Văn hóa – Tinh thần dân tộc trong phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của GHPGVN

Xuất bản

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang

 Kính thưa Chủ tọa Đại hội!

Kính thưa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Kính thưa Quý Đại biểu! Thưa Đại hội!

Hôm nay, tại Thủ đô ngàn năm văn hiến, một lần nữa Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài hân hoan chào mừng sự kiện trọng đại của Phật giáo nước nhà, đó là Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IX. Trước hết, thay mặt Tăng Ni, tín đồ Phật tử tỉnh An Giang, chúng tôi xin gởi đến chư Tôn giáo phẩm chứng minh, Chủ Tọa đoàn, chư Tôn đức Tăng Ni, Chư vị khách quý cùng toàn thể quý Đại biểu lời chào mừng trân trọng nhất.

Được sự cho phép của Chủ Tọa đoàn và Đại hội, chúng tôi xin trình bày tham luận với nội dung: “Văn hóa – Tinh thần dân tộc trong phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Mục đích của tham luận là để chia sẻ những thành quả của Giáo hội đã đạt được trong 5 năm qua, cũng như đóng ý một vài ý kiến để Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX hoạch định cương lĩnh, chiến lược phát triển trong xu thế kết nối toàn cầu của tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính thưa Đại hội!

An Giang là một trong những vùng đất mới ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có sự cộng cư của người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và có nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt, tồn tại và phát triển. Theo giả thuyết khoa học, vùng đất An Giang được các chúa Nguyễn và cư dân người Việt thành lập trước năm 1700[1]. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược thì tại đây đã có cư dân người Việt định cư ở vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới và nhiều khu vực khác.

Trong công cuộc mở mang bờ cõi, Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những cư dân người Việt mang theo đi mở đất. Khi có mặt tại vùng đất mới An Giang, Phật giáo đã dung hòa được nền văn hóa có trước và ý thức hệ mà người dân mở đất mang theo, từ đó hình thành truyền thống tu hành của Phật giáo An Giang: Phật giáo Bắc tông của người Việt, Phật giáo của người Hoa, Phật giáo Nam tông của người Khmer.

Trước năm 1975, An Giang là một trong những tỉnh có nhiều tổ chức Giáo hội, Hệ phái cùng hoạt động, nhưng số lượng tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử tương đối khiêm tốn. Khi GHPGVN được thành lập, tất cả tổ chức Giáo hội, Hệ phái sinh hoạt chung trong đại gia đình GHPGVN, thì số lượng tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử liên tục tăng theo từng năm. Đặc biệt dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hoạt động của Phật giáo An Giang đầy đủ thắng duyên để tiếp tục phát triển.

Kính thưa Đại hội!

Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022 – 2027) mà Ban Thư ký vừa trình bày. Thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII đã cho chúng ta những bài học quý báu về thượng tôn Giáo luật, tuân thủ Hiến chương Giáo hội GHPGVN và Pháp luật Nhà nước; phát huy những giá trị về truyền thống đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết tôn giáo, tinh thần dân chủ, trí huệ tập thể trong luận bàn, triển khai và thực hiện một cách thắng lợi các Phật sự trong 5 năm qua.

Lật từng trang lịch sử, chúng ta thấy rằng GHPGVN là tổ chức Giáo hội có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay, là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo tinh thần “kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế, tuân thủ pháp luật Nhà nước”; các hoạt động Phật sự được triển khai theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Có thể nói, GHPGVN qua 8 nhiệm kỳ hoạt động, tập thể Giáo hội, từng cá nhân Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đã đóng góp tích cực công sức, trí huệ vào sự nghiệp xương minh đạo pháp, hộ quốc an dân, làm cho đạo thịnh nước hưng, nhất là làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn ổn định, phát triển bền vững trên tất cả lĩnh vực. Như thế, GHPGVN vừa người kế thừa xứng đáng 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, vừa là người có đầy đủ tư cách pháp nhân để lãnh đạo toàn diện các hoạt động Phật sự; vừa là người có trách nhiệm chăm lo sự phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu của các tổ chức, hệ phái thành viên, sự tu học của Tăng Ni, tín đồ Phật tử; vừa là người vận dụng và phát huy tính thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong tất cả hoạt động; vừa là người động viên các tổ chức, hệ phái một lòng đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Đó là chân lý bất di bất dịch của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam để triển khai, thực hiện các hoạt động Phật sự trong gần nửa thế kỷ qua. 

