Thuận lợi khó khăn của truyền thông Phật giáo Vĩnh Phúc

Xuất bản

Đại đức Thích Đạo Tịnh

Ban TTTT GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc

 Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch trên chư Tôn Hòa thượng Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư Tôn thiền đức Tăng Ni hiện tiền!

Kính thưa Quý vị đại biểu quan khách!

Kính thưa Đại hội!

A. MỞ ĐỀ

Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã đề cập đến bản chất của truyền thông là sự chân thật. Cũng từ đó, công tác truyền thông được phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau qua mỗi giai đoạn, nhằm mục đích mang đến cho mọi người nhận thức đúng đắn về những lời chỉ dạy của Đức Phật, hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử sống đúng chánh pháp, hướng đến giác ngộ và giải thoát. Vì vậy, sứ mạng của truyền thông Phật giáo là mang đến cho công chúng những thông điệp về niềm tin và thực hành theo giáo lý Phật giáo, giá trị của Phật giáo, cũng như thông tin về cộng đồng Phật giáo.

Nhận thức được vai trò và sứ mạng của lĩnh vực truyền thông Phật giáo trong thời đại ngày nay, nhất là sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, những vấn đề về Phật giáo đều được sự quan tâm theo dõi của xã hội, trong đó không tránh khỏi những thông tin trái chiều, gây phương hại và tiêu cực đến uy tín của Giáo hội; do vậy, sự có mặt của truyền thông Phật giáo là cần thiết, không những thực hiện truyền tin, hoằng pháp nhằm phục vụ lợi ích cho người yêu mến đạo Phật, mà còn giữ chức năng “nói lại cho rõ” những vấn đề mà xã hội chưa hiểu, chưa tường tận về Phật giáo.

Hiện nay, hệ thống truyền thông Phật giáo ở nước ta có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc truyền bá tư tưởng đạo Phật đến với công chúng. Có thể kể đến kênh Truyền hình An Viên, Báo Giác ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học… Các website, trang tin điện tử cùng hệ thống ấn phẩm băng đĩa đồ sộ được xuất bản có nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Trên các trang báo điện tử Phật giáo đều có đề mục kinh, luật, luận. Mỗi trang đều có những tựa kinh khác nhau, thậm chí có phần lý giải kinh, luật, luận giúp cho tín đồ Phật giáo dễ hiểu hơn.

Truyền thông Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc duy tu, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa ở nước ta, cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Nhiều ngôi cổ tự đã được chính quyền và Phật tử, nhà hảo tâm gần xa góp nhân tài vật lực để tôn tạo, trùng tu. Nhiều nghi lễ Phật giáo được kịp thời bảo tồn, duy trì. Có thể kể đến những thông tin bảo tồn giá trị đặc sắc quần thể di tích chùa Bổ Đà, danh thắng Hương Sơn, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Tổ đình Vĩnh Nghiêm,… trên các website thông tin của Giáo hội. Nhờ vào hệ thống internet có thể lưu trữ và giới thiệu rộng rãi đến quần chúng nhân dân các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội qua các hiện vật còn được bảo tồn tại các cơ sở thông qua hình ảnh, số liệu lưu trữ.

Vì thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến nhân loại. Phật giáo cũng nằm trong dòng xoáy của truyền thông ấy. Trong “Ngũ minh pháp” của nhà Phật có nói đến công xảo minh, tức là việc sử dụng đúng những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại. Chúng ta sử dụng công cụ truyền thông thế nào và đối xử với thông tin ra sao để có được những hiệu quả tốt nhất trong đời sống, trong Đạo Pháp? Tham luận này sẽ nói về vấn đề truyền thông Phật giáo – ở các góc độ công năng là: hoằng pháp, tiếp nhận và phản biện.

Ngày nay, công nghệ thông tin đã giúp việc phổ biến các lời dạy của Đức Phật thuận lợi hơn nhiều. Một bài pháp thoại có thể được truyền đạt trực tiếp cho đại chúng ở khắp mọi nơi cùng nghe. Một nghiên cứu Phật học công bố là cả thế giới có thể nắm bắt. Các phương thức để truyền bá những lời dạy của đức Phật cũng như các hoạt động Phật giáo hiện nay đã quá dễ dàng truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội.

