Thượng tọa Thích Thông Đạo
Ban Trị sự GHPGVN Tp. Đà Nẵng
Ngưỡng bạch chư Tôn đức.
Kính thưa Đại hội.
Trong thời hội nhập quốc tế, Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cần thiết đánh giá những đóng góp vào xã hội để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm xã hội của Phật giáo. Từ đó, điều chỉnh hướng phát triển để giáo lý Phật giáo thật sự đi vào xã hội, xây dựng nếp sống đạo đức; giúp con người khai mở nguồn sáng tạo trong việc xây dựng văn hóa trí tuệ, đảm bảo an sinh, hướng tới một nền “kinh tế hạnh phúc”. Cho nên, tham luận này nêu lên những đóng góp, quan tâm và đề xuất hướng thiết thực hơn nữa nhằm mang lại sự phát triển bền vững, tạo dựng hạnh phúc, kiến thiết đất nước hùng cường.
1. Mở đầu.
Phật giáo với hệ thống giáo lý, triết học, văn hóa đã cống hiến cho xã hội những giá trị không thể phủ nhận; và trong xã hội đó, Đức Phật nêu cao giá trị làm người và xây dựng hạnh phúc nhân gian, xã hội thịnh vượng. Những vấn đề của thời đại, nếp sống hưởng thụ chạy theo vật chất, suy thoái đạo đức cá nhân và xã hội, sự cạn kiệt môi trường và thiên tai lũ lụt, dịch bệnh Covid-19, với chức năng và trách nhiệm của mình, bằng tinh thần nhập thế, GHPGVN luôn có những hoạt động tích cực để góp phần giảm bớt những mặt trái đã và đang phát sinh trong xã hội, đồng thời xây dựng nếp sống hài hoà, quân bình về mặt tinh thần và vật chất. Đó cũng là tư tưởng giáo lý tích cực của Đạo Phật làm tốt Đạo đẹp Đời, điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về việc nhìn nhận tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân; nét văn hóa, đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp công cuộc xây dựng xã hội mới; đảm bảo phát huy được các yếu tố tiến bộ, tích cực của các tôn giáo trong đời sống chính trị – xã hội, trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của dân tộc và toàn cầu.
2. Những đóng góp, quan tâm thiết thực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào đời sống xã hội.
Phát huy truyền thống yêu nước, yêu dân tộc của Phật giáo Việt Nam, luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ vai trò và vị trí của Phật giáo trong lòng dân tộc, thực hiện những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, công nghệ số phát triển đang từng bước xóa nhòa ranh giới văn hóa giữa các cộng đồng, quốc gia và vùng lãnh thổ. Nối tiếp truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo góp phần giải quyết nhiều vấn nạn mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt như sự xuống cấp về đạo đức và lối sống tha hóa của một bộ phận không nhỏ các thành phần xã hội, sự lạm dụng thái quá vật chất để thõa mãn nhu cầu cá nhân, sự lãng phí, vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Bằng triết lý nhập thế tích cực, Phật giáo chú trọng xây dựng con người thông qua những nguyên tắc đạo đức căn bản như từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, v.v. góp phần vào công cuộc phát triển đất nước bền vững.
Với những nguyên tắc đạo đức và vị trí văn hóa của mình, Phật giáo Việt Nam đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị đạo đức con người, góp phần định hướng tư duy và điều chỉnh hành vi của cộng đồng, xã hội. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động Phật pháp… dành cho thanh thiếu niên. Thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô, có nếp sống lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Tuyên truyền và giảng giải ý nghĩa của việc hạn chế sát sinh, không săn bắt các loài thú hoang dã, không phá rừng mà tăng cường trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ không dùng đồ nhựa một lần để bảo vệ môi trường, các cấp Giáo hội động viên Phật tử thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt văn hóa giao thông mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký kết.
Hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội của Giáo hội tiếp tục được phát triển và mở rộng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, trẻ em mồ côi, xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết; mở các phòng khám từ thiện miễn phí; cứu trợ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, năm 2020, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, Giáo hội và đông đảo Tăng Ni, Phật tử đã có nhiều hoạt động trợ giúp kịp thời tới cộng đồng thiết thực, hiệu quả, chung tay cùng các cấp chính quyền và nhân dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, người khuyết tật, neo đơn, người nghèo, lao động bị ảnh hưởng của đại dịch và thiên tai bão lũ tại miền Trung.
Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN cùng Tăng Ni, Phật tử luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện tốt phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố trong toàn quốc thường xuyên động viên Tăng Ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn, tham gia các tổ chức chính trị – xã hội, các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc như tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều vị chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu làm Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; thể hiện được vai trò đặc biệt trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế – xã hội ở các địa bàn dân cư; đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc.
3. Những đề xuất nêu cao sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế
3.1. Đề xuất về mặt chính sách
Thứ nhất, xây dựng chính sách, đường lối nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị, quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, pháp luật.
Trước hết, thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị đối với các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, để khẳng định rõ các nội dung về phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Cần coi tôn giáo là một nguồn lực phát triển, phát huy tối đa những giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa… của các tôn giáo trong đời sống xã hội. Việc phát huy các giá trị tích cực của các tôn giáo chính là tạo ra sức mạnh cộng hưởng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển. Đây là quan điểm phù hợp với xu thế, thực tiễn ngày nay. Tôn giáo nếu được phát huy đúng mức sẽ thực sự là một nguồn lực xã hội, kinh tế, tri thức,… quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi cộng đồng, quốc gia.
Hiện nay, với phương châm hành đạo tiến bộ, các tôn giáo đang tham gia giải quyết khá tích cực các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo. Thực tiễn cho thấy, các tôn giáo có nguồn lực lớn, lợi thế và khả năng làm tốt hơn thành phần khác trong thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đồng thời, các tôn giáo còn có khả năng chia sẻ, giảm tải gánh nặng của Nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng các lĩnh vực, như giáo dục, y tế, dạy nghề…; hỗ trợ bảo tồn, nuôi dưỡng, quảng bá, làm giàu văn hóa dân tộc và góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Đây là những lĩnh vực cần phát huy vai trò của các tôn giáo.
Thứ hai, định hướng chính sách, đường lối nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của các tôn giáo để lan tỏa các giá trị tích cực, nhân văn.
Phát huy vai trò tích cực của những chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo trong việc tham gia hoạt động xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bằng việc xây dựng cơ chế pháp luật để khuyến khích họ phối hợp, tham gia, bảo vệ sự tham gia, khen thưởng, động viên kịp thời; thực hiện tốt chính sách phát huy vai trò người có uy tín trong các tôn giáo, theo tinh thần: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong khuôn khổ pháp lý, các tôn giáo cần chủ động xây dựng những hoạt động, như hoạt động văn hóa cộng đồng, y tế, giáo dục, để lan tỏa giá trị tốt đẹp; tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, cứu trợ xã hội; chủ động, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, phương châm hành đạo của các tôn giáo. Phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ, điều hòa các hệ phái, đoàn kết tôn giáo; nêu cao tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác và phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ.
Nhà nước cần cụ thể hóa các nội dung về tôn giáo được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng… Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo” . Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy những giá trị tích cực, nhân văn trong điều kiện hiện nay.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: các tôn giáo được tham gia hoạt động y tế, giáo dục, an sinh xã hội, vì vậy, Nhà nước, trực tiếp là Ban Tôn giáo Chính phủ, cần ban hành các quy định cụ thể đối với các hoạt động xã hội của các tôn giáo, nhất là về đất đai, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xã hội hóa đối với các vấn đề này, đồng bộ với pháp luật về tôn giáo và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
3.2. Đề xuất về những hoạt động Phật sự của GHPGVN nhiệm kỳ mới, tiếp tục phương châm hoạt động Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, GHPGVN đồng hành cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết với phương châm phụng đạo, yêu nước. Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN cùng Tăng Ni, Phật tử luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện tốt phương châm dân tộc – đạo pháp – CNXH. Nhiều vị chức sắc được người dân tin tưởng bầu làm Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; thể hiện được vai trò đặc biệt trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế – xã hội ở các địa bàn dân cư. Các vị Tăng Ni tiếp tục đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa. Do đó, để nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, Phật giáo tiếp tục định hướng, phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp giáo dục, hoằng dương chính pháp; định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
Thứ hai, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, cần nêu bật vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện với những việc làm thiết thực, hiệu quả đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Ủy ban MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, để Phật giáo Việt Nam đóng góp tốt hơn nữa việc tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, cần phải có các giải pháp tích cực, đồng bộ giữa công tác quản lý, hỗ trợ của các ngành chức năng của nhà nước; sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp Giáo hội và chất lượng tổ chức và hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công việc.
4. Kết luận
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật với dân tộc. Do đó, Phật giáo phải tiếp tục đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Những đóng góp thiết thực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là qua những thành tựu Phật sự trong 40 năm thành lập và gần đây, là sự dấn thân nơi tuyến đầu của Tăng Ni, sự vận động và đóng góp chống dịch Covid-19, đồng lòng tương trợ vì miền Trung lũ lụt,… đã minh chứng sâu sắc cho ý nghĩa hoằng truyền Phật pháp, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết hòa hợp, đóng góp thiết thực vào những thành tựu của đất nước trong sứ mệnh quốc gia và toàn cầu, thể hiện sự tiếp tục phát huy truyền thống nhập thế, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới và đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, làm sáng tỏ giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống nhân gian.
Kính chúc Đại hội thành công./.
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY