Có 8 năm làm việc tại Trung tâm Đa dịch vụ Thánh John XXIII (John XXIII Multiservice Center), thuộc Cơ quan từ thiện Catholic Charities, tôi thấy được rằng Thiên Chúa giáo đang làm rất tốt vấn đề trị liệu tâm lý và Phật giáo của chúng ta rất yếu.
Cá nhân tôi nhận thấy, Thiên Chúa giáo rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc tinh thần cho người yếu thế, là cầu nối để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đau và làm việc có hệ thống. Họ kết hợp bác sĩ, y tá, và gia đình thực hiện nhiệm vụ như người điều phối viên, để chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý tinh thần cho bệnh nhân.
Bản thân tôi đã ứng dụng tinh thần Từ bi người con Phật, với hoạt động từ thiện xã hội như thế. Bằng cách thăm các vị cao niên trong các viện dưỡng lão, an ủi các bệnh nhân cuối đời đang được chăm sóc tại gia (hospice programs), và cầu nguyện cho thân nhân cũng như bệnh khi lâm chung tại các nhà quàng hay trên giường bệnh. Những hành động cụ thể mang tính phục vụ cộng đồng này đã trực tiếp xoa dịu vết thương do lịch sử và chiến tranh để lại và thể hiện sự nhập thế tính cực của Phật giáo trong thời hiện đại.
Từ sự trải nghiệm thực tiễn, tôi nghĩ và tin rằng, tu sĩ Phật giáo có thể làm và thậm chí là rất tốt ở lĩnh vực phục vụ cho cộng đồng ở phương pháp trị liệu, an ủi bệnh nhân như y tá kiện toàn sức khỏe và tinh thần bệnh nhân, đồng thời cũng là điều phối viên giữa bác sĩ và gia đình. Những người bệnh nhân trong bệnh viện, các cụ già trong viện dưỡng lão thậm chí là các bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối, họ là những người cần an ủi, cần chia sẻ và cần lắng nghe. Cho dù mình không giúp được gì nhiều nhưng chỉ cần lắng nghe họ, với họ đã có hạnh phúc, an vui.
Tôi nghĩ, đó là điều Phật giáo trong nước mình đang thiếu và ở lĩnh vực này không khó để tu sĩ, nhất là tu sĩ trẻ dấn thân, phục vụ. Dựa trên nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, theo tôi mỗi Tăng Ni cần sự dấn thân, phục vụ xã hội nhiều hơn nữa.
Thượng tọa Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Phật Tử Việt Nam tại Châu Mỹ, trụ trì chùa Pháp Vương California
Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX là một sự kiện quan trọng của GHPGVN, tôi mong Giáo hội có sự thay đổi trong cơ chế và thực hiện được nhiều điều trong Hiến chương đã quy định. Tôi kỳ vọng làm sao tu sĩ sẽ dấn thân, hiện diện nhiều hơn trong lĩnh vực từ thiện xã hội ở nhà tù, nhà thương – nhất là đến với bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối, viện dưỡng lão. Bởi họ sống đau khổ, tuyệt vọng, không có phương hướng, họ sợ hãi và tâm trạng lúc nào cũng cô đơn. Các tu sĩ trẻ có thể có nhiều cơ hội phục vụ cho xã hội, đóng góp cho Giáo hội Phật giáo nhiều hơn qua sự nhập thế, thay vì chỉ đảm nhiệm cương vị là một vị trụ trì.
Tôi cũng mong muốn nhiều hơn ở cơ chế Giáo hội sẽ cởi mở nhiều hơn để tu sĩ trẻ tham gia công tác Phật sự. Cụ thể, Giáo hội hiện nay có phần sợ tu sĩ trẻ chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ khả năng đảm nhiệm công tác Phật sự. Một phần vì thế mỗi nhiệm kỳ có nhiều tu sĩ tốt nghiệp các trường Phật giáo và cả những ngành Xã hội học, tuy nhiên sự dấn thân không nhiều trong hệ thống Giáo hội.
Vì thế, tu sĩ cần sự tạo điều kiện nhiều hơn từ Giáo hội, cần sự tin tưởng, mạnh dạng từ Giáo hội cho họ cơ hội dấn thân. Vì khi có làm thì mới biết, những vị tu sĩ trẻ ấy có làm được hay không.
Tôi cũng kỳ vọng, Giáo hội sẽ quan tâm hơn đến vấn đề hoằng pháp cho kiều bào mình ở nước ngoài. Hiện tại, Hội Phật tử Việt Nam tại châu Mỹ đã xây dựng được ngôi chùa nhỏ tại miền bắc California và sẽ xây mới chính điện, tăng xá, và trai đường để đủ phục vụ các buổi hành đạo, hội họp và sinh hoạt như một trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ trong tương lai, phát triển được hơn 500 Phật tử, trong đó đa số là người Mỹ gốc Việt, 3 người Mỹ gốc Đài Loan, và 6 người Mỹ.
Tôi có nỗi trăn trở lớn, đó là vấn đề Phật giáo kế thừa, tiếp nối và điểm tựa sinh hoạt tôn giáo cho kiều bào mình.
Cụ thể, ở Mỹ ngày nay có khoảng 200 ngôi chùa, đây là con số khiêm tốn, chưa nói đến các nơi cải gia vi tự. Tất cả những ngôi chùa đó sẽ trở thành viện bảo tàng hoặc trung tâm xã hội nếu mình không thâm nhập được cộng đồng. Vì thế hệ thứ 1, 2 họ còn nói tiếng Việt nhưng thế hệ thứ 3,4 chưa chắc họ còn nói và hiểu tiếng Việt, chứ chưa nói đến vấn đề hoằng pháp. Nên cho dù mình có nhiều chùa nhưng không có Tăng tài để phát triển thì sẽ khó thực hiện công tác hoằng pháp. Nguồn lực này rất cần sự quan tâm của Giáo hội.
Nguồn: GNO