Nghiên cứu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mọi người có thể nghiên cứu ở từng góc độ khác nhau và sẽ có những ý kiến khác nhau. Vấn đề quan trọng ở đây, chính là nội dung mà phương châm muốn chuyển tải và chuyển tải cái gì?. Do đó, dù ở góc độ nào để nghiên cứu, thì không thể không nghiên cứu nội dung mà phương châm muốn chuyển tải, đó là “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”. Nội hàm “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” trong phương châm Giáo hội chuyển tải, tức là muốn nói lên một thuộc tính: “Xây dựng triết lý về tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ” và “Xây dựng luận lý về sự biết hy sinh mình, đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”.

Văn hóa – Tinh thần dân tộc tạo nên nhân cách sống. Do đó, một khi văn hóa phát huy giá trị sẽ tạo nên tinh thần dân tộc, lập nên những kỳ tích lịch sử. Từ ý nghĩa đó, lịch sử đã cho chúng ta những bài học vô giá, ý chí dù mạnh đến đâu, văn hóa không hiện hữu thì Phật giáo Việt Nam cũng không thể viết nên những trang sử vàng của Phật giáo nước nhà. Khi Tăng Ni, tín đồ Phật tử có có đầy đủ sự tự hào mình là thành viên GHPGVN, niềm tự hào về văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam thì đất nước phát triển, đạo pháp được xương minh. Qua đó cho thấy rằng, “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” đã được GHPGVN, Tăng Ni, tín đồ Phật tử vận dụng và phát huy trong những điều kiện cụ thể của đất nước, tạo nên một đặc thù về tính cộng hưởng và không thể thiếu trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam và GHPGVN.

Trong tiến trình tồn tại và phát triển, GHPGVN luôn phát huy văn hóa Phật giáo, góp phần làm cho văn hóa dân tộc thêm đa dạng, phong phú trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa vật thể cho đến văn hóa phi vật thể. Để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề, chúng tôi xin chia sẻ một số vấn đề mang tính đặc trưng của “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” trong phương châm Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Thứ nhất, thuộc tính yêu nước, độc lập dân tộc:

Như đã trình bày, “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” đã, đang và sẽ soi đường cho quốc dân đi, nó là sức mạnh của toàn dân tộc, không phân biệt tôn giáo, dân tộc và ý thức hệ xã hội trong công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Như vậy, từ khi có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã vận dụng tinh thần nhập thế tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc theo mô thức chung “Văn hóa – tinh thần dân tộc” để đồng hành cùng dân tộc.  Ngay từ đầu kỷ nguyên độc lập, Phật giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng, với vị thế một nước nhỏ, mới giành được độc lập, thông qua con đường ngoại giao để đấu tranh một cách mềm dẻo với phương Bắc, nhưng vẫn khẳng định sự độc lập, tự chủ của Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam. Và chỉ có “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” được phát huy đúng giá trị của nó trong những hoàn cảnh cụ thể thì đất nước độc lập, tự chủ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Thứ hai, thuộc tính dân chủ và lợi ích số đông trong phương châm:

Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam rất thận trọng khi tiếp nhận một ý thức hệ xã hội, Phật giáo Việt Nam và Chủ nghĩa Xã hội là một minh chứng. Vì vậy ngay từ buổi đầu, Phật giáo luôn thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ của dân tộc, vì lợi ích số đông mà phục vụ; Chủ nghĩa xã hội cũng thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ và giải phóng dân tộc, ý thức hy sinh cho quần chúng nhân dân. Do đó, Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội là một trong những nhân tố đã tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, làm tăng thêm, làm phong phú thêm giá trị của “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” để viết nên những trang sử hào hùng, làm nên những kỳ tích của dân tộc qua mọi giai đoạn lịch sử. Qua các trình bày, có thể cho chúng ta một đúc kết:

– Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội đã tạo nên cho dân tộc một tinh thần “anh em hòa mục, vua tôi đoàn kết, lấy dân làm gốc, cả nước một lòng ra sức dựng nước và giữ nước”[2]. Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội luôn hiện hữu trong đời sống, tâm thức của nhân dân, đã đi vào lòng người, luôn lấy ý muốn của số đông làm ý muốn của mình. Chính tinh thần đó, Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội đã được thể nghiệm ngay trong lòng mọi người, mọi nơi, để từ đó những đệ tử Phật, những người yêu nước sẵn sàng quên mình để lo cho dân cho nước. Khi đất nước cần, tất cả người dân, trong đó có những người Phật giáo sẵn sàng lên đường để cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc.

– Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội quả thật xứng đáng đóng vai trò chủ đạo của một hệ tư tưởng tích cực và năng động, đáp ứng được những yêu cầu của dân tộc, của lịch sử dựng nước và giữ nước, là chỗ dựa vững chắc của dân tộc, đất nước được độc lập, tự chủ bằng “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”, xây dựng tâm lý “tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ”, xây dựng luận lý “biết hy sinh mình đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”. Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Hơn 40 năm thành lập là quãng thời gian không dài so với 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhưng cũng đủ để tổng kết, tự hào về những thành quả Phật sự đã đạt được trên nền tảng “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” mà phương châm GHPGVN đã chuyển tải.

Từ những vấn đề trên, không có gì quá khó hiểu khi GHPGVN sử dụng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động Phật sự. Không thể nói yêu nước thương dân mà không lấy ý muốn, nguyện vọng của dân làm ý muốn và nguyện vọng của mình; lại tách rời một hệ tư tưởng đem lại an lạc hạnh phúc cho số đông, vì dân tộc mà phục vụ. Chính quan điểm này là động lực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động Tăng Ni, tín đồ Phật tử vừa thực hiện lý tưởng giác ngộ giải thoát, vừa làm tròn trách nhiệm người công dân.

Nếu xem xét phương châm dưới góc độ khoa học lịch sử, chúng ta thấy nó phù hợp với quy luật vận động và phát triển. Quy luật mà chúng tôi trình bày ở đây chính sự đoàn kết hòa hợp, vì lợi ích chung của dân tộc mà hoạt động. Tăng Ni, tín đồ Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hơn 40 năm qua bằng nhiều phương cách để làm cho đạo pháp xương minh, tổ quốc Việt Nam giàu đẹp. Phương cách đó, làm sao tương đối cụ thể, thiết thực, đồng thời nó phải mới và phù hợp với “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”. Mục đích là làm sao để nó vừa đảm bảo những nguyên lý cơ bản của việc tu hành, vừa đảm bảo với những điều kiện phát triển của Giáo hội và đất nước.

Vấn đề được đặt ra ở đây “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” không phải là một ước lệ xã hội, mà nó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Quy luật tương quan tương duyên không cho phép chúng ta nghĩ về “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” như là một tín điều hay ước lệ hạn hẹp nào đó có thể chấp nhận đối với người này hay người khác. Đó không phải là cách nhìn chung của vấn đề, và trong chừng mực nào đó, điều này nói lên tinh thần thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước.

Như vậy, “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” trong phương châm của Giáo hội là một vấn đề lớn, cần được hiểu là vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm của mọi người như là giải pháp tích cực trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới. Tất nhiên “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” trong phương châm không phải tự nhiên mà có, cũng như hạnh phúc không phải tự dưng mà có, nếu chưa được thực hiện đúng nội dung của nó thì không mang lại hiệu quả. Nó cũng không ở trong từ ngữ hoa mỹ được định nghĩa thế này hay thế khác như món đồ để trang sức cho trí tưởng tượng, mà đó là một nếp sống, được thể hiện qua thái độ sống của mỗi thành viên GHPGVN. Giáo hội và đất nước muốn phát triển bền vững, thì việc xây dựng “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” là trách nhiệm chung của mỗi người.

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển luôn gắn kết với sự an nguy của dân tộc. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất khuất, kiên cường; một đất nước đoàn kết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Như vậy, lịch sử phát triển của GHPGVN được thể hiện trong mệnh đề “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”. Dân tộc Việt Nam cưu mang tất cả, nhưng chỉ chọn những ý thức hệ, tư tưởng có thể đáp ứng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự chủ của Tổ quốc để biến nó thành chất men hội tụ, là xúc tác trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” được thể hiện trong phương châm Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, là một hệ quả tất yếu của một quá trình tiếp nhận và chọn lọc của dân tộc Việt Nam.

Kính thưa Đại hội!

Với nội dung tham luận mà vừa được trình bày trước Đại hội, chắc không tránh khỏi những điều chưa thực sự phù hợp, rất mong được sự hoan hỷ của Quý Đại biểu. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự thành công của Đại hội IX, nhất định Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian sắp tới. Chúng tôi xin hứa sẽ vận động các Hệ phái, Tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022 – 2027), phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế; tuân thủ pháp luật nước CHXHCNVN; tổ chức, triển khai các công tác Phật sự theo phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Trước khi kết thúc tham luận, một lần nữa thay mặt các Hệ phái, Tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử tỉnh An Giang, chúng tôi xin kính chúc chư Tôn giáo phẩm Chứng minh, Chủ Tọa đoàn, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quý Đại biểu vô lượng an lạc, vô lượng cát tường và thành đạt trong mọi công tác. Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX thành công viên mãn.

Xin trân trọng kính chào và cảm ơn./.

>>> Xem file word của Tham luận TẠI ĐÂY

Tin tức mới nhất

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...

Nội dung liên quan

Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn GHPGVN sau thành công Đại hội IX

Chiều tối ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Phạm...