Vai trò của trụ trì với công tác hướng dẫn Phật tử trong thời đại hiện nay

Xuất bản

Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Phú Thọ

Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo song song cùng tồn tại. Hơn nữa, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước lại rất cởi mở: “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, nhà nước tạo điều kiện cho tất cả tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”.

Điều kiện để một tôn giáo phát triển là phải tập hợp và không ngừng phát triển số lượng tín đồ thường xuyên tu học, hành trì giới luật, kiên trung giữ Đạo, làm cho tôn giáo của mình vững mạnh. Nếu không thực hiện được sứ mạng như thế thì tôn giáo đó sẽ lâm vào thế suy thoái. Thời gian gần đây, một số các đạo lạ và tín ngưỡng mới xuất hiện. Để lôi kéo tín đồ, họ đã thực hiện nhiều hoạt động rất mạnh mẽ nhằm lan truyền giáo lý và tư tưởng của họ đến với quần chúng, trong đó có tư tưởng trái ngược với giáo lý đạo Phật và truyền thống sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam. Theo thống kê năm 2019, số lượng tín đồ Phật giáo giảm hơn 2 triệu người so với thống kê năm 1999 (Theo cục thống kê Việt Nam phổ biến trong Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, phát hành ngày 19 tháng 12 năm 2019 trên trang nhà của Cơ quan Tham mưu của bộ Kế hoạch và Đầu tư, thuộc Chính phủ). Mặc dù có nhiều ý kiến về tính chính xác con số nêu trên nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho quý Tăng Ni nói chung và các vị trụ trì nói riêng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xuất hiện các giáo phái và tư tưởng mang nội dung xuyên tạc nhằm phá hoại hoặc gây chia rẽ, làm lung lạc niềm tin của Phật tử vào nền giáo lý chân chính, pháp tu và Giáo hội. Điều này khiến cho Tăng Ni chúng ta tự hỏi phải làm thế nào để cho số lượng tín đồ Phật tử ngày càng tăng lên, lực lượng Phật tử thuần thành và kiên trung giữ Đạo ngày một phát triển. Để giải quyết được hai câu hỏi lớn nêu trên, chúng ta cần phát huy vai trò tích cực trong việc hướng dẫn Phật tử của các vị trụ trì tại các cơ sở tự viện thuộc hệ thống Giáo hội.

Phật giáo du nhập vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên và cực thịnh vào thời Lý, Trần (thế kỷ X đến thế kỷ XIV); có một thời gian dài Phật giáo là quốc giáo. Sau giai đoạn cực thịnh, Phật giáo ở nước ta đã dần dần bị Khổng giáo lấn lướt. Khi thực dân, đế quốc xâm lược nước ta, Đạo Phật càng lâm vào thoái trào. Số lượng đồng bào Phật tử bị giảm sút. Chiến tranh tàn phá đất nước, các thế lực cầm quyền thời Pháp, Mỹ đã tạo điều kiện cho các tôn giáo khác phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Tăng Ni chúng ta không có chiến lược phát triển làm cho Phật Pháp đến với mọi người và làm cho Phật tử kiên trung giữ đạo, hiểu biết Phật pháp một cách chân chính, thì số lượng Phật tử tâm huyết gắn bó có nguy cơ bị giảm sút trước những cám dỗ của các thế lực thiếu thiện cảm với Đạo Phật. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, có rất nhiều tư tưởng lạ xuất hiện trong Phật giáo làm xói mòn niềm tin của Phật tử vào pháp môn tu truyền thống, khiến cho Phật tử ngày càng rời xa chùa, xa quý Thầy và tự tập trung để tu tập các pháp môn dị giáo.

Sứ mệnh của các vị “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng” là đem chân lý, ánh sáng Phật Pháp soi rọi tâm hồn, làm cho con người tin tưởng vào lời dạy của Đức Phật và làm theo chính pháp. Một trong những vai trò then chốt của vị trụ trì là “Hướng Đạo sư”, là thầy hướng dẫn và chỉ đường cho Phật tử tu tập theo Chính pháp. Vị trụ trì cần phải có khả năng hướng dẫn và tổ chức các khóa tu cho Phật tử, chăm lo cho đời sống tinh thần của Phật tử, nhằm duy trì và phát triển đời sống đạo cho tín đồ. Đối tượng mà vị trụ trì cần ưu tiên hướng đạo đó chính là giới trẻ bởi các lý do sau:

1) Thanh thiếu niên là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai, tràn đầy sức sống. Từ thế hệ thanh thiếu niên hiểu và tin sâu Phật pháp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Đạo Phật sẽ có nhiều Phật tử hết lòng vì Đạo pháp.

2) Thanh thiếu niên với năng lực sáng tạo, khát khao tìm hiểu sẽ là lực lượng làm cho Phật giáo không ngừng phát triển và đổi mới.

3) Thanh thiếu niên là lớp người chưa vướng bận bụi trần, có nhiều điều kiện xuất gia tu học trở thành Tăng sinh, tu sĩ.

4) Thanh thiếu niên Phật tử, nếu không xuất gia mà ở tại gia làm Cư sĩ thì cũng là người cha, người mẹ trong gia đình định hướng cho con em mình theo Phật pháp.

5) Thanh thiếu niên là lực lượng xung kích, có tiềm năng đẩy mạnh mọi hoạt động của Phật giáo vào trong cuộc sống. Thanh thiếu niên có vai trò quan trọng như thế nên chúng ta cần có sự quan tâm đặc biệt để đào tạo và bồi dưỡng Phật pháp cho các em. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng trong công cuộc hoằng truyền chính pháp đối với các Phật tử lớn tuổi, bởi lẽ các bạn trẻ có tới chùa hay không cần có sự hướng dẫn và định hướng của ông bà, cha mẹ. Theo đó, để làm được điều này thì cần phát huy vai trò của các thầy trụ trì trong việc tuyên truyền thông qua các buổi giảng kinh thuyết pháp, các buổi cầu an cầu siêu.

Tiêu chuẩn của vị trụ trì trong thời đại mới cũng cần phải nâng lên, mới có thể đáp ứng công tác Phật sự; tối thiểu cũng phải trải qua các trường lớp đào tạo bài bản từ hệ trung cấp. Khi số lượng Tăng Ni trẻ tốt nghiệp nhiều thì tiêu chuẩn trụ trì có thể nâng lên trình độ Cao đẳng hoặc Cử nhân.

Giáo hội cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng trụ trì thông qua các kỳ An cư kết hạ, để nâng cao năng lực hoạt động và phẩm hạnh cho các vị trụ trì. Làm được như vậy thì công tác hướng dẫn Phật tử tại các cơ sở tự viện mới đạt hiệu quả.

Cần liên kết các vị trụ trì trong một huyện, một tỉnh, xa hơn là vùng miền thông qua hệ thống quản lý của Giáo hội, nhằm thực hiện các công tác Phật sự lớn như: Hoằng pháp, tổ chức khóa tu mùa hè, hội trại… Qua đó, có thể tiết kiệm được chi phí cũng như góp phần nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sự kiện Phật giáo cho quý Tăng Ni.

Về phía Giáo hội, cần đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy Tăng Ni, các vị trụ trì phải hoàn thành nhiệm vụ khi tổ chức các sự kiện hay chương trình Phật sự mang lại lợi ích chung cho Giáo hội. Thậm chí đưa ra một số hình thức chế tài, xử phạt thông qua việc độ đệ tử, trụ trì hay kiêm nhiệm trụ trì.

Về nội dung hướng dẫn Phật tử tu tập: cần thống nhất về nội dung giáo nghĩa giữa các pháp môn tu để cho các vị trụ trì, giảng sư căn cứ vào đó để hướng dẫn Phật tử tu tập, tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong sự nghiệp hoằng truyền giáo lý nhà Phật. Tránh tình trạng người tu pháp này đả phá pháp môn khác như một số trường hợp hiện nay, dẫn đến sự mâu thuẫn trong nội dung bài giảng của các vị giảng sư, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin và hoang mang trong tín đồ Phật tử, tạo cơ hội để các thế lực chống phá Phật giáo lợi dụng gây chia rẽ và làm suy yếu Đạo Phật. Để làm được việc này, cần phát huy vai trò của Viện nghiên cứu Phật học, cũng như Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương. Hai ban chuyên môn này cần phối hợp đưa ra được “bộ giáo lý cho từng pháp môn tu” để dung hòa giữa các pháp môn tu; hoặc đưa ra “bộ quy tắc ứng xử” cho các vị Giảng sư, trụ trì khi giảng pháp, hướng dẫn Phật tử tu tập theo các pháp môn khác nhau mà vẫn không dẫn đến sự mâu thuẫn, chống trái lẫn nhau.

Tăng cường nhắc nhở và thậm chí có chế tài đối với các vị trụ trì, giảng sư cố tình hướng dẫn Phật tử sai với giáo lý nhà Phật cũng như với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thậm chí đi ngược lại nhằm mục đích trục lợi cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của tăng đoàn cũng như của Giáo hội.

Thực trạng hiện nay của quý vị trụ trì tại nhiều chùa là vị trụ trì phải kiêm hầu như toàn bộ các công việc trong chùa, từ đối nội đến đối ngoại; thậm chí có vị phải kiêm nhiệm từ 2-3 ngôi chùa… Theo đó, việc tập trung vào xây dựng khiến cho khả năng nghiên cứu và tổ chức khóa tu, hướng dẫn Phật tử của quý thầy trụ trì bị hạn chế rất nhiều. Cùng với điều này, công tác chăm lo cho đời sống đạo cho các Phật tử của vị thầy trụ trì chưa đạt được mức cần thiết, khiến cho các Phật tử dễ dàng bị lôi kéo vào các tổ chức, các đạo tràng phi truyền thống, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Để khắc phục được tình trạng này, chúng ta cần đưa ra được những giải pháp cụ thể như: khi quý Tăng Ni trẻ tốt nghiệp các trường Phật học, đủ đạo hạnh thì các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo điều kiện bổ nhiệm về trụ trì các chùa, gánh vác Phật sự tại các cơ sở và dần hạn chế việc kiêm nhiệm khi đủ nhân sự.

Cần có sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các vị trụ trì trong tỉnh để tổ chức được các khóa tu mang quy mô cấp tỉnh, từ đó lan tỏa được sức ảnh hướng lớn đối với đông đảo quần chúng nhân dân, khiến họ có thiện cảm với Đạo Phật.

Nêu cao tinh thần tán thán và tùy hỷ công đức khi Tăng Ni hay các vị trụ trụ làm được Phật sự mang lại lợi ích cho Giáo hội và giúp họ có động lực để phát triển.

Cần mạnh dạn Việt hóa các nghi thức đọc tụng giúp cho các Phật tử khi đến chùa tụng kinh có thể hiểu và thực hành được lời Phật dạy. Bỏ qua sự mặc cảm về hệ phái, pháp môn hay thậm chí là vùng miền, từ đó chúng ta có thể hoằng truyền lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khiến Chính pháp lan tỏa sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân.

Cần đa dạng hóa các đối tượng học Phật, thông qua việc truyền bá hệ thống kinh tạng, lời dạy của ngài cho các tầng lớp như thương gia, trí thức, quan chức…, từ đó tạo được sức ảnh hưởng lớn mạnh trong quần chúng nhân dân. Không nên dừng lại ở việc các vị trụ trụ trì chỉ phục vụ tín ngưỡng cho giới bình dân thông qua các nghi thức cầu an, cầu siêu… Khi mọi người hiểu và tin sâu nhân quả, có đức tin vào lời Phật dạy, họ có thể sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đạo pháp, giúp cho đạo pháp được trường tồn và phát triển. Để làm được việc này, các vị trụ trì cần phải nâng cao trình độ của mình, chịu khó nghiên cứu học hỏi, tìm tòi mới có thể đáp ứng được nhu cầu Phật sự trên. Ngôi chùa là “Giáo hội thu nhỏ”, chính vì vậy vai trò của vị trụ trì cần phải được củng cố và nâng cao. Khi các vị trụ trì đủ năng lực và trình độ để có thể hướng dẫn được Phật tử tu tập và tìm hiểu lời dạy uyên bác của ngài thì lo gì đạo pháp không được trường tồn, lo gì dân số Phật tử sẽ bị sụt giảm.

Trên đây là bài tham luận của ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Phú Thọ trình Đại hội. Nếu có điểm nào chưa phù hợp, chúng con xin quý ngài, quý đại đại biểu niệm tình hoan hỷ. Xin trân trọng cảm ơn! 

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...