Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đăk Nông
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư Tôn Trưởng lão chứng minh Đại hội, chư Tôn đức Tăng Ni cùng toàn thể Đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc. Trong khuôn khổ của Đại hội lần này, chúng con có đôi điều kính gửi đến chư Tôn đức và toàn thể Đại hội.
1. Phật giáo Việt Nam phát triển toàn diện.
Phật giáo có mặt đồng hành cùng đất nước đã hơn 2000 năm lịch sử. Gắn bó với chiều dài lịch sử của nước nhà, có lúc khó khăn cùng khi thuận lợi, trải qua nhiều biến thiên của đất nước, vận mệnh của Phật giáo luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Khi đất nước lập lại hòa bình, vận mệnh mới cũng là cơ hội cho sự phát triển chung về nhiều phương diện của Phật giáo Việt Nam. Trước thời cơ đó, Phật giáo cũng nhanh chóng hòa nhập bằng cuộc vận động thống nhất các tổ chức Giáo hội, Hệ phái để cho ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, GHPGVN khẳng định là tổ chức duy nhất đại diện cho nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, đồng bào Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Dưới sự lãnh đạo tài đức của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ, Giáo hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Theo thống kê, cả nước hiện đang có gần 20 nghìn cơ sở tự viện đang được quản lý, sinh hoạt trong lòng Giáo hội. Từ thành thị cho đến các miền quê, từ nơi rừng núi cho đến miền hải đảo xa xôi đều hiện diện hình bóng của ngôi chùa. Qua đó cho thấy, nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật tử rất lớn. Ngôi chùa trở thành một nơi không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân Việt.
Bên cạnh sự phát triển về số lượng cơ sở tự viện, tu sĩ Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng lên đến gần 60 nghìn vị. Nhiều người giác ngộ, thấm nhuần giáo lý đạo Phật và phát nguyện trở thành tu sĩ để có cơ duyên chuyên nhất tu tập, thực hành lời Phật dạy. Tu sĩ Phật giáo Việt Nam hiện nay có xuất thân từ đa dạng thành phần trong xã hội. Có nhiều vị từ giới trí thức cao trong xã hội, hoặc là những người đã có địa vị xã hội, kể cả các doanh nhân. Hệ thống giáo dục Phật giáo với mạng lưới các trường Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học phân bổ đều khắp cả nước. Các Học viện Phật giáo đào tạo cấp cử nhân cho đến tiến sĩ đang thực hiện rất tốt vai trò của mình. Mỗi năm có hàng ngàn cử nhân Phật học được đào tạo, đây là tín hiệu đáng mừng của Phật giáo Việt Nam. Hệ thống hành chính Giáo hội trong suốt hơn 40 năm qua không ngừng cải tiến để phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội. Cải cách để đáp ứng với sinh hoạt đặc thù của Phật giáo, triển khai và thực hiện kịp thời các chủ trương, đường lối, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý tôn giáo. Các Ban Trị sự cấp tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động khắp cả nước đạt kết quả cao. Cùng với các Ban, Viện Trung ương và địa phương thể hiện bao quát được các hoạt động chuyên môn đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
Các sinh hoạt Phật giáo ngày nay được phát triển đa dạng và quy mô. Đặc biệt, các Đại Giới đàn được mở ra khắp các tỉnh, thành. Đây là cơ duyên để người phát tâm tu tập được chính thức thọ nhận giới pháp làm nơi nương tựa tu học. Hàng Phật tử tại gia cũng nhờ đây mà phát tâm thọ trì giới pháp chuyên sâu hơn. Đối với sứ mệnh truyền bá giáo pháp đến với nhân sinh có nhiều hình thức đổi mới, nhưng luôn phù hợp với giá trị cốt lõi của Đạo Phật. Các khóa tu cho mọi tầng lớp xã hội được diễn ra rộng khắp, khóa tu tập chuyên sâu cho Phật tử, khóa tu cho doanh nhân, các chương trình Phật pháp ứng dụng dành cho cán bộ, y bác sĩ, giáo viên… Khóa tu tuổi trẻ trong những năm qua đã tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Thanh thiếu niên đến chùa tu tập, tham gia các sinh hoạt của Phật giáo không còn xa lạ. Nổi bật hơn hết trong các sinh hoạt của Phật giáo là công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội.
2. Vài điều cần lưu tâm.
Bên cạnh sự phát triển ổn định của Phật giáo Việt Nam thì đâu đó vẫn còn những tồn đọng, chúng con xin được trình bày một vài thực trạng, kính mong chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội lưu tâm trong nhiệm kỳ đến, để Phật giáo chúng ta phát triển hưng thịnh, trường tồn.
2.1. Thực trạng Tăng Ni sinh hoạt tự phát.
Hiện nay, đa số Tăng Ni sau khi tốt nghiệp các trường Phật học có xu hướng muốn tạo lập một trú xứ riêng. Vì vậy, tình trạng Tăng Ni tự ý mua đất, dựng am cốc có xu hướng ngày càng tăng. Điều đáng nói là, hầu hết Tăng Ni đều thực hiện tự phát theo sở thích cá nhân. Một điển hình tại tỉnh Đăk Nông, thời gian gần đây số lượng Tăng Ni ngoài tỉnh đến tỉnh nhà khá nhiều, nhưng không đăng ký thuyên chuyển sinh hoạt tôn giáo, tự ý mua đất, xây dựng am cốc cá nhân. Tăng Ni âm thầm tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng tại am cốc của mình dưới hình thức như tư gia Phật tử. Điều này tạo nên nhiều khó khăn trên nhiều phương diện khác nhau. Thứ nhất, đối với cơ quan chức năng, không chấp thuận việc sinh hoạt tín ngưỡng không phù hợp với các quy định của Pháp luật. Thứ hai, khi Tăng Ni tự ý sinh hoạt riêng không thông qua Giáo hội địa phương, không nằm trong sự quản lý của Giáo hội sẽ tạo ra sự chia rẽ, mất đoàn kết trong giới xuất gia, từ đó dễ dẫn đến những hệ lụy làm giảm uy tín chung của Tăng Đoàn. Thứ ba, đối với người Phật tử tại gia, có thể dẫn đến những nhận định không đúng về sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo từ những vấn đề nêu trên.
Để khắc phục điều này, Giáo hội cần quán triệt nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý Tăng Ni. Giáo hội địa phương nơi Tăng Ni đến lập am cốc tự phát cần phối hợp với cơ quan chức năng để có hướng dẫn, quản lý Tăng Ni theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự và Luật tín ngưỡng tôn giáo, tránh tình trạng để những sự việc đáng tiếc xảy ra về sau. Vì vậy, khi Tăng Ni ngoài tỉnh đến một địa phương khác cư trú, nhưng không tuân thủ sự quản lý của Giáo hội địa phương, trường hợp này cần có công văn liên hệ trao đổi đến tỉnh thành nơi Tăng Ni đã đăng ký Tăng sự để thông báo sự việc, đồng thời có giải pháp tạo điều kiện theo đúng quy định của Giáo hội.
