Phật giáo vùng sâu, vùng xa thực trạng và giải pháp

Xuất bản

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang

1. Mở đầu

Phật giáo là một tôn giáo có lịch sử phát triển lâu đời và nằm sâu trong tâm thức, phổ biến trong đời sống văn hoá, tinh thần người Việt Nam. Với giáo lý thâm sâu, vi diệu lấy con người làm trung tâm, vì con người hướng đến sự tu tập để thoát khổ và diệt khổ, lấy từ, bi, hỷ, xả làm căn bản, lấy trí tuệ minh triết làm phương pháp tư duy, lấy nhập thế để gắn đạo với đời. Phật giáo vừa bác học, vừa bình dân, rất gần gũi, là tôn giáo của khoa học, thích ứng với nhiều nền văn hoá, đặc biệt đối với đất nước ta, vốn là một quốc gia có một nền văn hoá dân tộc đậm đà bản sắc, trên cơ sở thống nhất các nền văn hoá của 54 dân tộc anh em. Phật giáo đến với các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là cả một hành trình lịch sử với biết bao cố gắng của các bậc Thầy Tổ tiền bối dẫn dắt cùng Chư tôn đức đương đại đang ngày đêm xiển dương chính pháp đến đông đảo đồng bào. Phật giáo vùng sâu, vùng xa đã xuất hiện từ lâu đời, tuy nhiên chưa mấy phát triển do những yếu tố lịch sử và văn hoá, cùng với những khó khăn trong việc truyền bá và phát triển, những rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

2. Thực trạng Phật giáo vùng sâu, vùng xa

Hiện nay, Phật giáo tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa luôn là nhiệm vụ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các kỳ đại hội quan tâm và đề xuất những chủ trương, giải pháp, đẩy mạnh công tác truyền giáo tại những vị trí tuyến đầu này. Vùng sâu, vùng xa ở đây có thể hiểu được là những tỉnh thành thuộc địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số, những địa bàn vùng biên giới, vùng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và địa hình đồi núi, giao thông không thuận tiện, khó khăn để tiếp cận với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục… Hay những vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 114/2017/NĐ- CP quy định về đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa và Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, thì vùng sâu, vùng xa được hiểu là: vùng dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi hoặc vùng ngập nước, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển. Vùng sâu, vùng xa là nơi cách xa hệ thống giao thông quốc gia, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển, đất nông nghiệp thiếu, dân cư thưa thớt, điều kiện sống và trình độ dân trí của người dân trong khu vực còn thấp. Với những điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất như vậy, thực trạng Phật giáo tại vùng sâu, vùng xa còn có nhiều khó khăn để phát triển, bởi số lượng chùa cũ dù rất ít nhưng cũng bị xuống cấp trầm trọng do điều kiện thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt lại không có người cai quản, giữ gìn, nhất là nhiều chùa đã bị hư hỏng và chỉ còn lại những phế tích trong lịch sử và hiện tại. Tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, địa phương có địa bàn vùng sâu, vùng xa phần lớn mới được thành lập trong khoảng thời gian gần đây, đều non trẻ, thiếu nhân sự và chưa dày dặn kinh nghiệm trong các hoạt động Phật sự, trung bình những tỉnh có địa bàn vùng sâu, vùng xa, Ban Trị sự có thời gian hoạt động chỉ trên dưới chục năm, do đó vừa thiếu về nguồn nhân lực, thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cơ sở vật chất và phương pháp hoạt động Phật sự để được hiệu quả.

Hơn nữa, tại vùng sâu, vùng xa những khó khăn về kinh tế, tài chính cũng như các điều kiện sống, cơ sở vật chất và giao thông trắc trở tạo ra tâm lý “ngại khó, ngại khổ”, chính vì vậy, việc thu hút nhân sự có đủ Tâm, Tài và Đức cống hiến, phục vụ cho phát triển của Giáo hội tại đây cũng luôn là bài toán chưa có lời giải đáp, những vấn đề một số tỉnh thành vùng sâu, vùng xa bất ổn về chính trị, xã hội, các tranh chấp dân sự về đất đai gia tăng, các thiết chế tôn giáo do đồng bào dân tộc thiểu số tự đặt ra… tác động không nhỏ tới việc tổ chức, nhân sự và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên địa bàn vùng sâu, vùng xa. Sự bất đồng trong ngôn ngữ, phong tục khác biệt, nên việc Tăng Ni hòa nhập với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa cũng rất khó khăn. Hơn nữa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có đãi ngộ cụ thể để khuyến khích Tăng Ni lên phục vụ tại vùng sâu, vùng xa. Những điều kiện kinh tế địa phương hạn hẹp, các nguồn lực công đức hầu như không có,… đã tác động mạnh mẽ đến việc trùng tu và tân tạo cơ sở thờ tự Phật giáo tại đây. Ngoài ra, do địa hình hiểm trở, việc đi lại không thuận lợi, nền kinh phí trùng tu và tôn tạo chùa ở vùng sâu, vùng xa thường cao gấp nhiều lần so với miền xuôi do bị đội giá về vận chuyển và nhân lực xây dựng. Các phương tiện phục vụ công tác hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn. Nhiều nơi gần như không có phương tiện truyền thông, thông tin qua truyền hình và Internet thường bị ngắt quãng do chia cắt địa hình, vùng lõm sóng, vùng không có trạm tiếp sóng…. Ở những nơi vùng sâu, xa trung tâm chưa có chùa nên sinh hoạt của phật tử còn gặp nhiều khó khăn: Không có nơi sinh hoạt, sự hiểu biết về Phật pháp còn hạn chế. một số nơi, chính quyền địa phương còn quản lý chùa, chưa giao lại cho Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý (theo ngành dọc) nên từ nhiều năm nay chùa cảnh không được xây dựng, xuống cấp (rất khác xa so với các chùa có sư trụ trì), Phật tử sinh hoạt tự phát, không có bậc thầy hướng đạo, không được nghe giảng pháp nên sinh hoạt của Phật tử không đi vào nề nếp.

Mặc dù, Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các kỳ đại hội và trên tinh thần hoằng dương chính pháp đều có những chủ trương rất cụ thể, ưu tiên phát triển Phật giáo vùng sâu, vùng xa như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau khi được thành lập năm 1981 đã sớm xác định trách nhiệm trong việc hoằng pháp đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

Chương trình hoạt động Phật sự Nhiệm kỳ IV (1997 – 2002) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chú ý đến việc lập kế hoạch phân bố giảng sư đến các vùng sâu, vùng xa để thuyết giảng giáo lý và hướng dẫn việc tu học cho các Phật tử địa phương. Giáo hội đã thành lập Đoàn Giảng sư thuộc Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh thành; tổ chức nhiều đợt đi thăm và giảng pháp tại các vùng sâu, vùng xa.

Chương trình hoạt động Phật sự Nhiệm kỳ V (2002 – 2007), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục lưu tâm “phát triển văn hóa Phật giáo ở các vùng sâu, vùng xa, nỗ lực xây dựng các Niệm Phật Đường, các lớp xóa mù chữ và nâng cao các phòng đọc sách báo, ấn hành các tài liệu giáo lý, kinh tụng bằng tiếng dân tộc, cũng như các trung tâm phát thuốc, phát tặng phẩm cho đồng bào nghèo, khó khăn”. Tuy nhiên, kết quả công tác hoằng pháp đối với vùng sâu, vùng xa ở Nhiệm kỳ V cũng mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo nhân sự cho ngành này. Cụ thể, Giáo hội đã tổ chức được ba khóa đào tạo Cao cấp và Trung cấp giảng sư, với thời gian học ba năm, cho 150 Tăng Ni.

Chương trình hoạt động Phật sự Nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn chú ý “phát triển văn hóa Phật giáo đến các vùng sâu, vùng xa, thành lập các lớp xóa mù chữ và nâng cao các phòng đọc sách bảo, ấn hành các tài liệu giáo lý, kinh tụng bằng tiếng dân tộc. Nỗ lực xây dựng mô hình tự viện tại những vùng kinh tế mới, tái định cư, xây dựng mô hình tự viện văn minh tiên tiến phù hợp với truyền thống văn hóa Phật giáo và xu hướng phát triển của thời đại”. Nhưng cho đến nay, việc hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa nói chung, địa bàn miền núi phía Bắc nói riêng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2012 – 2017) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục xác định phát triển Phật giáo vùng sâu, vùng xa là nhiệm vụ trọng điểm và trung tâm.

Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022): “Tiếp tục xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh ở tất cả các địa phương. Nâng cao hiệu quả điều hành, năng lực hoạt động phật sự của các Ban Trị sự tỉnh, thành phố. Chú trọng việc thành lập các Ban Trị sự cấp huyện ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh có vùng miền núi, hải đảo”; “Tổ chức hội thảo, nghiên cứu thực tế, điền dã nhằm tìm ra hướng đi phù hợp, hiệu quả trong việc truyền bá đạo Phật trong đồng bào phật tử các dân tộc miền núi”….

Qua những thực trạng vừa nêu trên của Phật giáo vùng sâu, vùng xa, thiết nghĩ, để Phật giáo có thể đóng góp và phát triển mạnh, phát huy hiệu quả “hộ quốc an dân” nhiều hơn nữa tại cả tỉnh này, cần có những giải pháp cụ thể và cấp thiết.

3. Giải pháp phát triển Phật giáo vùng sâu, vùng xa

Với những thực trạng và thử thách vô cùng khó khăn, gian khổ đang đặt ra cho Phật giáo vùng sâu, vùng xa, thiết nghĩ cần có sự thống nhất, thay đổi từ trong thực tiễn lẫn nhận thức, các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều hơn nữa, để Phật giáo nơi đây phát huy được tính năng động, tích cực và tiềm năng bền vững trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam nói chung và tại các tỉnh thành vùng sâu vùng xa ở các địa phương cụ thể nói riêng.

3.1. Thứ nhất, cần có định hướng, phương pháp và kế hoạch từ phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Để tăng cường, phát triển và hoằng dương chính Pháp tại vùng sâu, vùng xa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những chủ trương, định hướng, bản kế hoạch và chương trình hành động Phật sự cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hoá, tín ngưỡng, phong tục, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Những yêu cầu của bản kế hoạch và chương trình hành động Phật sự của Phật giáo tại vùng sâu, vùng xa phải đảm bảo nguyên tắc tích cực, linh hoạt và phục vụ hiệu quả nhất cho các chủ trương nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân sinh, đào tạo nhân tài, phát triển kinh tế, định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống, tuyên truyền bài trừ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan, góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng nếp sống văn hóa Phật giáo cho bà con đồng bào, Phật tử tại địa phương các vùng sâu, vùng xa.

Giáo hội cũng cần giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành, đặc biệt những địa phương có cơ sở hoạt động là vùng sâu, vùng xa, có kế hoạch bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển Tăng, Ni các tỉnh mạnh, đông đến những tỉnh có cơ sở yếu nhưng chưa có Tăng Ni, nhất là vùng khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên rà soát lại một số vùng có tín đồ Phật tử là người kinh ít, dân tộc thiểu số nhiều, nhưng chưa có cơ sở hoạt động thì xin phép nhà nước để xây dựng cơ sở, dù nơi đó không nhiều lắm nhưng được xem là trường hợp đặc biệt.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa về vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các ban ngành của Giáo hội, Ban trị sự cũng như chính quyền địa phương ở các tỉnh vùng cao nên kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ và tập trung đầu tư vào công tác Phật giáo sự vùng sâu, vùng xa như: Xây dựng cơ sở Tự viện, Trung tâm văn hóa Phật giáo, xây dựng các thư viện Phật giáo, mở các lớp tập huấn, tổ chức lễ hội tuần văn hóa Phật giáo cho các tỉnh vùng cao, ưu tiên miễn phí cho đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số, đào tạo bồi dưỡng Tăng, Ni đang hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, Tăng cường năng lực thông tin, máy tín và các phương tiện công nghệ hỗ trợ tốt nhất, hiệu quả nhất cho công tác Phật sự tại các vùng này.

Tổ chức các lớp giáo lý Phật giáo cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, các bài giảng giáo lý, lễ nghi, kinh sách, Phật học cho các ngày lễ lớn, lễ hội… Biên soạn chương trình học giáo lý của Phật tử, đào tạo các giảng sư, mở khóa tập huấn cho giảng sư, điều phối, phân bổ giảng sư thuyết giảng về Phật giáo cho các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo.

3.2. Thứ hai, cần có sự dấn thân của Tăng Ni trẻ vì sự nghiệp hoằng dương chính pháp tới đồng bào Phật tử vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục Tăng Ni, chương trình Phật học tại các Học viện, Trung Cấp, Cao đẳng Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước cần đưa các học phần cho Tăng Ni sinh trẻ có cơ hội thử thách, thực hành và hướng dẫn đạo pháp, các công tác Phật sự tại những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Rèn luyện cho Tăng, Ni trẻ ý thức và trách nhiệm trong việc nhập thế và sau khi tốt nghiệp, khuyến khích Tăng, Ni sinh trẻ tự nguyện đến những điểm khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ, xây dựng cơ sở Phật giáo địa phương, hoằng dương chính pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo.

Đối với đồng bào, Phật tử vùng sâu, vùng xa, do những điều kiện kinh tế, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Tăng, Ni trẻ phải luôn là những người đứng ra kêu gọi và hỗ trợ đồng bào, không chỉ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tâm linh, tín ngưỡng Phật giáo mà cần phải trau dồi tri thức, đáp ứng nhu cầu của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, giáo dục và hoạt động xã hội. Tăng Ni trẻ có thể tích cực trong các hoạt động giáo dục cộng đồng, thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội, phát triển những dự án cộng đồng như: nước sạch cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; bài trừ mê tín dị đoan; chương trình ánh sáng văn hoá; chương trình Phật học ứng dụng và đời sống tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng và thành lập các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử tu tập, thu hút đông đảo đồng bào thuộc mọi tầng lớp, giới tính và độ tuổi, nhất là giới trẻ để phục vụ cho công cuộc hoằng dương chính pháp tại những nơi vùng sâu, vùng xa.

3.3. Thứ ba, cần có sự hợp tác và giúp đỡ của chính quyền các cấp.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Uỷ ban nhân dân, Chính quyền các cấp đối với công tác phát triển phật sự vùng sâu, vùng xa. Bởi các hoạt động Phật sự vùng sâu, vùng xa là vô cùng khó khăn và thách thức do những trở ngại về môi trường địa lý, địa hình, giao thông và rào cản về ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, tập quán, hơn nữa vùng sâu, vùng xa thường là địa bàn cư trú và sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, việc tiếp cận và hoằng pháp tại nhiều cộng đồng buôn, sóc, bản, phun… là không hề dễ dàng. Thêm vào nữa, đó là truyền thống tín ngưỡng đa thần, phong tục tập quán lâu đời, vấn đề hủ tục, lạc hậu vẫn còn phổ biến…. Do đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải có sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, tạo mọi điều kiện để tiếp cận đồng bào một cách dễ dàng, đồng thời dần dần thúc đẩy công việc hoằng dương Phật pháp, vượt qua những rào cản của văn hoá, phong tục và ngôn ngữ địa phương thì hoạt động hoằng pháp mới thực sự hiệu quả và đi vào ổn định, tiến tới xây dựng được các đạo tràng, cơ sở thờ tự, thực hành và hướng dẫn tu tập Phật pháp cho đồng bào vùng sâu vùng xa.

3.4. Thứ tư, cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, các chùa và nơi sinh hoạt tập trung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa.

Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, các chùa và nơi sinh hoạt tập trung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh thành vùng sâu, vùng xa hiện nay rất yếu và thiếu. Do vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có chủ trương và phối hợp với chính quyền các cấp quan tâm đến vấn đề này.

3.5. Thứ năm, cần xây dựng và hình thành các trung tâm nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ phát triển Phật giáo

Xây dựng và hình thành các trung tâm nghiên cứu, học thuật về Phật học có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào và đẩy mạnh sự dung hợp, hội nhập giữa Phật giáo với văn hoá, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào tại vùng sâu, vùng xa. Đồng bào dân tộc vùng cao, vùng sâu họ cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên nên chúng ta những người hoằng pháp nên chú ý đến việc truyền bá đạo hiếu theo tinh thần Phật giáo vào những ngày lễ Vu Lan, Phật đản… để giúp họ cảm nhận tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Vì niềm tri ân và báo ân ấy đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt Nam từ rất lâu. Ngoài ra chúng ta cần quan tâm hơn nữa về các loại hình nghệ thuật ở vùng cao, vùng sâu, như: Kết hợp văn hóa nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc, hội họa mang tư tưởng Phật giáo làm ảnh hưởng tốt đến cho họ.

3.6. Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền Chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kết hợp tuyên truyền, quảng bá tư tưởng, giáo lý, văn hoá Phật giáo và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá văn hoá Phật giáo đến đông đảo bà con, đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Thông qua kết hợp với các hoạt động Phật sự, hoạt động Tăng sự và từ thiện xã hội. Tìm và mời người biết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cách sống, phong tục tập quán, theo từng miền, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa để dạy cho Tăng Ni, Phật tử. Đặc biệt là những Tăng Ni, Phật tử đang thực hiện những nhiệm vụ Phật sự, hoằng pháp, độ sinh phát triển Phật giáo tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc.

4. Kết luận

Tóm lại, hoằng dương, phát triển Phật giáo vùng sâu và vùng xa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm và triển khai trong các chương trình Phật sự qua các kỳ đại hội. Kể từ năm 1981 cho đến nay, vấn đề Phật giáo vùng sâu, vùng xa luôn được Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử nhận thức đúng đắn và tạo mọi cơ hội, điều kiện để xiển dương chính pháp tới đông đảo đồng bào các dân tộc. Vùng sâu, vùng xa với những đặc thù vừa là địa bàn sinh sống của các dân tộc anh em, nhưng cũng đồng thời vừa là những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng nhằm giữ vững hoà bình, ổn định an ninh, chính trị và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng đó, phát huy tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo trong quá khứ, lịch sử và hiện tại, đáp ứng xu hướng nhập thế, gắn đạo với đời, phục vụ nhân sinh vì ý nghĩa cao đẹp, bình đẳng, tiến bộ và hoà bình, phục vụ Tổ quốc, sát sao với phương châm hành đạo: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” Phật giáo vùng sâu, vùng xa ở nước ta có nhiều khởi sắc, Giáo hội cùng Chư Tôn đức, Tăng Ni, Ban trị sự các tỉnh thành đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, tập trung những định hướng, chiến lược và chương trình hành động cụ thể để phát huy, phát triển vai trò của Phật giáo đến rộng rãi đồng bào trong cả nước nói chung và đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo. Bằng những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, Phật giáo Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào, nhân dân các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, nhiều ngôi chùa được xây dựng, nhiều Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tại các vùng sâu, vùng xa được thành lập, nhiều đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử được hình thành, phục vụ tốt cho công tác hướng đạo và thực hành giáo lý Từ, Bi, Hỷ, Xả của Đức Phật./.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...