Phát huy vai trò của chức sắc Phật giáo trong công tác đối ngoại nhân dân

Xuất bản

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang

Trong Đại phẩm của Luật tạng, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ nhì, đã ghi lại lời dạy của Đức Thế Tôn, như một lời tuyên bố với thế giới về sứ mệnh của mình. Đức Thế Tôn đã nói: Này các Tỳ kheo, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ.

Thật vậy, suốt hơn 2600 năm từ khi Phật giáo xuất hiện trên thế gian, không biết bao nhiêu người đã được lợi lạc từ giáo pháp của Đức Phật. Từ hành vi nhỏ nhất là làm các thiện nghiệp, đến vun bồi phước điền, cao hơn là gia nhập tứ chúng, đến các bậc đã nhập dòng Thánh và những Thánh Tăng đoạn tận lậu hoặc. Nơi đâu Phật giáo xuất hiện, nơi đó đón ánh sáng của từ bi và trí tuệ hiện hữu. Phật giáo không xung đột với thế gian, Phật giáo giúp chuyển hóa thế gian thành Tịnh độ an lạc.

Kính thưa quý vị!

Phật giáo đã vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, mỗi một bước chuyển mình của lịch sử nước ta đều chứng kiến sự dấn thân của Phật giáo như một hữu thể trong lòng dân tộc. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981, các hoạt động Phật sự ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đất nước, trong đó có hoạt động Đối ngoại Nhân dân.

Đối ngoại Nhân dân, hay ở một số quốc gia gọi là Đối ngoại Công chúng, là một trong ba ngành Ngoại giao trọng yếu của một đất nước bên cạnh Đối ngoại Nhà nước và Đối ngoại Đảng phái. Đối ngoại Nhân dân là hoạt động đối ngoại có sự tham gia rộng rãi của các đoàn thể Nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các cấp không nhân danh Đảng, Nhà nước và Chính phủ; của các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, nhà báo, đồng bào các tôn giáo, các dân tộc, các doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế; của các tổ chức từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi trường; của Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đối ngoại Nhân dân mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện, theo nhiệm vụ chung là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, duy trì môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh và an toàn cho Nhân dân, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Từ góc độ của mình, công tác đối ngoại này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện các chức năng sau, trên nền tảng lý luận Phật giáo: nghiên cứu, kiến nghị và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại; tạo dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, cùng có lợi với các đối tác; tổ chức thông tin đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân thế giới, đấu tranh với các âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch…

Chủ thể thực hiện công tác đối ngoại Nhân dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có các vị chức sắc trong Giáo hội, chư Tôn đức Tăng Ni, tín đồ Phật giáo, các vị nhân sĩ, trí thức trong xã hội cùng nhiều tầng lớp khác cùng chung sức, chung lòng. Nói như thế để thấy, công tác đối ngoại Nhân dân không thể và không phải là trách nhiệm riêng của các vị chức sắc trong Giáo hội, không phải chỉ riêng Ban Phật giáo quốc tế Trung ương đảm nhiệm, mà còn là công việc chung của toàn thể Giáo hội và các hội, đoàn, cá nhân yêu mến Đạo Phật, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động của Giáo hội.

Trong nhiệm vụ được giao, chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng vai trò là người thiết kế, chỉ đạo, chịu trách nhiệm là người đứng đầu, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng giao thực hiện những công tác trong đối ngoại Nhân dân. Song, để thành tựu nhất thiết phải huy động được sức lực và trân trọng đóng góp trí tuệ của toàn thể đại chúng trên tinh thần Lục hòa.

Kính thưa đại chúng!

Trong hơn 40 năm trang nghiêm Giáo hội, công tác Đối ngoại Nhân dân đã đạt được một số thành tựu rất đỗi tự hào, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, phương hướng hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay được xác định theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đó là Phật giáo Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, chú trọng Ngoại giao Nhân dân. Ngoài việc tiếp tục củng cố mối quan hệ với Phật giáo các nước trên thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn phát huy vai trò là thành viên trong các tổ chức Phật giáo quốc tế như Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Liên minh Phật giáo toàn cầu, Ủy ban Tổ chức quốc tế tại VESAK Liên Hiệp Quốc… Giáo hội ta chủ động tham gia hội nghị, hội thảo về Phật giáo, về đối ngoại tôn giáo, đưa ra những quan điểm, giải pháp, sáng kiến để giải quyết vấn nạn toàn cầu mà con người đang phải đối diện trên góc nhìn của Phật giáo, trên tinh thần Việt Nam.

1. Về công tác quốc tế

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các Hội Phật tử, Trung tâm Văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quan hệ đối ngoại với các nước có truyền thống Phật giáo như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar, Ấn Độ… ; với các tổ chức Phật giáo của châu Âu và Bắc Mỹ, Úc – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Chúng ta có nhiều Hội Phật tử Việt Nam ở các nước như: tại châu Âu có Pháp, Ba Lan, CH Séc, Đức, Hy Lạp, Slovakia, Hungary; tại Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả châu Phi chúng ta cũng có Hội Phật tử Việt Nam tại Mozambique, Angola. Hàng năm, Giáo hội ta đều tiếp đón nhiều phái đoàn Phật giáo các nước đến thăm Việt Nam, trao đổi về những vấn đề lý luận chuyên môn cũng như kinh nghiệm tổ chức hoạt động Phật sự.

Chúng ta cũng tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp đi thăm các nước, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức các lễ cầu an, Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan phục vụ bà con Việt kiều tại các Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại các nước; mở các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tại các nước. Gần đây nhất là nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Lào và Việt Nam, kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Lào và Việt Nam, sự kiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thăm và làm việc tại nước bạn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 22-24/9/2022), chuyến thăm hữu nghị của Phái đoàn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung ương Liên minh Phật giáo Lào, thắt chặt tình hữu nghị truyền thống hơn 60 năm và tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nhờ quan hệ đối ngoại cởi mở, chân thành và khéo léo, chúng ta đã cho thế giới thấy những thành tựu của Phật giáo Việt Nam là rất đáng trân trọng, đồng thời góp phần bác bỏ luận điểm của những thế lực thù địch, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở nước ta.

2. Về đại lễ Phật đản VESAK Liên Hợp quốc

Vesak là sự kiện Phật giáo quan trọng mang tầm thế giới. Việt Nam đã tổ chức thành công 3 kỳ Vesak. Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc. Khi đó, đây là sự kiện Phật giáo quốc tế lớn nhất trong hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Sáu năm sau, Việt Nam tiếp tục được chọn là nước chủ nhà của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2014. Ở lần đăng cai thứ 2, Vesak được tổ chức tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2019, Đại lễ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam). Tại Đại lễ năm 2019, chúng ta đã xác lập được 10 kỷ lục Việt Nam như Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất với sự tham gia của hơn 1600 Đại biểu quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc, các bộ trưởng của nhiều nước cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đại lễ còn có sự tham dự của nhiều Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức Phật giáo đến từ hơn 115 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất (chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”) với hơn 10.000 người từ các phái đoàn của 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất….

Việc tổ chức thành công ba kỳ đại lễ đã góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế, trách nhiệm đối với Liên Hiệp Quốc; đồng thời khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước. Không chỉ tôn vinh những giá trị, giáo lý nhân bản của nhà Phật và mở ra cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với thế giới, những lần đăng cai Đại lễ Vesak còn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển tiềm năng du lịch tâm linh, khi đã đón hàng nghìn Đại biểu quốc tế đến từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Hình ảnh một Việt Nam có trách nhiệm, thân thiện, tươi đẹp và yêu chuộng hòa bình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

3. Về du lịch Phật giáo

Du lịch Phật giáo là một hướng đi đầy triển vọng của du lịch tâm linh tại nước ta. Với hàng nghìn tự, viện, trong đó hàng trăm ngôi chùa mang giá trị lịch sử, văn hóa – tâm linh sâu sắc, nhiều ngôi chùa tuổi đời hàng mấy thế kỷ, đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa các cấp, như quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Hương, chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế), chùa núi Châu Thới (Bình Dương), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)… Việc phát triển du lịch Phật giáo đã, đang và sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch. Theo số lượng của Tổng cục du lịch Việt Nam, Lượng khách du lịch tâm linh nội địa đến các địa điểm linh thiêng Phật giáo chiếm hơn 40% số du khách hàng năm, đối với du khách quốc tế, con số này khoảng 12%.

Với hơn 465 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, rõ ràng du lịch tâm linh đã có “nguồn vốn” hết sức dồi dào. Tuy nhiên để phát triển thành công hơn, thiết nghĩ cần tập trung mở rộng đội ngũ nhân lực tổ chức du lịch tâm linh và các dịch vụ lữ hành phục vụ chương trình du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm lưu niệm; phục vụ cúng tế, chiêm bái, thiền; dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, cáp treo, lái đò, thuyền; dịch vụ thuyết minh; dịch vụ chụp ảnh; thưởng thức nghệ thuật dân gian, văn nghệ truyền thống, âm nhạc, múa, trò chơi dân gian… Đối với bạn bè thế giới, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tập trung quảng bá hình ảnh các di tích, danh lam thắng Phật giáo đến họ. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể sử dụng nhiều phương thức truyền thông để giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh tốt đẹp, giàu chất thơ và nhân văn của Phật giáo Việt Nam.

Qua những trình bày khái quát trên đây, ngõ hầu chúng tôi đã điểm lại những thành tựu nổi bật trong công tác Đối ngoại Nhân dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi hết sức tin tưởng rằng, với sự sáng suốt của trí tuệ tập thể Giáo hội ta, với sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể Giáo hội, công tác Đối ngoại Nhân dân sẽ ngày càng gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần đắc lực vào công đức trang nghiêm Giáo hội.

Xin cảm ơn!

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...