Một số nguồn lực trọng tâm Phật giáo Đồng Nai

Xuất bản

Đại đức, Thạc sĩ Thích Thiện Trí
Phó Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai

1. Đặt vấn đề.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên 20 thế kỷ, trong quá trình đó, giáo lý chân chính đã sớm hài hòa cùng dân tộc, xuyên suốt lịch sử truyền bá tư tưởng của Đức Phật. Đặc biệt, qua những thời kỳ thịnh suy của đất nước, đạo Phật luôn tích cực đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cứu nước, mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước cho đến ngày nay.

Tư tưởng của Đức Phật là tư tưởng hòa bình, để hội nhập lòng người, chuyển tâm hướng thiện, khởi sắc từng lúc từng nơi, phù hợp với tiến trình của thời đại, luôn mang ước nguyện cho mọi gia đình, xã hội và con người an cư lạc nghiệp, thế giới hòa bình, xóa đi những khoảng cách dị biệt, tạo thành một sự bình đẳng thương yêu trong tinh thần vô ngã vị tha. Những tảng băng yếm thế, bi quan, tiêu cực, độc hại tan biến bởi năng lực đoàn thể Tăng già , hàng Tăng Ni và Phật tử kế thừa đều mang một ý chí làm sáng tỏ đạo lý giải thoát. Nhiều bậc Danh tăng tại các Tổ đình Di tích lịch sử đã để lại dấu ấn đậm nét truyền thừa, các Ngài đã chọn con đường cho tương lại, một bước đăng trình khởi sắc “mang giáo pháp vào đời”.

Cùng với hành trình trên, Phật giáo Đồng Nai cũng có một truyền thống lịch sử gắn bó lâu đời, từ những thời kỳ đầu nơi đất Trấn Biên cách đây trên 320 năm, dọc theo bờ sông Phước Long hiện diện những ngôi chùa cổ như Chùa Long Thiền, Chùa Đại Giác, Chùa Bửu Phong… Chính những nơi đó, các bậc Tổ sư từng là những đại biểu ưu tú trong công cuộc mở rộng bờ cõi Đại Việt.

Sau Đại hội Thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ Nhất , với đức độ của Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được sự ủy nhiệm của Trung ương Giáo hội, Hòa thượng đứng ra kêu gọi chư Tăng Ni, Phật tử Đồng Nai cùng đứng chung trong hàng ngũ Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, để có cơ sở duy trì và phụng sự chánh pháp, phụng đạo giúp đời. Với chủ trương “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì truyền thống các hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp” Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ Nhất , nhiệm kỳ 1982-1985 được tổ chức thành công với 25 thành viên do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Trưởng ban Trị sự. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử của Phật giáo Đồng Nai sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Với 175 tự viện, 337 Tăng Ni tu hành được xem là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng ngôi nhà chung của Phật giáo Đồng Nai, là tiền đề cho sự thành công của Phật giáo ngày nay.

Tăng Ni, Phật giáo Đồng Nai hiện nay là một đoàn thể đa dạng, nhiều tông môn hệ phái kết thành một khối duy nhất, với hơn một triệu tín đồ và những người yêu mến đạo Phật, tuy đông nhưng hòa hợp. Dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Tăng Ni và Phật tử không còn vướng bận những tư tưởng cục bộ trong các pháp môn phương tiện tu hành, đồng phát huy tốt vài trò “tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự”, góp phần tích cực và thiết thực trong sự nghiệp xây dựng Giáo hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Phật giáo Đồng Nai còn là nhịp cầu hài hòa giữa Tăng Ni và Phật tử cùng với Đảng, chính quyền, mặt trận, gội bỏ những mặc cảm giữa đạo và đời, chấm dứt những tập tục không phù hợp nếp sống mới trong đồng bào Phật tử, xây dựng ý thức giáo dục mới cho lớp Tăng Ni trẻ đi vào đời bằng những hành động cụ thể, xây dựng tòa nhà Giáo hội ngày càng vững chắc và phát triển.
Với những thành tựu trên, là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tôi xin tham gia đề tài “Nguồn lực Phật giáo Đồng Nai, quan điểm và thực tiễn”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của Hội thảo này, tôi xin được chia sẻ, trao đổi một cách khái quát nhất về nguồn lực trọng tâm của Phật giáo Đồng Nai trong 40 năm trở lại đây.

