siu Gái (Mỹ Duyên) hiện nay đang là đệ tử xuất gia tu học theo Sư cô Thích Nữ Nghiêm Liên tại Tịnh xá Ngọc Trung (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động tu học tốt của các Phật tử dân tộc thiểu số Jrai, Ba Na như trên, việc truyền pháp Phật đến với họ hiện nay vẫn còn những khó khăn và các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần chú ý. Bởi vì:
1. Trình độ văn hóa của họ thấp, chưa thể giảng giải sâu xa ý nghĩa Phật pháp.
2. Các tín đồ quá nghèo, vật chất quá thiếu thốn nên ảnh hưởng nhiều đến việc tu học.
3. Các Phật tử người đồng bào dân tộc tiểu số ở quá xa tịnh xá. Do vậy, họ đều mong ước có thêm một số ngôi tịnh xá, điểm sinh hoạt tôn giáo ở gần nơi buôn làng để họ được tu học, sinh hoạt thuận tiện hơn.
4. Cần có sự quan tâm của Ban Hướng dẫn Phật tử, Tiểu ban dân tộc thiểu số cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, nhằm giúp thêm cho các Phật tử thuộc dân tộc thiểu số thực hiện tu học tốt hơn nữa. Bởi vì, cả 5 năm lại đây, hoạt động đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi chúng tôi chưa một lần được quý cấp trên đến thăm và xem sinh hoạt ra sao. Lại nữa, để công tác hoạt động Phật giáo đến với đồng bào dân tộc thiểu số có được những kết quả tốt hơn, chúng tôi đề nghị: những vị có kinh nghiệm trong công việc hoằng dương Phật pháp cần phải tham gia vào Tiểu ban Dân tộc thiểu số Trung ương, cấp tỉnh. Bởi vì, chính họ sẽ đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho việc tổ chức, hoạt động hướng dẫn Phật tử dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
5. Bởi vì mỗi tỉnh có một số dân tộc khác nhau, những tập quán, nét văn hóa của từng dân tộc khác nhau, sinh hoạt khác nhau … nên Tiểu ban Dân tộc Thiểu số các tỉnh thành phải thường kết nối để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, nên tổ chức ngày hội chung cho các dân tộc Phật giáo. Có như thế, việc đưa triết lý, văn hóa … Phật giáo vào các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
Tóm lại, Việc đưa ánh sáng Phật pháp đến với các dân tộc thiểu số trong nước hiện nay còn rất hạn chế, chỉ trừ một số nơi (rất ít) như vùng huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có được số lượng lên đến 3845 người Phật tử thuộc 2 dân tộc Ba Na và JRai theo chúng tôi tu học tại 3 tịnh xá: Phú Cường, Ngọc Đồng và Ngọc Chư. Quá trình hành đạo đến với họ có thuận lợi thì ít mà khó khăn lại nhiều. Rất mong sự quan tâm hơn nữa của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền, sự dấn thân của quý Tăng Ni và cư sĩ, để việc hướng dẫn người đồng bào dân tộc thiểu sồ đi theo đạo Phật, hướng theo đường Chân – Thiện – Mỹ, phát triển ngày càng rộng rãi, càng tốt đẹp./.
TRANG MẠNG THAM KHẢO:
1.Đưa ánh sáng chính pháp đến với các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên https://trithuc.itrithuc.vn/articles/dua-anh-sang-chinh-p-1122.html
2. Tôn giáo trong đời sống văn hóa, xã hội đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên hiện nay
https://tcnn.vn/news/detail/52435/Ton-giao-trong-doi-song-van-hoa-xa-hoi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-khu-vuc-Tay-Nguyen-hien-nay.html
3. TƯ LIỆU VỀ PHẬT GIÁO TRONG CƠ CẤU TÔN GIÁO Ở TÂY NGUYÊN
https://www.facebook.com/cusiminhthanh/posts/1428339297381681
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY