Phật giáo Thái Nguyên với những phương thức xây dựng Giáo hội ngày càng vững mạnh

Xuất bản

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên

 Thái Nguyên là một vùng đất có lịch sử lâu đời, xuất phát từ vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, khí hậu, giao thông và văn hóa xã hội… Thái Nguyên không chỉ là một trung tâm chính trị, kinh tế của khu vực Việt Bắc, của vùng Trung du miền núi Đông bắc Việt Nam mà còn là trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, kỹ thuật và văn hóa xã hội của các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ.

 Với một chặng đường dài trải qua nhiều bước thăng trầm trong vận mệnh lịch sử của Phật giáo và Dân tộc, đất nước chúng ta đã có một chiến thắng vẻ vang mùa xuân năm 1975, đánh đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi,  từ đó đưa lịch sử nước ta bước sang trang mới, thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất. Vào ngày 07/11/1981, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Từ đây, Phật giáo Việt Nam có cơ duyên để thể hiện truyền thống Phật giáo yêu nước gắn bó cùng với Dân tộc. Đến nay, qua hơn 40 năm, GHPGVN nói chung và gần 5 nhiệm kỳ của GHPGVN tỉnh Thái Nguyên nói riêng, với phương châm nhất quán của Giáo hội: “ Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Tăng Ni, Phật tử đã phát huy truyền thống tốt đẹp, với nhiều hoạt động “lợi đạo – ích đời”. Để rồi từng bước đi vào ổn định, phát triển, thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua mỗi nhiệm kỳ, tùy từng giai đoạn, từng hoàn cảnh cụ thể, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tianhr Thái Nguyên đã “khế lý, khế thời…” để đưa ra những phương châm hoạt động cụ thể nhằm thích ứng và phát triển đạo pháp. Trong đó phải kể đến những phương thức nhất quán sau đây:

1. Thu hút đội ngũ Tăng Ni trẻ có tài, có đức, có hạnh nguyện phụng sự.

Những năm đầu tiên sau khi Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên được thành lập, bên cạnh những thuận lợi có được thì tồn tại rất nhiều những khó khăn thách thức, bởi nhiều nguyên nhân khách quan cũng như yếu tố chủ quan. Trong đó phải kể đến đó chính là một tổ chức Giáo hội còn non trẻ với số lượng Tăng Ni hết sức khiêm tốn (chưa được 10 vị). Nhưng với tầm nhìn định hướng, những Tăng Ni đầy đủ phẩm hạnh của người con Phật “Hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự” thì Giáo hội Phật giáo Thái Nguyên luôn quan tâm, tạo mọi cơ duyên tốt nhất cho Tăng Ni tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên trên tinh thần hòa hợp để cùng nhau tu tập và hành đạo. Bởi lẽ, Tăng Ni là đội ngũ kế thừa và duy trì mạng mạch của Phật pháp, và cũng chính là nhân tố quan trọng nhất để hoằng truyền chính pháp.

Trên nền tảng là những Tăng Ni có tài có đức, thì hạnh nguyện dấn thân hành đạo là điều kiện quan trọng không thể thiếu để người con Phật hoàn thành sứ mệnh của mình: “Tự Giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn”. Hạnh nguyện dấn thân là một phần của đời sống giác ngộ, giải thoát. Là nhân tố tốt đẹp xuất phát từ hạnh nguyện từ bi, trí tuệ của người con Phật. Hạnh nguyện dấn thân sẽ làm cho Đạo và đời được kết nối, mang đạo vào đời để xóa tan khổ đau tham ái do bóng tối vô minh che lấp. Làm cho cuộc đời nở thêm những bông hoa yêu thương để rồi xóa dần những ngăn cách giữa con người với con người, giữa con người và vạn vật trong vũ trụ.

Với tầm nhìn định hướng thấy được vai trò quan trọng của Tăng Ni cộng với sự cởi mở trong việc tiếp nhận người tài mà trong gần 5 nhiệm kỳ vừa qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên đã bổ nhiệm cho 50 Tăng Ni về trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh và hơn 30 Tăng Ni đang gieo duyên, hành đạo tại các chùa.

2. Đẩy mạnh và mở rộng hoằng dương Chính pháp.

“Hoằng truyền chính pháp, lợi lạc quần sinh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Đây là trách nhiệm và bổn phận chung của mỗi sứ giả Như Lai để báo ơn Phật trong muôn một. Đức Phật đã từng dạy: “Các con hãy vì lòng từ bi rộng lớn đi gieo rắc hạnh phúc cho đời. Đừng đi trùng nhau trên một ngã đường. Các con hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu. Hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo trong phần khai triển, và toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự…” (Kinh Tạp A Hàm, câu 420).

Trên tinh thần và ý nghĩa đó, Tăng Ni trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng việc truyền thừa mạng mạch của Phật pháp. Đẩy mạnh công tác giảng dạy giáo lý truyền bá chính pháp trong các ngày Đại lễ, ngày Mùng một, ngày Rằm nhân lúc quý Phật tử về chùa tụng kinh lễ sám. Các ngày lễ lớn như Tết cổ truyền, Phật Đản, Vu lan… Ban trị sự chỉ đạo đến Ban hoằng pháp, ban hướng dẫn nam nữ Phật tử phối kết hợp cùng nhau, phân công về từng chùa, từng đạo tràng để tổ chức lễ hội cũng như thuyết giảng giáo lý.

  Đặc biệt trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, GHPGVN đã kịp thời chỉ đạo đến các chùa, các tự viện trên toàn tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Công văn chỉ đạo của Hội đồng Trị sự về việc tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, các sinh hoạt Tôn giáo tập trung đông người. Do vậy, công tác Hoằng pháp trong thời gian đó chuyển sang hình thức sinh hoạt, chia sẻ Phật pháp trực tuyến Online qua các phương tiện truyền thông như Facebook, Youtube, Zalo, mạng xã hội Phật giáo Butta, trang Phật sự Online…

Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử phối kết hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước có các buổi nói chuyện về Luật tín ngưỡng tôn giáo, Hiến chương Giáo hội… hướng dẫn tín đồ Phật tử không theo các đạo lạ, không nghe theo sự tuyên truyền kích động biểu tình làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự xã hội.

  Các chùa trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tổ chức các khóa tu mùa hè, khóa tu tuổi trẻ, khóa tu một ngày an lạc, đã thu hút hàng nghìn thanh thiếu niên Phật tử tham gia. Như tại chùa Phù Liễn, Chùa Huống, Chùa Từ Quang, Chùa Hang, chùa Thuần Lương Thành phố Thái Nguyên; Chùa Bình Định, chùa Thượng Lãm  huyện Đại Từ; Chùa Hộ Lệnh huyện Phú Bình, Chùa Thượng, chùa Cải Đan Thành phố Sông Công. Thông qua các Khóa tu tập này, các chùa đã làm lễ Quy y Tam bảo cho hàng ngàn khóa sinh tuổi trẻ. Các khóa tu là sân chơi lành mạnh, bổ ích và giáo dục đạo đức, nếp sống lành mạnh, lòng tri ân báo ân cho thanh thiếu niên Phật tử.

3. Đẩy mạnh công tác Từ thiện, An sinh xã hội.

Từ thiện xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là sự nghiệp chăm lo đời sống an sinh xã hội đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo đến Tăng Ni, Phật tử thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và được xem như một nội dung tu tập, thực hành giáo lý từ bi của đức Phật.

Phát huy tinh thần “từ bi cứu khổ” của đạo Phật và truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của Dân tộc. Hàng năm, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Thái Nguyên luôn chung sức chung lòng nỗ lực hoàn thành các mặt công tác từ thiện phúc lợi xã hội như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng, trao tặng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, xây trường học, xây nhà vệ sinh tặng cho các trường học, tặng xe đạp, xe lăn, làm đường nông thôn. Chương trình đem lại ánh sáng cho người bị đục thủy tinh thể, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ phẩu thuật tim, phẩu thuật mắt, ủng hộ gia đình chính sách, chiến sĩ biên phòng, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, bếp ăn từ thiện…

Đặc biệt Tăng Ni, tín đồ, Phật tử trong tỉnh đã đóng góp, giúp đỡ về tài chính, vật phẩm rất nhiều trong đợt Đại dịch Covid-19 vừa qua. Chư Tăng Ni, Phật tử phát tâm tổ chức các bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo, tham gia các chương trình hỗ trợ khu dân cư bị phong tỏa, nơi thu dung bệnh nhân, nơi các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ chống dịch. Ngoài ra, GHPGVN cũng công cử Tăng Ni làm tình nguyện viên đến tuyến đầu để cùng chống dịch…

Những thành quả trong công tác từ thiện phúc lợi an sinh xã hội của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên được đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử ủng hộ, được Trung ương Giáo hội cũng như các cấp lãnh đạo chính quyền đánh giá rất cao. Qua đó, góp phần đưa hình ảnh Phật giáo đi vào lòng quần chúng một cách thân thiện với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Trên đây là ba nhân tố quan trọng nhất đưa GHPGVN tỉnh Thái Nguyên đi vào ổn định và phát triển. Để Giáo hội Phật giáo ngày một ổn định và phát triển hơn nữa chúng ta cần duy trì và phát huy hơn nữa những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đã thành tựu được, đặc biệt là kế thừa và phát huy hơn nữa những truyền thống quý báu của các bậc tiền nhân trong công cuộc phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Xuất phát từ lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, phục vụ chúng sinh theo phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”,  mỗi Tăng Ni, Phật tử chúng ta luôn luôn nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình và truyền thống đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cùng hướng tới tương lai./.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...