2. Nguồn lực trọng tâm của Phật giáo Đồng Nai.

Khi nói đến nguồn lực là nói đến yếu tố con người, bởi chính con người là trung tâm tạo ra các sản phẩm được thể hiện trên hai phương diện vật chất và tinh thần

Nguồn lực Phật giáo Đồng Nai được xem là Tăng Ni và Phật tử (gồm chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, Tăng Ni trì trù các tự viện, các chức việc đang tham gia công tác trong Giáo hội, tu sĩ và các Phật tử, những người yêu mến đạo Phật) đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Các thành tựu về mặt vật chất và tinh thần trong 40 năm qua của Phật giáo Đồng Nai được đúc kết ở những điểm sau.

2.1. Đào tạo nguồn nhân lực.

Sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 1982, chư Tôn lãnh đạo Giáo hội đã nhận thức rõ những tồn tại và yếu kém của một số bộ phận Tăng Ni, Phật tử như: lạc hậu về nhận thức, về ứng dụng giáo lý trong hành đạo để phụng sự nhân sinh và xã hội; cục bộ và chia rẽ, thụ động và ỷ lại…Thực tế trên đòi hỏi phải củng cố, kiện toàn và trang nghiêm Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cả về phẩm chất, năng lực hoạt động và tổ chức nhân sự. Tiếp tục phát huy các thành tựu và ưu điểm, đồng thời kiên quyết sửa chữa, khắc phục các yếu kém, đủ sức giữ vững và vươn lên trong vai trò tổ chức nòng cốt của Phật giáo Việt Nam. Chính vì thế, chư Tôn đức chịu trách nhiệm của Giáo hội, mà người đứng đầu là Hòa thượng Thích Huệ Thành đã vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy sáng tạo giữ vững niềm tin đạo pháp để xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực kế thừa để phục vụ cho đạo pháp và dân tộc.

2.1.1. Thứ nhất, trên nền tảng giới luật.

Đạo Phật là một nền đạo lý và triết học đề cao giá trị và vai trò con người, theo đuổi mục đích vì tinh thần giải thoát, an lạc cho con người và vì lợi lạc, hòa hợp của cộng đồng, phù hợp với xã hội dân chủ, khoa học hiện đại. Giáo lý của Phật giáo dựa trên cơ sở Giới – Định – Tuệ để làm nền tảng cho việc tu học và hình thành nên nhân cách của con người, chủ yếu là diệt trừ tham, sân, si; đưa con người đến chân hạnh phúc, an lạc và giải thoát. Giới giúp cho con người đình chỉ các nghiệp ác, nuôi lớn các thiện căn, là thuyền bè đưa người qua biển khổ sông mê. Cho nên, khi Đức Phật trong giờ phút sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã dạy các vị đệ tử: “Sau khi Ta diệt độ, các ông hãy lấy Giới luật làm Thầy…”. Chính sự quan trọng của giới luật như thế, nên xưa nay những ai quyết tâm cầu đạo giải thoát, đều cần cầu giới pháp. Đó là tiêu chí quan trọng hàng đầu để dự vào hàng Tăng bảo , trở thành sứ giả của Đức Phật. Cho nên, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, đặc biệt là Trưởng Ban Trị sự qua các nhiệm kỳ như HT. Thích Huệ Thành, HT. Thích Thiện Khải, HT. Thích Minh Chánh và HT. Thích Nhật Quang luôn khai mở Đại Giới đàn để truyền trao giới pháp cho các giới tử. Đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng nhất của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, mà còn có ý thực hiện tinh thần Giới luật của Đức Phật chế định. Mỗi nhiệm kỳ 05 năm, Ban Trị sư tỉnh đều tổ chức 02 hoặc 03 lần Đại Giới đàn, chưa bao giờ bị gián đoạn. Số lượng giới tử của mỗi lần tổ chức Giới đàn đều tăng dần, điển hình Giới đàn năm 1982 có 64 giới tử thì đến Đại giới đàn năm 2019 lên đến 3.250 giới tử. Xuyên suốt 40 năm qua, từ năm 1982 đến nay (2021), Phật giáo Đồng Nai tổ chức được 18 kỳ Giới đàn , truyền giới cho hơn 19.200 giới tử.

2.1.2. Thứ hai là, trên nền tảng giáo dục nhà trường.

Nền Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục nhân bản, đánh thức mọi người, đưa họ trở về bến bờ chân thật ấy. Đó là nguồn trí năng được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nguồn trí năng ấy, Phật giáo gọi là khả năng giác ngộ mà mọi người đều có thể vận dụng qua nỗ lực của tự thân, qua sự học tập giáo điển và kinh nghiệm tu hành từ các bậc Cổ đức, đồng thời sử dụng nguồn trí năng ấy làm lợi ích cho nhân sinh.

Ban Giáo dục Tăng Ni (nay gọi là Ban Giáo dục Phật giáo) có nhiệm vụ đào tạo Tăng Ni thành những tu sĩ Phật giáo chân chính. Học để tu, để hoằng pháp và giúp đời; trong đó tu là chính, tu từ khi bước chân vào chùa cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Học để trau giồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát tối hậu.

Chủ trương đào tạo Tăng Ni đạo hạnh trở thành những con người tài ba, có những đóng góp hiệu quả cho đạo pháp và dân tộc thì không thể thiếu môi trường đào tạo trong hệ thống giáo dục của Giáo hội.

Một trong những yêu cầu của giáo dục là tạo cho người học sự thích nghi, sự tự phát triển. Giáo dục Phật giáo không nhằm nhồi nhét kiến thức, kỹ năng của con người trong thời đại mới mà nhằm giúp Tăng Ni thích nghi với thời đại mới mỗi khi phải dấn thân vào đời. Hệ thống giáo dục do Giáo hội thiết lập luôn được chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và chư vị Bổn sư của các Tăng Ni quan tâm và định hướng, đặc biệt là tại Đồng Nai.

Thêm một vấn đề quan trọng nữa trong công tác Giáo dục Phật giáo, đó là tổ chức nội trú để ổn định việc sinh hoạt, tu học cho Tăng Ni đang là một nhu cầu vô cùng cần thiết trong khâu tổ chức, cũng như quản lý của ngành Giáo dục Phật giáo hiện nay. Riêng tại Phật giáo Đồng Nai, Ban Giáo dục Phật giáo đã thực hiện được công tác này từ trên ba mươi năm qua.

Ngay vào những năm 1990, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai được thành lập , địa điểm được đặt tại Chùa Đại Tòng Lâm, xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (cũ). Đến năm 1992, nhà nước chia tách Đồng Nai thành hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà trường đã dời về Chùa Pháp Hoa, xã An Phước, huyện Long Thành (khóa II). Hiện nay, Trường Trung cấp Phật học đã có 02 cơ sở độc lập dành cho tăng và ni riêng biệt ; đồng thời có hai phân hiệu theo hệ phái . Trãi qua 9 khóa, nhà trường đã đào tạo được 1887 Tăng Ni sinh tốt nghiệp. Các Tăng Ni sinh sau khi ra trường hầu hết thi đậu cao vào các Học viện, nhất là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Tăng Ni sinh các khóa, từ khóa I đến khóa VII đều đã và đang công tác cho các cấp Giáo hội, từ trung ương đến địa phương, và trụ trì các tự viện trong khắp cả nước, tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ vào công tác giáo dục tại các trường Phật học. Đây là một nỗ lực to lớn đáng tự hào và tuyên dương của Phật giáo tỉnh nhà, đặc biệt là Ban Giám hiệu nhà trường. Nhờ đó mà kết quả đào tạo của bổn trường luôn tốt đẹp và đáng tin cậy đối với Tăng già cũng như quần chúng Phật tử, các cấp lãnh đạo chính quyền.

2.1.3. Thứ ba là, trên nền tảng giáo dục tự viện.

Giáo dục, đào tạo theo phương thức tự viện là nền giáo dục sơ cấp nhưng cực kỳ quan trọng trong tiến trình hình thành nhân cách, đạo đức và lối sống của mỗi Tăng Ni. Đây cũng là phương thức giáo dục đặt thù của Phật giáo Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Với tôn chỉ “tổ tổ tương truyền, sư sư tương thọ”, trước hết, Tăng Ni trụ trì các tự viện phải người có thực chất tu hành, đạo hạnh và trí tuệ do có quá trình tu hành lập công bồi đức chốn thiền môn, có trình độ học vấn khả dĩ cơ bản, có tinh thần vô ngã vị tha. Chư vị Tổ sư ngày xưa chọn pháp tử, trưởng tử, chọn người thừa kế là dựa trên tiêu chuần này, tức là chọn người biết chăm lo phật sự, phát huy những giá trị nhân bản, tu tập và truyền thừa, biết trưởng dưỡng đạo mạch của Thầy Tổ. Người Thầy phải luôn dùng “Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo” để truyền trao, hướng dẫn và đào tạo học trò, nhằm giúp người học trò lĩnh hội, thực hành giáo lý và nhân cách sống dựa trên nền tảng giáo lý Phật đà. Điều này đã được Đức Phật nhấn mạnh trong Kinh Mã Ấp, số 182, Kinh Trung A Hàm “Thân hành thanh tịnh, khẩu hành than tịnh, ý hành thanh tịnh…Chánh đại quang minh, khéo kéo giữ gìn, không có tỳ vết.” Chính vì thế mà tiêu chuẩn để làm được một người Thầy trước tiên phải là bậc minh sư có trí học, đạo học, chuẩn tắc và mô phạm. Đồng thời, người Thầy cũng là tấm gương sáng để người học trò lấy làm mục tiêu phấn đấu.

Giáo dục và đạo tạo tự viện của Phật giáo Việt Nam còn có tác dụng định hướng quan trọng để xây dựng niềm tin và tầm ảnh hưởng của người đệ tử xuất gia và tại gia trong lối sống đạo đức, văn hóa, ứng xử trong đời sống thiền môn và xã hội. Từ phương thức giáo dục đó, mà hiện nay Phật giáo Đồng Nai có trên 599 vị Tăng Ni trụ trì các tự viện chính thức, mỗi vị trụ trì đều trở thành một vị Thầy mô phạm truyền tải kinh nghiệm tu học, hành đạo cho hơn 5500 Tăng Ni. Điển hình trong 40 năm qua tại Đồng Nai, phải kể đến những bậc tôn túc lãnh đạo giai đoạn đầu hình thành Phật giáo Đồng Nai như Hòa thượng Thích Huệ Thành, viện chủ Tổ đình Long Thiền có hơn 100 vị đệ tử đã và đang tham gia công tác Giáo hội và trụ trì các tự viện; Hòa thượng Thích Diệu Tâm, viện chủ Chùa Phi Lai; Hòa thượng Thích Quang Đạo, viện chủ Chùa Phước Viên có hơn 100 vị đệ tử; Hòa thượng Thích Huệ Hiền, viện chủ Chùa Thanh Long; Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, viện chủ Quan Âm tu viện có hơn 300 vị đệ tử ni. Những vị tôn đức hiện nay đang lãnh đạo Giáo hội như Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì Thiền viện Thường Chiếu có hơn 1000 vị đệ tử khắp trong và ngoài nước; Hòa thượng Thích Giác Quang, Trưởng ban Quản trị Quan Âm tu viện có trên 500 vị đệ tử, Hòa thượng Thích Thiện Đạo, trụ trì Chùa Phi Lai có trên 10 vị đệ tử…

Với 40 năm hình thành và phát triển liên tục, trãi qua 3 giai đoạn , Phật giáo Đồng Nai đã lớn mạnh trở thành một trong 3 (ba) tỉnh có số lượng tự viện và Tăng Ni đông nhất cả nước. Hiện nay, Phật giáo Đồng Nai đã có 6250 Tăng Ni, tăng gần 20 lần so với năm 1982; có 599 ngôi tự viện chính thức, hơn 1000 am thất, tăng gấp 10 lần so với khi mới thành lập Giáo hội; và hơn 1,3 triệu tín đồ, những người yêu mến đạo Phật. Về tổ chức Giáo hội gồm Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh với 68 thành viên đang điều hành, quản lý mọi hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà; có 12 Ban chuyên môn phụ trách các lĩnh vực chuyên ngành, nhằm phục vụ tốt cho công tác của Giáo hội; cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh có 11 Ban Trị sự để chịu trách nhiệm điều hành các phật sự tại huyện nhà. Như vây, số lượng chức việc của Phật giáo Đồng Nai là 365 Tăng Ni và Phật tử.

2.2. Phát huy nguồn lực tâm linh.

Trong quá trình hội nhập và phát triển Phật giáo đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước, ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn minh và tạo thành một nền văn hoá đặc thù của người Việt Nam. Có thể nói Phật giáo đã đóng một vai trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lich sử.

Hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập một cách toàn diện như kinh tế, chính trị an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục… trong xu thế toàn cầu hóa và trên tiến trình hội nhập của đất nước, với tinh thần tùy duyên của đạo Phật, Phật giáo đã hòa nhập vào đời sống xã hội bằng con đường hoằng pháp một cách lớn mạnh và thành công nhất định.

Với đội ngũ Tăng Ni trẻ năng động và nhiệt huyết, đoàn giảng sư Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động Phật sự tại các lễ hội Phật giáo, các sự kiện do Giáo hội tổ chức; các buổi thuyết giảng Phật pháp định kỳ hàng tháng tại các cơ sở tự viện, với số lượng mỗi kỳ trên 300 Phật tử học, điển hình như: khóa tu Bát Quan trai Quan Âm tu viện (thành phố Biên Hòa); Đạo tràng hướng dẫn tu thiền tại Thiền viện Thường Chiếu, Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Ni (huyện Long Thành), Thiền viện Phước Sơn (thành phố Biên Hòa), Thiền viện Pháp Sơn (huyện Tân Phú); Khoá tu niệm Phật tại chùa Huệ Viễn (huyện Thống Nhất), chùa Long Vân (thành phố Biên Hòa), chùa Pháp Thường (huyện Nhơn Trạch), chùa Xuân Hòa (thành phố Long Khánh), chùa Linh Phú (huyện Tân Phú)… Số tự viện còn lại đều có các khóa tu theo từng hệ phái, pháp môn khác nhau với quy mô ít hơn. Như vậy, theo báo cáo các tự viện, được thống kê trong toàn tỉnh, mỗi tháng có trên dưới 370.600 lược chư Tăng Ni và Phật tử tham dự tu học tại các đạo tràng, giúp cho các tín đồ Phật tử có cuộc sống an vui, hạnh phúc. Song song với việc hướng dẫn các tín đồ Phật tử tu học theo đúng tinh thần Phật pháp, chư Tăng Ni trụ trì và các vị giảng sư còn lồng ghép triển khai những đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với mỗi người Phật tử, nhờ đó các tín đồ Phật tử và những người có niềm tin với Phật giáo luôn tuân thủ các quy định của luật pháp, thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Thứ đến là giá trị bảo tồn bản sắc văn hóa, đạo đức… đây là một giá trị về mặt tâm linh mà Phật giáo Việt Nam trong đó có Tăng Ni và Phật tử Đồng Nai luôn luôn ý thức gìn giữ và bảo tồn, bài trừ những văn hóa độc hại…Trong tinh thần ý thức đó, Đồng Nai hiện nay đã và đãng bảo tồn 3 ngôi tự viện cổ được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia là Tổ đình Long Thiền, chùa Bửu Phong và Đại Giác Cổ tự đều thuộc thành phố Biên Hòa. Bên cạnh đó, vào năm 2010, Hòa thượng Thích Minh Chánh đã phục dựng ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang tại huyện Vĩnh Cửu.

2.3. Phật giáo trong công tác từ thiện, an sinh xã hội.

Việt Nam trước đây là một đất nước nông nghiệp, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, phải thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, nhất là tại các tỉnh miền Trung, mỗi năm có không dưới mười cơn bão, người dân phải chống chọi với sự tàn phá đó. Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đạt được một số thành tựu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, lại kéo theo một số vấn đề của xã hội như tình trang di cư vào các đô thị lớn, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, ĐồngNai…, môi trường bị tàn phá, nghèo đói và thất nghiệp ở một số nơi, dịch bệnh, tệ nạn xã hội…

Đức Phật đã từng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất lý thế gian giác..”, như vậy, không thể xa rời thế gian mà tìm sự giác ngộ, vậy thế gian là gì nếu không là nhu cầu về vật chất và tinh thần trong cuộc sống. Giải quyết được những nhu cầu bức thiết của hiện trạng xã hội cho dù trong phạm vi nhỏ nhất, tức cũng đã giải quyết được một phần trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện với tâm từ của cuộc sống, đạo và đời viên dung.

Tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật trở thành bản sắc, chất liệu của Phật giáo xuyết suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Tinh thần Từ bi của đạo Phật được triển khai ý nghĩa rộng trong Tứ vô lượng tâm là Từ – Bi – Hỉ – Xả; nghĩa là yêu thương chúng sanh, tìm phương pháp giúp cho họ được an vui và hạnh phúc. Hai chữ “Từ Bi” của đạo Phật là ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sanh trong lục đạo, là bao dung, là độ lượng, không toan tính và không phân biệt. Chính vì thế, Phật giáo Việt Nam luôn đề cao lòng vô ngã, vị tha với phương châm “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”.

Từ thiện được xem như là sự giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, thông qua hình thức là biếu, tặng tiền bạc, thức ăn, thuốc men, các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Trong ý nghĩa đó, từ thiện được xem như là sự thể hiện từ bi của Phật giáo. Như vậy, từ bi không chỉ có nghĩa là sự yêu thương con người mà có nghĩa là thể hiện lòng yêu thương ấy bằng hành động thiết thực, bằng việc làm cụ thể.

Bằng hành động thiết thực, vào những tháng đầu của năm 1984, khi đó đất nước nói chung, Đồng Nai nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và giang khổ. Tăng Ni và Phật tử tự tăng gia sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp để làm kinh tế nhà chùa. Thế những, với tinh thần truyền thống của Phật giáo là “Hộ quốc an dân”, “Đồng hành cùng dân tộc”, Hòa thượng Thích Huệ Thành với tư cách là Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản để vận động Tăng Ni và Phật tử tham gia vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế của đất nước như: Thông tư 145/ĐN/TT ngày 14/12/1984 về việc vận động ủng hộ các tỉnh Biên giới nhân dịp Tết Nguyên đán với tịnh tài là 5.000đ; Thông tri số 03/TT ngày 15/11/1984 về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Quỹ bão trợ Phu Lão; Vận động mua trái phiếu; mở phòng thuốc Nam, Y học cổ truyền tại Chùa Pháp Hoa, huyện Long Thành…

Với phương châm “tự nguyện” nhưng “mỗi Tăng Ni và tự viện” đều tham gia tích cực trong công tác an sinh xã hội, mà trước tiên là cùng góp phần với chính quyền địa phương chăm lo những gia đình gặp khó khăn, gia đình chính sách…

Tiếp nối truyền thống đó, trong suốt 40 năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Từ thiện Xã hội tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thành phố, Tăng Ni trụ trì và Phật tử tỉnh Đồng Nai luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
– Thứ nhất, phát quà cứu trợ, tặng học bổng, tặng xe đạp cho học sinh,…đây được xem là hình thức phổ biến nhất trong công tác từ thiện Phật giáo. Vào dịp Tết nguyên đán, tháng tư, tháng bảy, tháng mười, hầu hết các tự viện Phật giáo ở Đồng Nai đều thực hiện công tác này; những đợt bão lũ miền Trung miền Bắc; hạn hán, ngập mặn ở miền Tây; cho đến các tỉnh Cao nguyên,..thì đều có hình bóng cứu trợ và tiếp tế của Tăng Ni và Phật tử các tự viện Phật giáo Đồng Nai.

– Thứ hai, bếp cơm từ thiện, tuệ tĩnh đường, phòng thuốc y học cổ truyền, Trung tâm bảo trợ, … đây là hoạt động cố định hàng tuần hàng tháng tại các tự viện. Hiện nay, Phật giáo Đồng Nai có một Tuệ tĩnh đường do Ban Trị sự tỉnh quản lý đặt tại chùa Đức Quang, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Mỗi địa phương cấp huyện đều có ít nhất là hai tự viện thực hiện hoạt động theo mô hình này.

– Thứ ba, nhận nuôi trọn đời các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, tham gia bảo trợ các gia đình nạn nhân chất độc gia cam, dioxin, Viện dưỡng lão…

– Thứ tư, xây nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, xây dựng cầu đường nông thôn…
Trên tinh thần đó, trong 40 năm qua, Tăng Ni và Phật tử tỉnh nhà đã đóng góp trong công tác này được quy đổi thành tiền là trên 1.253.000.000.000đ (một ngàn hai trăm mười ba tỷ), luôn nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành phố cả nước có hoạt động mạnh nhất về lĩnh vực này, chiếm 6,4% trong cả nước.

Đặc biệt, là trong lần Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tại tỉnh Đồng Nai, mỗi ngày có hàng trăm ca nhiễm mới, nhiều hộ gia đình, địa phương bị phong tỏa, cách ly y tế, trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, đời sống người dân. Tăng Ni và Phật tử Đồng Nai với tinh thần từ bi đã không từ lao nhục, thực hiện công tác thiện nguyện rất hiệu quả và thiết thực qua một số mô hình, cách thức như sau:

– Một là, ủng hộ quỹ Vaccine, thực hiện kêu gọi Quỹ Vaccine của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Thông bạch số 130/TB-HĐTS ngày 17/05/2021, Ban Trị sự tỉnh đã kêu gọi Tăng Ni và Phật tử, quý mạnh thường quân đóng góp ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, Tăng Ni và Phật tử Phật giáo Đồng Nai đóng góp cho Quỹ là: 2.502.416.000đ (hai tỷ năm trăm linh hai triệu, bốn trăm mười sáu ngàn đồng).

– Hai là, hỗ trợ rau củ quả, lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc mem… hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền tỉnh Đồng Nai, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trực tiếp chỉ đạo Ban Trị sự các địa phương, Tăng Ni và Phật tử cùng chung tay, góp sức, hỗ trợ nhiều đợt rau củ quả, nhu yếu phẩm, thuốc mem thiết yếu trực tiếp vào các khu phong tỏa, khu cách ly để chia sẻ cho người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Hình ảnh các nhà sư đi đến từng con hẽm, cổng nhà người dân trong khắp các phường của thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Nhơn Trạch, huyện Trảng Bom, huyện Long Thành… để chia sẻ từng phần quà, từng bịt rau củ… được lan tỏa và quen thuộc trong mùa dịch. Tất cả quy đổi thành tiền là trên 198 tỷ đồng.

– Ba là, tham gia công tác tuyến đầu phòng, chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN gửi đến chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử ngày 18/7/2021 và Công văn số 647/BTG-TCHC ngày 30/7/2021 của Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai về việc vận động chức sắc, tu sĩ, Phật tử tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ban Trị sự tỉnh đã kêu gọi Tăng Ni và Phật tử tham gia tuyến đầu được 154 lượt tình nguyện viên tham gia với số lượng là 84 tình nguyện viên.

– Bốn là, Trụ sở Ban Trị sự tỉnh – chùa Tỉnh Hội làm nơi lưu trú cho những người cơ nhỡ, từ ngày 01/08-04/10/2021, Chùa Tỉnh Hội, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa đã tiếp nhận và hỗ trợ đời sống hơn 140 lượt người bị mắc kẹt, không trở về quê hương được.
2.4. Tăng Ni và Phật tử trong vai trò xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Đồng thời, để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, các thành viên của Giáo hội tỉnh, huyện, thành phố; Tăng Ni và Phật tử trong toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nết sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Tăng Ni và Phật tử đã tích cực tham gia là thành viên Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Hội chữ thập đỏ, hội khuyến học ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, khối Phật giáo Đồng Nai có 67 vị Tăng Ni, Phật tử trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp. Cấp tỉnh 01 vị; cấp huyện, thành phố có 8/11, cấp xã có 62/170 (có 4 vị đắc cử Hội đồng nhân dân 2 cấp).

Tăng Ni, Phật tử tỉnh còn thực hiện bảo vệ môi sinh, môi trường…phóng sanh thả cá tại Hồ Trị An, mô hình trồng rừng tại một số tự viện trên địa bàn…

Tất cả những cống hiến trên chứng minh Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai luôn luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã và đang tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời hội nhập và phát triển toàn cầu, cùng toàn dân xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, giàu đẹp, văn minh và tiến bộ. Phát huy những giá trị tích cực của Phật giáo trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc trên hai phương diện vật chất và tinh thần.

3. Một số giải pháp cần khắc phục, thay cho lời kết

Một là, tiếp tục củng cố, mở rộng đoàn kết, hòa hợp các hệ phái, tổ chức Phật giáo (với nội dung, hình thức đặc thù hoặc biệt truyền) trên nền tảng đạo phật và dân tộc. Khắc phục hiện tượng phân hoá chia rẽ vẫn tồn tại trong nội bộ hiện nay đã tác hại đến hình ảnh Phật giáo trong lòng dân tộc.

Hai là, cần sự quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ của các cấp chính quyền đối với Tăng Ni và Phật tử trong công tác xã hội, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” đến với Tăng Ni gương mẫu hoàn thành vai trò, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc và xã hội trong điều kiện của người xuất gia tu hành; hàng Phật tử tại gia là nam nữ công dân tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực đóng góp không hạn chế vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội mới hiện đại giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Tăng Ni và Phật tử chủ yếu tham gia lĩnh vực tinh thần và đạo đức, an sinh xã hội và tương trợ, cứu tế nhân đạo… Pháp luật cần có những quy định thích hợp đối với những loại hình, phạm vi, mức độ tham gia của tổ chức Giáo hội trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh và tương trợ, cứu tế xã hội, v.v..

Ba là, xây dựng đội ngũ tiên tiến và nòng cốt trong Tăng Ni và Phật tử tại gia vững mạnh, rộng khắp, trọng chất hơn lượng, đảm bảo thực hiện yêu cầu và mục tiêu của Phật giáo. Lựa chọn các nhân tố tích cực vượt trội trong lực lượng tiên tiến để bồi dưỡng thành những nòng cốt của các hệ phái, tổ chức, các mặt hoạt động Phật sự, các phong trào và các cuộc vận động theo hướng dạo pháp, dân tộc và hiện đại.

Bốn là, đào tạo Tăng Ni và Phật tử trong vai trò là chức sắc, chức việc, lãnh đạo Giáo hội. Chức sắc, chức việc tham gia công tác Giáo hội Phật giáo cần có lập trường quan điểm đúng đắn và phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới; có ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức tác phong tốt; nắm vững chính sách luật pháp, chủ trương nhiệm vụ và phương pháp công tác; có hiểu biết cần thiết về giáo lý, giới luật, tổ chức Giáo hội, lịch sử và hiện tình Phật giáo… ít nhất trong phạm vi phụ trách.

Trên đây là một số ý kiến trước Đại hội.
Chân thành cảm ơn./.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...