Phật giáo với môi trường sinh thái

Xuất bản

Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng.

Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni!

Kính thưa quý Thiện hữu tri thức!

Kính thưa Đại Hội!

Đức Phật là bậc Đại Đạo Sư trên thế gian này trải qua 25 thế kỷ, Ngài ra đời vì sự an vui hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì sự an vui hạnh phúc cho Chư thiên và loài người. Ngài không những quan tâm đến con người mà còn quan tâm đến môi trường sinh thái tự nhiên. Lời dạy của Ngài qua kinh Di Giáo: “không chặt cây phá rừng, không khai phá đất đai tự nhiên…”. Nhìn lại lịch sử cuộc đời của đức Phật: Ngài sinh ra dưới cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni, thành đạo dưới cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới cây Sala tại xứ Câu Thi Na, đó là sơ lược vài nét về cuộc đời của đức Phật sống gần gũi với thiên nhiên, thân cận núi rừng, xa lánh chốn phồn hoa đô hội.

1. Quan điểm và thái độ sống bảo vệ môi trường của Phật giáo.

1.1. Nguyên Nhân.

Hiện nay, trên thế giới có hơn 7,6 tỷ người hiện diện trên trái đất này, những thành tựu của khoa học và kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất và đời sống ngày càng văn minh tiến bộ hơn. Thế nhưng ngược lại, tham vọng của con người lợi dụng sự thuận lợi ưu điểm vô tội vạ đã trở thành vấn nạn ô nhiễm môi trường, đe dọa đến mạng sống con người trên trái đất này.

Khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, các nhà máy liên tiếp mọc lên theo tiến trình hiện đại hóa của thế giới, rác hóa chất, nhựa ni lông mỗi năm thải ra hàng ngàn tấn, nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

1.2. Hậu quả.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường làm cho trái đất ngày càng nóng lên, gây nên hiệu ứng nhà kính tầng ozon bị đe dọa nghiêm trọng, trái đất nóng lên làm cho băng ở hai cực tan chảy, nước biển dâng cao xâm lấn đất liền, lũ lụt, động đất, cháy rừng, dịch bệnh… Làm cho con người đối mặt với vấn nạn thiếu lương thực, thiếu nước sạch, nhiều loài động vật bị hủy hoại, mạng sống con người trên thế giới trở thành vấn đề cấp bách. Môi trường sống không những đơn thuần cho một cá nhân nào một quốc gia nào. Con người gây ra như thế phải chịu sự ảnh hưởng chung, nên phải có trách nhiệm chung. Nền kinh tế của mỗi quốc gia phát triển khác nhau vì thế gây ra ô nhiễm môi trường sinh thái không đồng nhau, cần triệt để xử lý những chất thải ra môi trường, ngăn ngừa sự ô nhiễm hệ sinh thái phá hủy nghiêm trọng môi trường.

2. Phương pháp giải quyết.

Để phát triển bền vững trong sạch môi trường, mọi người trong làng xóm, thôn ấp và mỗi quốc gia phải ý thức trách nhiệm chung phải giữ gìn bầu không khí trong sạch. Trồng cây gây rừng, vì rừng cây là lá phổi trong sạch của con người, không khai thác vô tội vạ quá mức, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên môi trường. Phóng sinh tăng trưởng lòng từ bi bất sát, phát triển nguồn sinh thái tự nhiên, thực hiện triệt để sản xuất sạch, không vì lợi nhuận trước mắt mà sản xuất tác hại đến môi trường, phát triển sản xuất để đổi mới xử lý môi trường. Vận động toàn dân và đồng bào tín đồ Phật tử tích cực tham gia bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp. Đó là cách nhìn chung của chúng ta, của mỗi người sống trên hành tinh trên trái đất này, cho tương lai cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Lý tưởng thánh thiện và mục đích tối thượng của đạo Phật không ngoài ban vui cứu khổ, nguyên nhân của khổ đau và con đường đi đến tận diệt khổ đau qua bài kinh Chuyển Pháp Luân, Tứ Thánh Đế, cho con người là chủ nhân giải quyết, điều chỉnh hành vi của nghiệp, qua việc làm lời nói, đối với tha nhân và môi trường xã hội. Văn, tư, tu là thiết thực hành trì. Do đó Đức Phật đã chuyển tải giáo lý của Ngài đầy chất liệu từ bi và trí tuệ, chuyển hóa khổ đau, xoá bỏ hận thù ganh ghét do ba độc tham, sân, si làm cho con người tàn sát lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau và hủy hoại môi trường sống.

Con đường Tứ Thánh Đế, Bát Chính đạo là con đường tu tập đẹp hiệu quả có công năng thiết thực toàn diện, tư duy hành đạo, bảo vệ môi trường giải quyết vấn nạn môi trường sinh thái toàn cầu hiện nay. Con đường Bát Chính đạo:

– Chính tri kiến: thấy chân chính, tầm nhìn, nhận thức, trí tuệ đúng đắn với đời sống sinh hoạt của nhân loại, tầm quan trọng của môi trường sống.

– Chính tư duy: suy nghĩ đúng đắn, nhận thức hiệu quả việc làm hiền lành, đem đến kết quả các pháp lạc.

– Chính ngữ: là lời nói chân chánh, tạo được nhiều niềm tin và ái ngữ, từ lời nói chân thật có công năng chuyển hóa, cùng sự phát động kêu gọi mọi người tích cực bảo vệ môi trường.

– Chính nghiệp: là nghề nghiệp chính đáng, việc làm lợi mình lợi người, cho tha nhân đem lại bình an hạnh phúc cho nhận quần xã hội lợi ích cho môi trường.

– Chính mạng: là đời sống chân chính, không làm tổn thương nhân mạng, thương người, thương vật, sống đúng chính mạng không gây đau khổ cho mọi người, hành động và việc làm không hủy hoại cho người và thiên nhiên môi trường.

– Chính tinh tấn: là nỗ lực hành động siêng năng tinh cần, chú tâm tỉnh giác, loại trừ các tư tưởng hành động sai trái, động viên bà con lối xóm, thôn ấp, đường làng sạch sẽ, bông hoa tươi tốt.

– Chính niệm: thái độ sống của người con Phật xem thiên nhiên là nguồn sống bất tận là trong tiến trình nuôi dưỡng thân và tâm, cuối cùng là hướng tâm giải thoát, nên cần phải niệm ân, sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng sự sống của cây cỏ và loài vật. Trong ba tháng mùa mưa, Đức Phật đã chế ra việc An cư kết hạ, nhằm khuyên dạy hàng Tỳ kheo không nên đi ra ngoài vì sự dẫm đạp lên cây cỏ, côn trùng đang sinh sôi nảy nở trên đất, cũng là biện pháp cụ thể thiết thực không chỉ dựa trên văn bản bảo vệ môi trường, môi sinh, sự thành tựu của khoa học mà trên hết là thực hành nếp sống yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, cùng bảo vệ hành tinh quý giá này.

– Chính định: khởi nguồn từ tâm bình tĩnh, sáng suốt đưa đến việc làm đầy đủ cho thiện pháp, loại trừ tâm bất thiện trên tinh thần nhân quả là định luật tất yếu của đạo Phật, nhân và quả đều do con người tạo ra và nhận lấy, môi trường tốt hay xấu cũng do đa phần con người gây nên, do việc làm vô ý thức của con người mà làm tác hại đến môi trường sinh thái. Ứng dụng thực tiễn tu học thực tập đầy đủ con đường Bát Chánh Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm. Tự nguyện sống hòa mình vào thiên nhiên, trên hết là bảo vệ môi sinh cũng chính là bảo vệ sự sống cho nhân loại .

Phật giáo Lâm Đồng luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại môi trường xanh, sạch, đẹp… khí hậu điều hòa mát mẻ, góp phần làm giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán… góp phần bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn sống nguồn hạnh phúc của nhân loại trên hành tinh này. Thành kính đảnh lễ chư Tôn Thiền Đức. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp. 

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...