Truyền bá Phật pháp trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Xuất bản

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn đức!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai trình bày tham luận với nội dung “Truyền bá Phật pháp trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Kính bạch chư Tôn đức!

Kính thưa quý liệt vị!

Bài tham luận nội dung gồm có 3 phần: Nội dung thứ nhất là khái quát về hoạt động của Phật giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nội dung thứ hai là, những khó khăn, thuận lợi trong việc truyền bá Phật pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cuối cùng là một số phương hướng phát triển Phật giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số.

1. Hoạt động của Phật giáo tỉnh Gia Lai.

Gia Lai là một tỉnh miền núi thuộc Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.536,9 km2, giáp ranh với 5 tỉnh: Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và có 90 km đường biên giới giáp với tỉnh Natarakiri của Vương quốc Campuchia; gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện; Toàn tỉnh có 1.513.847 người; có 44 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc Kinh nhiều nhất với 814.056 người, chiếm 53,77%; dân tộc thiểu số 699.760 người, chiếm 46,22% (Jrai có 459.738 người, dân tộc Ba Na có 189.367 người, dân tộc Tày có 11.412 người, dân tộc Nùng có 12.420 người, tiếp theo là dân tộc Mường có 8.283 người, người Thái có 5.440 người, người Dao có 4.825 người…). Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 05 tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động, gồm: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài và đạo Baha’i với 422.808 tín đồ (chiếm 25% dân số toàn tỉnh), trong đó số tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số là 241.421 người (chiếm 52,02% tổng số tín đồ các tôn giáo).

Trong thời gian qua, dưới sự điều hành của chức sắc lãnh đạo các cấp Giáo hội, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai đã tổ chức thành công 06 kỳ Đại hội, hoạt động của Giáo hội ngày càng phát triển và trở thành một trong số các tôn giáo có đông số lượng tín đồ nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 120 ngôi chùa, tịnh xá, niệm Phật đường và 01 trường Trung cấp Phật học. Toàn tỉnh có 515 Tăng Ni và hơn 20 ngàn tín đồ Phật tử.

Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tín đồ Phật tử trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội phát động.

Để Phật giáo có thể lan tỏa và phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai đã lồng ghép thuyết pháp, truyền đạo với các hoạt động từ thiện xã hội, cấp phát lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tiền…với sự trợ giúp của các thành phần có uy tín trong cộng đồng dân cư như già làng, trưởng bản. Với sự nhiệt thành và kiên trì, công tác phát triển Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã có những thành quả đáng khích lệ.

Năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai thành lập tịnh xá Ngọc Đồng (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho khoảng 750 Phật tử dân tộc thiểu số JRai và Ba Na sinh hoạt. Năm 2020 tịnh xá Ngọc Chư (làng Chư Ruồi – Sul, xã Kông HTok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được thành lập, có hơn 500 Phật tử đồng bào dân tộc JRai và Ba Na của 2 xã Kông HTok, Ayun sinh hoạt tôn giáo tại đó.  Hiện tại, hơn 4000 đồng bào Phật tử các dân tộc Jrai và Ba Na đang sinh hoạt, tu học tại TP Pleiku, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Ayunpa, Ia Pa, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pah. 

Ban trị sự Phật giáo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các cơ sở tự viện có Phật tử là người dân tộc thiểu số tổ chức các khóa tu mùa hè, tu Bát quan trai cho thanh thiếu niên là Phật tử người dân tộc thiểu số và cả người Kinh. Các khóa tu như vậy được xem là một phương pháp đột phá, hiệu quả không chỉ riêng đối với Ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với GHPG Việt Nam trong công cuộc hoằng dương chính pháp tới đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai nói riêng, ở khu vực Tây Nguyên nói chung.

Từ khi Phật giáo được truyền vào trong vùng dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào từng bước được cải thiện rõ rệt. Họ đã biết vận dụng những gì học hỏi từ kinh điển Phật giáo áp dụng vào đời sống thực tiễn, biết bố thí, ăn chay, niệm Phật; xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Những giáo lý, giáo luật của Phật giáo đã có những tác động đến nhận thức, hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào biết sống có ích, vì mọi người, làm việc thiện, tin vào luật nhân quả, sự công bằng; biết ơn, và trả ơn cha mẹ, Tam bảo, chúng sinh và Tổ quốc. Biết giữ 5 giới (Không giết hại, không trôm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) để trở thành người công dân tốt. Nhiều người khi trở thành Phật tử đã bỏ được rượu, biết yêu thương mọi người, bỏ được nhiều thói xấu, tập tục xấu; tuân theo pháp luật, không nghe kẻ xấu, làm điều xấu để làng bản được yên bình, gia đình hạnh phúc.

Những hoạt động thuần túy Phật sự; hoạt động văn hóa xã hội, hoạt động hướng đích xã hội như hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của BTS Phật giáo tỉnh Gia Lai  đều rất có ý nghĩa trong việc truyền đạo và phát triển Phật giáo ở tỉnh Gia Lai cũng như toàn vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là phát triển Phật giáo trong vùng dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ mà Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai đã và đang hướng tới.

Ngoài ra, các chức sắc, chức việc còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, biết tự vươn lên để thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia sản xuất những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tham gia công tác từ thiện hỗ trợ thiên tai, lũ lụt, xây nhà tình nghĩa, gia đình neo đơn, những người có công và những người yếu thế không có khả năng lo cho bản thân,.… các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề; tham gia khám chữa bệnh; tham gia phát triển giáo dục mầm non. Phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

2. Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình truyền bá Phật pháp  trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai:

2.1. Thuận lợi

Một là, đa số tín đồ Phật tử người dân tộc thiểu số đều ít nhiều biết tiếng Kinh nên thuận lợi cho việc tiếp xúc, trao đổi, hướng dẫn Phật tử của tu sĩ.

Hai là, đồng bào dân tộc thiểu số sau khi trở thành Phật tử, họ trở thành người có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa tích cực đến cộng đồng khiến nhiều người tìm đến với Phật giáo hơn.

Ba là, kinh điển Phật giáo được dịch nghĩa nên dễ đọc tụng, dễ hiểu hơn. Điều đó giúp đồng bào dễ tiếp thu Phật pháp.

Bốn là, các Tăng Ni tại tỉnh Gia Lai trong quá trình truyền giáo đã biết vận dụng hài hòa, khéo léo giữa bản sắc văn hóa bản địa với văn hóa Phật giáo như xây dựng mô hình chánh điện nhà sàn; sử dụng cồng chiêng, đờn tơ rưng, các điệu múa dân tộc … trong thực hành nghi lễ Phật giáo, khiến Phật giáo trở nên gần gũi, thân quen với phong tục, tập quán của đồng bào, dần dần khiến họ tin theo. 

Năm là, được sự quan tâm của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai, một số Phật tử là người dân tộc thiểu số đã tham gia trong Ban trị sự, cụ thể là nhiệm kỳ V (2017 – 2022) có Phật tử Kpuik H’Soa  (pháp danh Ngọc Dung) được bầu làm làm Ủy viên ban trị sự. Nhiệm kỳ VI (2022 –  2027) có Phật tử Đinh Nay Huỳnh (pháp danh Ngọc Liên) làm Ủy viên Ban Trị sự. Mặc dù việc truyền bá Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên còn chưa nhiều thành tựu, nhưng bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, đã có một số đồng bào dân tộc thiểu số xuất gia tu học như Kpă Yăo  (Huệ Pháp), K’Sor Khư  (Huệ Hiền),và Siu Gái (Mỹ Duyên).

Sáu là, để tiếp tục duy trì, củng số sự phát triển Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, BTS Phật giáo tỉnh Gia Lai đã tăng cường cử chức sắc đến các địa bàn có Phật tử là người dân tộc thiểu số để giảng pháp vào các ngày lễ, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Ban Trị sự tổ chức các khóa tu học và hướng dẫn giáo lý cho tín đồ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Ban Trị sự chú trọng việc xây dựng cơ sở thờ tự tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc tuyển chọn một số tín đồ cốt cán là người dân tộc thiểu số xuất gia, tu học đào tạo trở thành chức sắc để chính các chức sắc này sẽ giúp các Phật tử dân tộc thiểu số hiểu thấu giáo lý Phật giáo;  kiểm tra, đánh giá thực trạng sinh hoạt tôn giáo của người dân tộc thiểu số, từ đó tìm cách truyền đạo phù hợp hoặc phân công các ban ngành như Hoằng pháp, Phân ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Từ thiện, Ban Giáo dục Tăng Ni có trách nhiệm tích cực phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo để thu hút người dân tộc thiểu số vào đạo.

2.2. Khó khăn:

Mặc dù, Phật giáo tỉnh Gia Lai đã có một sự phát triển rõ rệt trong vùng dân tộc thiểu số, tuy nhiên để Phật giáo có thể phát triển hơn nữa, Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai còn gặp một số khó khăn sau:

Một là, trình độ văn hóa và nhận thức của Phật tử nơi đây còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí thấp, khó tiếp nhận Phật pháp với những giáo lý trừu tượng.

Hai là, rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, phong tục, tập quán, nếu tu sĩ không kiên trì, không cùng ăn, cùng ở và cùng thực hành tôn giáo với đồng bào thì sẽ khó thành công trong công cuộc truyền giáo trong vùng dân tộc thiểu số.

Ba là, giáo lý, kinh điển của Phật giáo chủ yếu sử dụng tiếng Phạn, tiếng Hán Nôm (dù đã được dịch sang tiếng Việt) nhưng vẫn khó đọc, khó nhớ, khó tiếp thu… trong khi, trình độ văn hóa của đồng bào thấp, vốn tiếng Việt chưa thành thục, nên họ không hiểu nhiều về Phật pháp, kinh điển, chỉ thuần túy bắt chước thực hành nghi lễ của người hướng dẫn. Hơn nữa, với sự hiểu biết, nhận thức về Phật giáo còn nhiều hạn chế, họ là thành phần rất dễ bị các đối tượng cực đoan trong tôn giáo lợi dụng.

Bốn là, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu thốn ảnh hưởng nhiều đến việc chuyên tâm tu học; phương tiện di chuyển thô sơ, giao thông không thuận lợi đến các địa điểm sinh hoạt tôn giáo.

3. Một số phương hướng phát triển Phật giáo trong vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai

Để hoạt động Phật sự của tỉnh Gia Lai tiếp tục có những khởi sắc, tiếp tục góp phần xây dựng Phật giáo Việt Nam tỉnh nhà ngày càng ổn định, phát triển, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác Phật sự, nhất là cụ thể hóa các nghi lễ cho phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tinh thần truyền thống đoàn kết, hòa hợp, thống nhất, chấp hành nghiêm túc Hiến chương của Giáo hội; vận động, hướng dẫn tín đồ Phật tử nêu cao tinh thần đoàn kết để xây dựng Phật giáo tỉnh nhà ngày càng vững mạnh, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” trong tinh thần “đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” với các nội dung cần tập trung thực hiện. Cụ thể:

Một là, tiếp tục mở rộng hoằng pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung củng cố đức tin của tín đồ, tuyển chọn, bồi dưỡng tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ để bổ sung vào đội ngũ truyền đạo. Đồng thời, lựa chọn những người có khả năng hơn đưa đi học ở các trường Phật học để có điều kiện phục vụ Giáo hội sau này. Ban Trị sự chú trọng việc xin đất xây dựng cơ sở thờ tự tại các xã vùng sâu, vùng xa nơi có đông Phật tử là người dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào có đạo, đồng thời, để có điều kiện thuận lợi đảm bảo cho việc tuyên truyền, phát triển tín đồ là người dân tộc thiểu số được tốt hơn và đạt hiệu quả hơn.

Hai là, khuyến khích Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia hơn nữa các công tác từ thiện xã hội và các phong trào của địa phương theo đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc và theo đúng pháp luật ban hành. Khen thưởng kịp thời những Tăng Ni làm tốt công tác vận động, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng hợp lý, chính đáng của chức sắc và Phật tử, nhất là Phật tử dân tộc thiểu số.

Ba là, Ban Hướng dẫn Phật tử cần hướng dẫn các tín đồ, nhất là tín đồ dân tộc thiểu số thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, tạo điều kiện cho Phật tử được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động Phật tử thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; sống “tốt đời, đẹp đạo” và thực hiện đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học. Việc dịch thuật, phiên dịch, ấn hành kinh điển Phật giáo từ nguồn cổ ngữ: Hán tạng, Pali, Sanskrit và các ấn phẩm nghiên cứu Phật học từ nguồn tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tập trung vào lịch sử Phật giáo thế giới, Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông sang tiếng của người dân tộc bản địa (Jarai, banah).

Trên đây là những đánh giá về việc truyền bá Phật pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cùng một số đề xuất, phương hướng nhằm phát triển Phật giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý chư Tôn thiền đức lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo, các quý vị lãnh đạo chính quyền các cấp, các vị khách quý!

 Cuối cùng, kính chúc chư Tôn thiền đức lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo thân tâm thường lạc; kính chúc quý cấp chính quyền mạnh khỏe và công tác tốt; kính chúc quý đại biểu an vui, hạnh phúc; kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Nam mô Hoan hỷ tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...