2.2. Thực trạng Tăng Ni công kích chống báng nhau trên mạng xã hội.
Một thực trạng trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ thông tin là: chính những tu sĩ lại dùng những phương tiện truyền thông để công kích nội bộ lẫn nhau. Đối với những sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày, mỗi cá thể đều có cách nhìn nhận đánh giá khác nhau trên nền tảng quan điểm cá nhân. Nhất là những vấn đề mang tính thời sự, hoặc các sinh hoạt tôn giáo đều tạo ra cách nhìn đa chiều, rồi lại đả kích chống báng nhau. Hiện nay, có một số tu sĩ thường hay có những phát ngôn liên quan đến vấn đề thời sự luôn là tâm điểm của giới truyền thông. Đây là cơ hội để báo chí khai thác quan điểm cá nhân của một vài nhân vật có ảnh hưởng xã hội, từ đó tạo ra những làn sóng dư luận trái chiều. Một số tu sĩ không ngần ngại mượn truyền thông xã hội để công kích lẫn nhau một cách khốc liệt. Thậm chí còn chỉ tên thẳng thắn những cá nhân bất đồng quan điểm chính kiến của mình, và cũng đã có không ít những ngôn ngữ nặng nề dành cho đối phương. Điều này tạo ra tình trạng khủng hoảng truyền thông trong nội bộ Phật giáo. Giáo hội cần khẳng định vị trí, chức năng người phát ngôn chính thức của Giáo hội. Phát ngôn chính thống của người lãnh đạo Giáo hội khiến các bên bất đồng quan điểm phải điều chỉnh quan điểm cá nhân. Đây là một điểm nương tựa niềm tin cho đồng bào Phật tử nói chung. Lãnh đạo Giáo hội cần nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh các vị tu sĩ sử dụng truyền thông để công kích nội bộ lẫn nhau, thiếu tính xây dựng trên tinh thần Lục hòa của đạo Phật.
2.3. Thực trạng Tăng Ni trẻ chưa chuẩn mực trên các phương tiện truyền thông.
Mạng xã hội phát triển đã mang đến nhiều lợi ích cho con người nói chung, hiển nhiên Phật giáo cũng nhờ đó mà có thêm nhiều kênh để truyền bá Phật pháp đến với cộng đồng. Trong đó, Tăng Ni trẻ đang có nhiều thuận lợi để sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội so với các vị tôn túc lớn tuổi. Bên cạnh thuận lợi của tuổi trẻ thì cũng không ít những hệ lụy phát sinh. Tăng Ni trẻ đôi lúc cũng chưa hoàn toàn kiểm soát được tâm ý của bản thân, thường đưa lên mạng xã hội những hình ảnh, tin tức chưa chuẩn mực đối với vị trí của một tu sĩ. Đâu đó vẫn còn những hình ảnh thiếu tế nhị, những hình ảnh dễ gây hiểu lầm, hoặc trường hợp hát ca những nội dung không phù hợp với tinh thần của Đạo Phật. Đây là một thực trạng mà các vị thầy Bổn sư của Tăng Ni trẻ, Ban giám hiệu của các trường Phật học cần phải nắm bắt, nêu cao ý thức trách nhiệm của các vị thầy Bổn sư. Ban giám hiệu các trường Phật học cần trao đổi, định hướng và giáo dục nhiều hơn nữa về thực trạng này, giúp Tăng Ni trẻ có cách nhìn đúng đắn, chuẩn mực để giữ gìn hình ảnh của người xuất gia, cũng như hình ảnh của Phật giáo được tôn nghiêm trên các nền tảng mạng xã hội. Tiến xa hơn nữa, Giáo hội cần sớm ban hành những bộ quy chuẩn về nguyên tắc sử dụng mạng xã hội dành cho Tăng Ni.
3. Kết luận
Tóm lại, chúng ta rất hoan hỷ với những thành tựu mà Giáo hội đã đạt được, và cũng cần thẳng thắn nhìn nhận bao quát những vấn đề được xem là thực trạng đang tồn tại trong giới xuất gia của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Để rút ra những kinh nghiệm trong việc quản lý Tăng Ni về các vấn đề nêu trên, lãnh đạo Giáo hội các cấp, Tăng Ni và Phật tử cần nhìn nhận đúng vấn đề. Những điều cần thiết mang tính thời đại, cần phải đưa vào Nội quy Ban Tăng sự để làm chuẩn mực cho Tăng Ni áp dụng và Giáo hội các cấp cần triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua bài tham luận này, nếu có điều gì không phải, kính mong quý Ngài hoan hỷ lượng thứ. Kính nguyện Quý tôn đức lãnh đạo Giáo hội luôn là bóng cây đại thụ, là chỗ nương tựa niềm tin vững chắc cho cửa hàng Phật tử.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát ma ha tát!
>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY