Phật giáo trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum hiện nay

Xuất bản

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Chư Tôn đức!

Kính thưa Quý vị Đại biểu!

Kính thưa Đại hội!

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Trước đây, tỉnh Kon Tum được hình thành từ một làng nhỏ của người Bana cạnh dòng sông Đăkbla. Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Kon Tum ngày nay đã trở thành một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên với khí phách hào hùng. Với diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, dân số toàn tỉnh trên 526.000 người, Kon Tum là một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ nhau, trong đó 7 dân tộc tại chỗ gồm có BaNa, Xơ Đăng, Gia rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, HRê…., đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 53% dân số toàn tỉnh, trong đó, tham gia sinh hoạt các tôn giáo chiếm hơn 40%.

Hiện nay, tại Kon Tum có 05 tôn giáo đó là Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành và Phật giáo Hòa Hảo với tổng số 218.674 tín đồ (trong đó có 160.626 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số), có 247 chức sắc, 221 nhà tu hành và 140 cơ sở tôn giáo hợp pháp. Riêng đối với đạo Phật, đây cũng được xem là một tôn giáo đến Kon Tum từ sớm, vào những năm 30 của thế kỷ XX và người đầu tiên là Hòa thượng Tăng Cang Lê Tế, pháp hiệu Từ Vân, được coi là vị tổ sư đầu tiên. Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, đến nay Phật giáo đã lớn mạnh với trên 30.000 tín đồ Phật giáo, trong đó có gần 4.000 tín đồ người dân tộc thiểu số, có 33 cơ sở thờ tự, trong đó có 27 chùa và 6 tịnh xá; có 90 chức sắc, nhà tu hành Phật giáo, trong đó có 60 Tăng, 30 Ni. Về tông phái, Phật giáo tại Kon Tum hiện có 03 tông phái là hệ phái Liễu Quán, Cổ Truyền và Khất Sĩ.

Kính thưa Đại hội!

Từ Năm 2007, thực hiện chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ III (2007 – 2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum đã mở rộng các hoạt động truyền đạo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát triển nhanh Phật giáo vào vùng đồng bào ân tộc thiểu số, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum đã đưa giáo lý Phật giáo lồng ghép vào các hoạt động hoạt động từ thiện xã hội, chủ yếu là tổ chức các buổi thuyết giáo và cấp phát lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tiền… Với sự trợ giúp của các thành phần có uy tín trong cộng đồng dân cư như già làng, trưởng bản. Với sự nhiệt thành và kiên trì, công tác phát triển Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã có những thành quả đáng khích lệ.

Năm 2007, tại chùa Hồng Từ (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum đã tổ chức Lễ Quy y đầu tiên cho gần 400 đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ya Chim, thành phố Kon Tum. Đây là tín hiệu tốt cho công cuộc truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số của Phật giáo tỉnh Kon Tum. Tiếp sau đó, đến năm 2009, tại chùa Bác Ái (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ Quy y cho hơn 3.000 đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ya Chim (thuộc thành phố Kon Tum) và xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy). Sự kiện này được xem là bước đột phá lớn, không chỉ riêng đối với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc hoằng dương chính pháp tới đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum nói riêng, ở khu vực Tây Nguyên nói chung. Có thể thấy, từ khi Phật giáo vào trong vùng dân tộc thiểu số đã làm cho đời sống của cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn, họ đã biết đem những gì học được từ kinh Phật ứng dụng vào cuộc sống của họ, nhất là trong việc hướng thiện hay ăn chay, quan tâm đến cộng đồng và môi sinh…

Mặc dù Phật giáo tỉnh Kon Tum đã có bước đột phá trong việc phát triển đạo tại vùng dân tộc thiểu số, tuy nhiên trình độ văn hóa và nhận thức của Phật tử nơi đây còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí thấp, chưa hiểu được nhiều về giáo lý cao siêu của Phật giáo, đó cũng chính là những khó khăn mà Phật giáo tỉnh Kon Tum gặp phải. Để tiếp tục duy trì, củng số sinh hoạt đạo cho tín đồ dân tộc thiểu số, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum đã tăng cường cử chức sắc đến địa bàn có Phật tử dân tộc thiểu số để giảng đạo vào các ngày lễ, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức các khóa tu học và hướng dẫn giáo lý cho tín đồ dân tộc thiểu số vào các ngày mùng 01 hàng tháng tại chùa Thanh Trung. Ngoài ra, Ban Trị sự chú trọng việc xin xây dựng cơ sở thờ tự tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc tuyển chọn một số tín đồ dân tộc thiểu số xuất gia, đào tạo để giúp các Phật tử dân tộc thiểu số hiểu thấu giáo lý Phật giáo. Song song với việc củng cố niềm tin của Phật tử dân tộc thiểu số, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum còn tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động vào các địa bàn khác vùng dân tộc thiểu số, từ đó tìm cách truyền đạo phù hợp hoặc phân công các ban ngành như Tiểu ban Hoằng pháp, Phân ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Từ thiện xã hội, Ban Giáo dục Tăng Ni có trách nhiệm tích cực phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo để thu hút người vào đạo.

Tính cho đến nay, Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh khoảng 4000 người và tập trung chủ yếu ở xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy và xã Ya Chim, Thành phố Kon Tum.

Kính thưa chư tôn đức và quý vị đại biểu!

Khi đến với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Phật giáo đã có những ảnh hưởng, đóng góp tích cực để thay đổi nếp nghĩ, nếp sống của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể như: 

1) Đạo Phật truyền vào vùng đồng bào dân tộc đã góp phần bài trừ một số hủ tục, lạc hậu, mê tín. Tại các vùng đồng bào ân tộc thiểu số có đạo Phật, bà con tín đồ còn biết lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp như: vẫn ăn mặc theo phong tục tập quán; sử dụng cồng, chiêng, múa xoang trong các nghi lễ tôn giáo; sử dụng kinh sách bằng tiếng dân tộc thiểu số.

2)  Khi đạo Phật phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tại những nơi này bà con đã xóa bỏ được một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Những giáo lý, giáo luật của tôn giáo đã có những tác động đối với nhận thức, hành vi của người đồng bào dân tộc thiểu số như biết sống tốt, sống có ích, vì mọi người, làm việc thiện, tin vào luật nhân quả, công bằng.

3) Các chức sắc Phật giáo đã tích cực hướng dẫn tín đồ trong cách lao động, biết lựa chọn con giống, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên để đem lại năng xuất cao, không đốt nương, làm rẫy, du canh du cư…. qua đó góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

4)  Từ chỗ xã hội khép kín trong nội bộ từng làng, thì nay mối quan hệ giữa các làng được mở rộng ra bên ngoài. Khi đến các chùa, tịnh xá, ngoài việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo, tín đồ còn được tiếp nhận những kiến thức về xã hội, khoa học do các chức sắc Phật giáo truyền giảng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, mở rộng hiểu biết.

Đơn cử như việc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum thành lập đoàn cồng chiêng của người dân tộc thiểu số để đưa đi biểu diễn vào các dịp đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức (Đại lễ Vesak năm 2008 tại thành phố Hà Nội) hoặc tại các lễ lớn do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Phật giáo các tỉnh, thành tổ chức (Đại lễ tưởng niệm 700 ngày mất của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2008, tại tỉnh Quảng Ninh) đã góp phần giúp cho Phật tử người dân tộc thiểu số có cơ hội mở mang tri thức, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng cường học hỏi, hiểu biết lẫn nhau, đồng thời có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa ra bên ngoài và nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. 

5) Trong xã hội cổ truyền, những chuẩn mực đạo đức, giá trị đạo đức được đề cao và bảo vệ. Mỗi thành viên trong cộng đồng đều có ý thức tự giác chấp hành, ai vi phạm bị xử phạt nghiêm. Do vậy, các cộng đồng dân tộc thiểu số giữ được sự ổn định, kỷ cương. Khi đạo Phật truyền vào vùng dân tộc thiểu số, Phật giáo đã góp phần củng cố thêm những chuẩn mực đạo đức đã có bằng các điều răn, giới luật, quan niệm về luật nhân quả, từ bi, hỉ xả… Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo còn củng cố niềm tin vào những giá trị siêu nhiên thông qua việc thờ cúng. Do đó, ở các làng có đạo, hiện tượng trộm cắp, đánh nhau, say rượu, ly hôn,… ít xảy ra hơn so với làng không có tôn giáo.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phát triển Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp một số khó khăn như: Giáo lý của đạo Phật chủ yếu sử dụng bằng tiếng Phạn, khó đọc, khó nhớ, khó tiếp thu… trong khi đó trình độ văn hóa của người dân còn thấp nên không hiểu nhiều về kinh Phật; quy định của nhà Phật phải ăn chay nên khó khăn cho tín đồ dân tộc thiểu số trong việc sinh hoạt…

Kính thưa đại hội!

Có thể thấy rằng, trong quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tại Kon Tum nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã để lại nhiều thành quả đáng ghi nhận. Phật giáo đã luôn phát huy, thực hiện tốt phương châm “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” thể hiện qua những hoạt động hướng đến xã hội như  hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình khó khăn, người già neo đơn, nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào dân tộc thiểu số, hay tặng quà, sách, vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số…,  góp phần nhỏ bé cho công cuộc xây dựng đất nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng. Tuy nhiên, để Phật giáo Kon Tum tiếp tục phát triển, và để Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển bền vững, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1) Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục mở rộng hoằng pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung củng cố đức tin của tín đồ, tuyển chọn, bồi dưỡng tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ để bổ sung vào đội ngũ truyền đạo; lựa chọn những người có khả năng hơn đưa đi học ở các trường Phật học để có điều kiện phục vụ Giáo hội sau này.

2) Tăng cường công tác giáo dục, vận động chức sắc Phật giáo chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội và các phong trào của địa phương; thực hiện đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc, hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật.

Đồng thời tuyên truyền, vận động Phật tử thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; sống “tốt đời, đẹp đạo” và thực hiện đoàn kết lương – giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

3) Tiếp tục đề nghị chính quyền xem xét, giải quyết cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum xây dựng cơ sở thờ tự tại các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông Phật tử là người dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào có đạo. 

4) Chú trọng đến công tác bồi dưỡng tăng, ni để trở thành lực lượng nòng cốt trong Giáo hội, để chức sắc Phật giáo Kon Tum ngày càng có năng lực, trình độ, đáp ứng công cuộc hoằng dương chính pháp thời kỳ mới.

Kính thưa Đại hội!

Vì thời gian có hạn, bài tham luận chưa thể lột tả hết được quá trình hình thành phát triển của Phật giáo Kon Tum. Song thiết nghĩ với sự lãnh chỉ đạo của trung ương Giáo hội, Phật giáo Kon Tum nói chung, Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực để góp phần phát triển đất nước và địa phương phồn vinh và thịnh vượng. Một lần nữa trong không khí hân hoan của Đại hội, xin kính chúc quý Hòa thượng, Thượng Tọa, chư tôn đức Tăng Ni, quý vị quan khách lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công viên mãn.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...