Phật giáo Quảng Ninh phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản Phật giáo Trúc lâm trong thời đại mới

Xuất bản

BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh 

Kính bạch …..

Kính thưa …..

Trước tiên, Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh thống nhất cao với Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017- 2022 và những định hướng lớn công tác Phật sự nhiệm kỳ 2022 – 2027 của GHPGVN do Ban tổ chức trình tại Đại hội. Để làm sâu sắc hơn, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh xin trình bày tham luận “Phật giáo Quảng Ninh phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản Phật giáo Trúc Lâm trong thời đại mới”.

1. Đặc điểm tình hình.

Quảng Ninh là tỉnh biên giới, hải đảo miền Đông Bắc của Tổ quốc. Phật giáo Quảng Ninh có truyền thống lịch sử lâu đời. Dưới thời đại nhà Lý Phật giáo đã phát triển rực rỡ tại Quảng Ninh. Đặc biệt dưới thời Trần, Đông Triều – Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước; Với sự kiện năm 1299 Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông về núi Yên Tử xuất gia tu  Phật, sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái Phật giáo Việt Nam độc lập do Hoàng đế Việt Nam thành lập với tư tưởng “Hòa Quang Đông Trần”, “Cư Trần Lạc Đạo”, tinh thần nhập thế “Hộ Quốc An Dân” trở thành tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Việt Nam. Từ đó, Yên Tử – Quảng Ninh trở thành vùng đất Phật, địa danh Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước. Trải qua nhiều thời đại, nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, Yên Tử – Quảng Ninh trở thành nơi về nguồn của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

Kế tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ tiền nhân, Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh luôn tự hào được lưu giữ, kế thừa, học tập và tu dưỡng trên vùng đất Phật. Để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới; Được sự chấp thuận của Trung ương GHPGVN và tỉnh Quảng Ninh, qua một thời gian vận động ngày 21 tháng 01 năm 2005 Tăng Ni, Phật tử tỉnh Quảng Ninh chính thức tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ nhất, thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Từ đó đến nay, dưới sự quản lý, điều hành của Ban Trị sự, phong trào Phật giáo Quảng Ninh đã có bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ và toàn diện. Trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội, với đội ngũ nhân sự trẻ luôn đoàn kết và nhiệt huyết đã xây dựng Phật giáo Quảng Ninh ổn định về nhân sự, phát triển toàn diện mọi phong trào và tạo được niềm tin về tâm linh, trách nhiệm với đất nước và Giáo hội.

2. Bảo tồn và phát huy di sản Phật giáo Trúc Lâm trong thời đại mới.

2.1. Bảo tồn di sản Phật giáo Trúc Lâm.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 152 Tự viện Phật giáo; nhiều Tự viện Phật giáo được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, di tích cấp Quốc gia, di tích cấp tỉnh, với các thánh tích Phật giáo nổi tiếng gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm như: Yên Tử,  Ngọa Vân, Hồ Thiên, Ngọc Thanh, Trung Tiết…

Di sản Phật giáo Trúc Lâm bao gồm: di sản vật thể và di sản phi vật thể. Di sản vật thể là chùa, tháp, đây là các di vật văn hóa Phật giáo của các thế hệ Tổ Sư Phật giáo Trúc Lâm qua các thời đại khác nhau để lại. Di sản phi vật thể là tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm, phong tục, tập quán, lễ hội của Phật giáo Trúc Lâm còn tồn tại đến ngày nay.

Để bảo tồn di sản của Phật giáo Trúc Lâm; trong thời gian qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích thuộc Phật giáo Trúc Lâm tại Quảng Ninh như: hệ thống các chùa, tháp tại trung tâm Phật giáo Yên Tử, các di tích Phật giáo tại khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều như: chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân, chùa Trung Tiết, chùa Hồ Thiên, chùa – quán Ngọc Thanh…. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh được giao làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn xã hội hóa đã thực hiện thành công một loạt các dự án lớn như: dự án tôn tạo chùa Đồng – Yên Tử (năm 2006) với kinh phí là 82 tỷ đồng, dự án đúc bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại đỉnh non thiêng Yên Tử (năm 2013) với kinh phí gần 200 tỷ đồng; dự án chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Suối Tắm, khu Tháp Tổ Mắt Rồng chùa Hoa Yên và đường hành hương trị giá gần 100 tỷ đồng. Tại khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã làm chủ đầu tư các dự án lớn như: dự án tôn tạo chùa Trung – Ngọa Vân (năm 2016) với tổng kinh phí 50 tỷ đồng, dự án chùa Trung Tiết (năm 2018) với tổng kinh phí 80 tỷ đồng, dự án chùa Quỳnh Lâm (năm 2019) với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, dự án chùa Hồ Thiên (năm 2022) gần 100 tỷ đồng… và nhiều dự án thành phần khác. Hiện nay đang tiếp tục huy động nguồn công đức để trùng tu, tôn tạo chùa Ngọc Thanh, chùa Đá Chồng, chùa Ba Bậc, Am Mộc Cảo…

Cùng với việc trùng tu tôn tạo các di tích đã được phê duyệt, GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước đưa vào danh mục di tích các phế tích Phật giáo Trúc Lâm tại khu Yên Tử và Đông Triều để lên phương án, trình hồ sơ phê duyệt các chùa như: chùa Trại Cấp, chùa Am Hoa, chùa Thông Đàn, chùa Tán, Am Hoa – Am Dược, Am Thiền Định, Viện Phổ Đà, Am Lò Rèn…

Các di tích khác thuộc hệ thống Tự viện của Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư, trùng tu, xây dựng khang trang tố hảo với nguồn kinh phí hàng trăm, hàng chục tỷ đồng như: chùa Ba Vàng (Tp. Uông Bí), chùa Cảnh Huống, chùa Non Đông, (thị xã Đông Triều), chùa Đống Phúc (thị xã Quảng Yên), chùa Lôi Âm, chùa Phúc Khánh, chùa Vân Phong, chùa Thiên Quýt, chùa Quang Nghiêm (Tp. Hạ Long) chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn) ….

Việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích của Phật giáo Trúc Lâm không chỉ bảo tồn giá trị của ông cha mà còn tạo nền tảng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tu học của Phật giáo và phát triển du lịch tâm linh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với việc bảo tồn di sản vật thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh việc bảo tồn di sản phi vật thể của Phật giáo Trúc Lâm. Các lễ hội truyền thống tại các cơ sở Tự viện của Phật giáo Trúc Lâm được bảo tồn và khôi phục,  phát triển mạnh mẽ. Lễ hội xuân Yên Tử hàng năm là lễ hội Phật giáo truyền thống có thời gian kéo dài nhất ở Việt Nam, lễ hội truyền thống chùa Quỳnh Lâm, lễ hội xuân Ngọa Vân cũng được phục dựng đã thu hút hàng triệu lượt du khách/ năm. Từ năm 2008, do đề xuất của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ trì tổ chức Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn, đây là sự kiện quan trọng để từ đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông hàng năm (1/11 âm lịch) là Đại lễ chung của Phật giáo Việt Nam. Các hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu về Phật giáo Trúc Lâm liên tục  được tổ chức; các tác phẩm của Phật giáo Trúc Lâm, các ấn phẩm văn hóa thường xuyên được xuất bản đã góp phần làm sáng tỏ giá trị của Phật giáo Trúc Lâm trong lòng dân tộc.

2.2. Phát huy và phát triển di sản của Phật giáo Trúc Lâm trong thời đại mới.

Di sản của Phật giáo Trúc Lâm tài sản vô giá của Phật giáo và của dân tộc. Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh đã và đang làm hết sức mình để phát huy và phát triển di sản và tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong thời đại mới.

Cùng với việc bảo tồn những di sản vật thể và phi vật thể của tiền nhân để lại, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chủ trương phát huy và phát triển những di sản đó lan tỏa trong thời hiện đại. Cung Trúc Lâm Tam Tổ tại Yên Tử được BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng, trở thành nơi phát huy giá trị của Phật giáo Trúc Lâm.  Đây là nơi tổ chức các Đại lễ, hội thảo, hội nghị, lễ hội, triển lãm, khóa tu, đại giảng đường và các hoạt động quảng bá giá trị của Phật giáo Trúc Lâm.

Kế thừa tư tưởng hộ quốc an dân, nhập thế đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã xin chủ trương của nhà nước để quy hoạch, xây dựng các cơ sở thờ tự Phật giáo tại những nơi có ý nghĩa đặc biệt như: dự án xây dựng đền – chùa Xã Tắc tại biên giới Việt – Trung (thành phố Móng Cái), dự án xây dựng chùa Trúc Lâm Cô Tô, chùa Trúc Lâm Đảo Trần (huyện Cô Tô), dự án xây dựng chùa Trúc Lâm Cao Bá Lanh biên giới Việt – Trung (huyện Bình Liêu), đây không chỉ là cơ sở thờ tự Phật giáo mà còn là cột mốc tâm linh biên giới, hải đảo, nhằm khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Phát huy di sản tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm chính là  phát huy tinh thần nhập thế, “Cư Trần Lạc Đạo”, “Hòa Quang Đồng Trần” ngay trong đời sống hiện đại để tinh thần Phật giáo hòa nhập với tinh thần dân tộc, để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong nhiệm kỳ 2017 – 2022,  Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nghị quyết chỉ đạo Tăng Ni, Phật tử hoạt động Phật sự sôi nổi, gắn liền đạo pháp và dân tộc. Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh làm tất cả mọi việc miễn rằng việc đó có lợi ích cho đất nước, dân tộc và đạo pháp. Phật giáo Quảng Ninh đã tích cực tham gia các phong trào xã hội như: tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền và các tổ chức xã hội, tham gia giải phóng mặt bằng góp phần phát triển kinh tế, tham gia lao động sản xuất, tham gia công tác từ thiện nhân đạo, tham gia các phong trào do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và địa phương phát động như: ủng hộ quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào bảo vệ môi trường, quỹ đền ơn đáp nghĩa, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, quỹ phòng chống Covid -19, quỹ Vaccine… Tổng kinh phí cho công tác từ thiện nhân đạo trong 05 năm qua ước đạt gần 200 tỷ đồng.

3. Kết luận.

Để có được kết quả trên là do sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, và sự tự thân vận động của Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh. Đặc biệt là sự điều hành của Ban Trị sự, Thường trực Ban Trị sự đã khách quan, minh bạch, chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống đã đặt mối quan hệ vững chắc, niềm tin sâu sắc với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Ninh, tạo môi trường sinh hoạt đạo – đời hài hòa: “Ở đời vui đạo, ở đạo lo cho đời”. Tạo một nhận thức mới, biết chia sẻ chăm sóc cho đời cũng là lo cho đạo, biết làm tốt việc đạo thì cũng là lo cho nước, cho dân, lo cho Đảng và chính quyền. Thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ghi nhận những thành tựu của Phật giáo Quảng Ninh trong gần 20 năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Trung ương GHPGVN đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Kỷ niệm chương, Bằng tuyên dương công đức, Bằng khen, Giấy khen… đây là món quà vô giá, động viên kịp thời để Phật giáo Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Kính bạch chư Tôn đức! Kính thưa quý vị Đại biểu!

Để làm tốt hơn nữa việc bảo tồn và phát huy di sản của Phật giáo Trúc Lâm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nhận thức rằng, mỗi Tăng Ni, Phật tử phải tích cực tu học với phương châm Đạo pháp và Dân tộc, đưa Phật giáo Quảng Ninh phát triển vững mạnh, hội nhập thời đại. Thời gian tới Phật giáo Quảng Ninh đặt trọng tâm vào những định hướng cơ bản như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo Tăng tài, tạo nguồn lực chất lượng cao để phục vụ Đạo pháp và Dân tộc; chú trọng hơn nữa việc hướng dẫn Phật tử và nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống Đạo pháp, Dân tộc và những tư tưởng nhân văn của Phật giáo, tạo nền tảng đạo đức vững chắc cho xã hội.

Hai là, tập trung tâm sức và trí tuệ, kêu gọi nguồn lực xây dựng khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và khu di tích danh thắng Yên Tử; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đẩy mạnh các hoạt động Hoằng pháp tại đây, tạo động lực phục hồi và phát triển tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội, làm tốt công tác trùng tu, xây dựng các cơ sở thờ tự Phật giáo trong toàn tỉnh.

Ba là, động viên Tăng Ni trẻ có căn bản tu học vững chắc xung phong ra vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo Hoằng pháp – Lợi sinh để giữ Dân, giữ Nước, giữ Đạo. Vì vậy, Phật giáo Quảng Ninh cần tập trung những nội dung cơ bản sau đây:

1) nêu cao truyền thống lục hòa cộng trụ, vô ngã vị tha coi GHPGVN tỉnh Quảng Ninh là ngôi nhà chung của toàn thể Tăng Ni và Phật tử; xây dựng các chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo mà còn là Trung tâm văn hóa, Trung tâm đoàn kết của toàn dân.

2) Bản thân Tăng Ni, Phật tử phải thực tâm tu học tạo niềm tin vững chắc cho Phật tử và xã hội tin tưởng.

3) Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh phải luôn gắn bó với Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, các địa phương, đoàn kết các tôn giáo bạn, các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng một xã hội thuần mỹ, chí thiện, văn minh và hạnh phúc.

Kính bạch chư Tôn Đức! Kính thưa Quý vị đại biểu!   

Nhân dịp Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022- 2027,  BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trân trọng tri ân sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo của Trung ương GHPGVN; Sự giúp đỡ nhiệt thành và sự ủng hộ chí tình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành các cấp; sự giúp đỡ, ủng hộ, trợ duyên của đông đảo Tăng Ni, Phật tử và nhân dân. Đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí của tập thể Ban Trị sự và toàn thể Tăng Ni, Phật tử tỉnh Quảng Ninh đã gia công xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN tỉnh Quảng Ninh được như ngày hôm nay.

Phật giáo Quảng Ninh đã khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng Giáo hội và Dân tộc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Với niềm tin ấy sẽ là động lực để chúng ta cùng nhau tinh tiến tu học và trưởng thành, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhà nước, Giáo hội và xã hội.

Kính chúc Chư Tôn Đức vô lượng công đức, vạn sự  cát tường. Kính chúc Quý Đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng. Chúc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX thành công viên mãn.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...