Ở Vĩnh Phúc, cách đây 5 năm, chúng con đã xây dựng trang fanpage ” Truyền Thông Phật Giáo Tỉnh Vĩnh Phúc ” cũng như liên kết với các trang truyền thông Phật giáo như : Phật Giáo Đời Sống; Phật sự online; Phật Giáo ORG; Giác Ngộ.

 

NỘI DUNG

1. Thuận lợi.

1.1. Trang thiết bị thuận tiện, đơn giản.

Về cơ bản, trang thiết bị tại các Chùa, Tu viện trong địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều có thể đáp ứng nhu cầu truyền thông trong phạm vi tỉnh.

– Các Chùa chủ yếu sử dụng truyền thông đơn giản qua hình thức in ấn và đưa tin bằng Thông bạch qua chư Tăng Ni, quý Phật tử đến đại chúng.

– Một số Chùa có fanpage, trang Facebook riêng có quản lý của nhà Chùa và Phật tử có thể truyền thông bằng cách đăng tin trực tiếp lên mạng xã hội bằng máy tính, để đăng tải những thời khóa tụng kinh, thời khóa tu tập ở các đạo tràng giúp cho mọi người có thể tham dự vào thời tụng niệm đó cùng thời điểm mặc dù không cùng địa điểm, khoảng cách địa lí đã bị xóa tan thay vào đó họ được gặp nhau trong những tâm niệm hướng đến sự thánh thiện, cùng sách tấn nhau tu tập, và thêm những dòng trạng thái tích cực, truyền năng lượng bình an đến với những người hữu duyên đọc được…

– Hầu hết Chư Tăng Ni và các Phật tử chấp tác truyền thông đều thành thạo về việc chụp ảnh, đưa tin truyền thông qua các kênh online (zalo, facebook,..) và offline (in ấn Thông bạch, truyền miệng,..)

1.2. Kỹ năng đơn giản các chùa cũng có thể là một cộng tác viên.

Mỗi Chùa đều có Thầy trụ trì hoặc người quản lý, hầu hết các Quý Thầy đều có thể quản lý các Phật tử của mình cũng như nhân rộng công tác truyền thông qua Thông bạch

Bởi vậy, mỗi Chùa trên địa bàn tỉnh đều có thể tính là một công tác viên cho công tác truyền thông Phật Giáo

2. Khó khăn.

2.1. Chưa có đội ngũ chuyên nghiệp.

Lực lượng truyền thông Phật Giáo trên địa bàn tỉnh là khá mỏng so với Quy mô quản lý Tuyên Giáo địa phương. Công tác quản trị mạng còn yếu kém, cán bộ phụ trách yếu chuyên môn, nghiệp vụ, lẫn kiến thức Phật học.

Chưa có sự thống nhất chặt chẽ giữa các thành viên phụ trách truyền thông Phật Giáo, chưa có sự điều hành chung, dễ gây ra tình trạng trong thời đại 4.0, bên cạnh những trang chính pháp được lập ra của Giáo hội Phật giáo Vĩnh Phúc, của các Chùa, thì có nhiều trang tự phát của các tổ đình, các chùa, các Facebook cá nhân của các Tăng Ni thông tin hoặc đánh giá một sự việc không thống nhất, nhiều chiều, gây nghi ngại, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Tiếp nữa, truyền thông Phật giáo là sự truyền tải thông điệp đạo đức, tình thương và chân lý sống, mang đến sự bình an và hạnh phúc cho con người. Vì thế, những người phụ trách công tác truyền thông Phật giáo trên địa bàn tỉnh cần phải được đào tạo cơ bản, phải có tâm, phải chỉn chu, thì truyền tải được những thông điệp tốt đẹp.

2.2. Hoạt động truyền thông tự phát là chính, chưa có quy định chung.

Với sự phát triển của các thiết bị khoa học và công nghệ, việc lưu trữ và truyền tải giáo lý, tin tức phật sự trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Internet phát triển trở thành công cụ đắc lực để đưa những giáo lý của đức Phật đến với người dân, chỉ bằng việc mua hosting và lập một trang web là mọi thông tin đều được cập nhật và lưu truyền một cách rộng rãi, ai cũng có thể truyền tải và tiếp thu thông tin qua internet và mạng xã hội.

Tuy nhiên việc làm truyền thông Phật giáo theo hình thức trên ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng gặp khá nhiều bất cập, cụ thể, việc các trang web về Phật giáo mọc lên nhan nhản, không có đơn vị quản lý đã dẫn đến một số trang có thông tin sai lệch, không chính thống hoặc truyền tải không đúng đắn tư tưởng nhà Phật. Một số trang web về Phật giáo nhưng lại đăng tải quá nhiều về xã hội, hoặc các chuyên đề không phù hợp để câu view đã dần làm mất đi sự trang nghiêm và đúng đắn cho một trang web chính thống về Phật giáo.

Bên cạnh đó, một số đơn vị tổ chức cá nhân cũng lợi dụng danh nghĩa nhà Phật lập các trang web từ thiện để kêu gọi quyên góp ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng thực chất là làm lợi riêng cho bản thân, gây mất niềm tin trong lòng Phật tử ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Phật giáo trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các trang web về Phật giáo có nội dung đúng đắn, phù hợp vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, do bài viết còn yếu kém, chất lượng chưa đảm bảo, trình bày còn khô khan thiếu thu hút. Do vậy, khá nhiều trang web sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa do không thu hút được nhiều độc giả, đây là vấn đề cực kỳ nan giải, cần khắc phục nhanh chóng để truyền thông Phật giáo có thể thực hiện được đúng vai trò của mình.

Những trang web còn lại chỉ làm truyền thông bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết và tự phát thôi thì chưa đủ. Bởi lẽ, con người là hạt nhân nhưng không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Các cấp Giáo hội chưa quan tâm đúng mức, chưa quy hoạch phát triển đội ngũ làm truyền thông, chưa có kế hoạch phát triển dài hơi và thậm chí khái niệm truyền thông phật giáo còn khá xa lạ đối với một số Chư Tôn đức lãnh đạo nên dẫn đến thực trạng như đã nêu trên.

  1. Giải pháp.

3.1. Đào tạo chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trẻ có tâm huyết chuyên về truyền thông.

Giáo hội Phật Giáo tỉnh Vĩnh Phúc nên liên hệ cơ quan chức năng, viện, để tổ chức các khóa học, lớp học liên quan đến lĩnh vực truyền thông báo chí. Chỉ đạo Ban Giáo dục Phật giáo xây dựng chương trình đào tạo cho các học viên tham gia đào tạo ngành truyền thông báo chí Phật giáo ở trình độ đại học và trên đại học. Để đội ngũ làm công tác truyền thông không những vững về chuyên môn nghiệp vụ mà còn hiểu biết sâu kiến thức về kiến thức Phật học.

Giáo hội Giáo tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên tạo điều kiện cho Ban Thông tin Truyền thông giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm truyền thông của Giáo hội Phật Giáo Trung ương và các tỉnh lân cận. Quan tâm hỗ trợ kinh phí giúp Ban hoạt động hiệu quả.

Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc kết hợp với Kênh truyền hình Vĩnh Phúc, xây dựng Ban Thông Tin Truyền Thông như một tập đoàn truyền thông bao gồm: Báo hình, báo đọc, báo in và báo mạng. Có văn phòng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, thường xuyên tổ chức các kỳ hội nghị, hội thảo gặp gỡ chia sẻ kiến thức về Truyền thông nói chung và Truyền thông Phật giáo nói riêng.

3.2. Kết nối truyền thông các cơ sở tự viện trong tỉnh.

Ban Thông tin Truyền thông nên thành lập Tổ Tư vấn nhằm thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến Giáo hội và thành viên Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc để phân tích, xử lý, kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp bước các bậc tiền nhân trong vai trò hộ pháp, an dân và đồng hành cũng dân tộc trong thời đại công nghệ số.

Thành viên Tổ Tư vấn bao gồm: chư Tôn giáo phẩm tiêu biểu cho các hệ phái trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và đội ngũ chuyên gia pháp luật am hiểu sâu về luật pháp trong nước và quốc tế. Các cán bộ làm công tác truyền thông cần tự học hỏi nâng cao trình độ năng lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ban Thông tin Truyền thông kết hợp với kênh truyền hình Vĩnh Phúc xây dựng chương trình Phật học ứng dụng, ứng dụng Phật pháp vào thực tiễn cuộc sống. Quản lý các trang web chính thống của Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc bài bản, đội ngũ cộng tác tốt chính là một hướng đi đúng đắn cho tình hình phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của các trang web Phật giáo trước đó, chúng ta cần thực sự hoàn thiện bộ máy tổ chức, phân chia mảng miếng cũng như công việc cụ thể cho từng cộng tác viên, phóng viên và biên tập viên, có như vậy, trang web mới chặt chẽ và làm tốt được vai trò truyền tải thông tin của mình.

Thường xuyên tổ chức các buổi diễn thuyết và tường thuật trực tiếp trên web để Phật tử tiện theo dõi, như vậy thông tin sẽ đa chiều và sẽ có nhiều người có cơ hội tiếp cận hơn với giáo lý nhà Phật nói chung và các thông tin Phật Giáo trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Do vậy, để truyền thông Phật giáo tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc làm tốt vai trò của mình không chỉ cần một đội ngũ nhân viên chất lượng mà còn cần một hướng đi đúng đắn và phù hợp với tình hình phát triển hiện nay.

C. KẾT LUẬN

Hàng nghìn năm qua, truyền thông Phật giáo đã tồn tại không bằng vũ khí, phương tiện và công nghệ, không dựa vào một nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ, lòng từ bi và đức hạnh. Kinh Tương Ưng, Thiên Đại Phẩm Đức Phật dạy: “Hãy ra đi, này các Tỳ khiêu, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch”.

Đức Phật đã cùng các thánh đệ tử của mình đi truyền bá giáo lý, vì lòng từ bi, vì trí tuệ phổ tế chúng sanh. Không có một nơi ở nhất định, một mình và không tiền của, những nhà truyền giáo đầu tiên ấy đi đây đi đó để truyền dạy giáo pháp. Tăng đoàn là đại diện của Đức Phật tồn tại ở thế gian. Đó là giáo đoàn gồm những vị xuất gia truyền thừa qua nhiều thế hệ, sống theo tinh thần giới luật của Phật chế định. Hơn 2.500 năm qua, Tăng đoàn đã duy trì và phát triển giáo pháp của Đức Phật, khiến cho gia tài chánh pháp của Ngài không bị mai một mà ngày càng thêm đa dạng và phong phú hơn.

Sự tồn tại của truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ không phụ thuộc vào mạng kết nối (qua trung gian), bởi vì Tăng đoàn tượng trưng cho Tam Bảo, đã thừa hành sứ mạng, mang chánh pháp truyền thừa mạng mạch. Tăng cũng chính là hiện thân của những vị Thánh giả, những người đã giác ngộ chân lý tối thượng siêu xuất thế gian. Truyền thông Phật giáo chủ yếu bằng lời nói, hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm thánh thiện, những cử chỉ nhẹ nhàng dễ mến và bằng tất cả tâm lực để truyền tải giáo pháp đến cho mọi người “nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vi sanh tử sự, giáo hóa độ xuân thu”. Từ đó, kênh truyền thông Phật giáo truyền thống tiếp tục có những đóng góp quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Kết quả này phụ thuộc vào chính những người làm truyền thông Phật giáo và các thế hệ tiếp nối. Người làm công tác truyền thông Phật giáo cũng chính là những người đang làm công tác hoằng truyền giáo pháp.

Ngày nay truyền thông Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong quá trình hiện đại hóa Phật giáo, góp phần giúp cho Phật giáo thích ứng kịp thời trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay: truyền tải chính pháp vào xã hội, kết nối giữa Giáo hội và Tăng, Ni, giữa Giáo hội với chính quyền, giữa Phật giáo với xã hội. Vai trò của truyền thông Phật giáo đạt hiệu quả cao là nhờ việc sử dụng các loại hình truyền thông khác nhau như: Kênh truyền hình Phật giáo, Youtube, Zalo, Facebook, mạng xã hội Lotus (phiên bản Facebook Phật giáo Việt Nam), trang online, thư viện số, báo giấy, báo điện tử… Ngoài ra còn các trang cá nhân, chùa, các đạo tràng của người xuất gia cũng như tại gia tham gia vào công tác truyền thông./.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...