Những ngôi chùa nổi tiếng tại trung tâm Hà Nội

Xuất bản

Chùa là một trong những nét văn hóa tâm linh của người Việt Nam nói chung và của người dân nói riêng. Mỗi ngôi chùa ở Hà Nội dù lớn hay nhỏ đều có lịch sử, kiến trúc độc đáo, thu hút rất nhiều người đến tham quan, vãn cảnh. Dưới đây, Cổng thông tin điện tử Đại hội xin gửi đến Quý Đại biểu những ngôi chùa nổi tiếng tại trung tâm Hà Nội có thể ghé thăm. 

1. Chùa Quán Sứ 

Chùa Quán Sứ được xây dựng từ thế kỷ 15, nguyên là một tòa nhà được vua Lê Thế Tông cho xây dựng để tiếp đón sứ thần các nước láng giềng. Vì các sứ thần đều sùng đạo Phật nên bên trong khuôn viên dựng thêm một ngôi chùa để họ có nơi hành lễ. Sau bao thăng trầm thời gian thì ngôi nhà sứ thần đã mất dấu, chỉ còn ngôi chùa Quán Sứ tồn tại đến ngày nay.

Kiến trúc của ngôi chùa mang đậm phong cách của vùng Bắc Bộ thời xưa với mái vòm, ngói vảy, tam quan có ba tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Điểm đặc biệt là tên chùa và các câu đối trong chùa đều sử dụng chữ quốc ngữ.

chùa quán sứHình ảnh chùa Quán Sứ

Không chỉ là một ngôi chùa cổ linh thiêng, chùa Quán Sứ còn được biết đến là một trung tâm Phật giáo Việt Nam. Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đặt ở đây.

  • Địa chỉ: 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

2. Chùa Trấn Quốc 

Nằm ở phía đông Hồ Tây, chùa Trấn Quốc với tuổi đời hơn 1500 năm là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần, chùa Trấn Quốc giờ đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô, thu hút rất đông du khách tới thăm quan và lễ bái mỗi năm. 

chùa trấn quốcHình ảnh chùa Trấn Quốc 

Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc khắt khe của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công (工).

Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.

  • Địa chỉ: Đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

3. Chùa Một Cột 

Chùa Một Cột gọi theo ngữ Hán – Việt là Nhất Trụ Tháp hay Chùa Mật. Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội.

Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc chiêm bao vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật bà Quan Âm đang tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang và mời nhà Vua lên cùng. Tỉnh giấc chiêm bao Vua liền kể với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua nên dựng chùa trên trụ đá y như trong giấc mơ, làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên.

Chùa-Một-Cột
Hình ảnh chùa Một Cột

Liên Hoa Đài là công trình nổi bật nhất trong quần thể chùa, với lối kiến trúc độc đáo: một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất, tựa như đài hoa sen nở trên mặt hồ. Công trình này từng bị đánh bom sập đổ vào năm 1954, và được phục dựng lại vào năm 1955 dựa trên bản thiết kế để lại từ thời Nguyễn, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.

  • Địa chỉ: Phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

4. Chùa Láng 

Chùa có tên chính thức là Chiêu Thiền Tự. Nguồn gốc của chùa Láng là được xây trên chính nền nhà cũ của thiền sư Từ Đạo Hạnh từ thời vua Lý Thần Tông. Vì thế ngoài thờ Phật và các thần, chùa Láng còn là nơi thờ vua Lý và vị thiền sư này.

Điểm ấn tượng của chùa là công trình kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên, từ sân vườn đến những hàng cây cổ thụ. Nên ngày xưa chùa còn được biết đến là đệ nhất tùng lâm của chốn kinh kỳ Thăng Long.

chùa láng
Hình ảnh Chùa Láng

Theo tấm bia có từ thời Thịnh Đức, trước đây, Chùa Láng có 100 gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Đây là lối kiến trúc có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường với nhà hậu đường, tạo thành khung hình chữ nhật khép kín; ở giữa là nhà thiêu hương hoặc thượng điện.

Chùa Láng có ba lớp tam quan mang nét nghệ thuật của thời Lý. Đặc biệt, cổng tam quan ngoài cùng có kiến trúc bốn hàng cột vuông với ba mái cong gắn vào sườn cột; mái giữa cao hơn hai mái còn lại, che mưa che nắng cho bức hoành phi lớn đề “Thiền Thiên Khải Thánh”.

Kiến trúc đền thờ của Chùa Láng mang nhiều nét riêng biệt, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.

  • Địa chỉ: 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

5. Chùa Hà 

Chùa Hà với tên chữ là Thánh Đức Tự, cùng với Đình Bối Hà, tạo thành cụm di tích đình – chùa Hà thuộc quận Cầu Giấy. Chùa Hà và chùa Duyên Ninh ở Ninh Bình là hai ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở miền Bắc.

chùa hà
Hình ảnh Chùa Hà

Chùa Hà được phỏng đoán khởi lập từ nhà Lý hoặc Lê, và trải qua bao phen binh hỏa, chùa Hà đã bị phá hủy nhiều lần, và nhờ tâm huyết của người dân làng Dịch Vọng và Thổ Hà xưa kia, chùa mới được xây dựng, tái tạo, và giữ được đến ngày nay.

Chùa Hà được di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, thu hút nhiều khách đến tham quan. Đặc biệt, vào những ngày Sóc ,Vọng, các Phật tử nô nức tìm đến lễ chùa, cầu an, và cầu duyên.

  • Địa chỉ: 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Chúc Quý Đại biểu sẽ có những chuyến thăm thật vui vẻ và nhiều giá trị! 

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...